Thi hành án dân sự: Đau đầu với nợ tín dụng
Hàng năm, các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỉ lệ không nhiều so với lượng án phải thi hành nói chung, nhưng do số lượng tiền lớn, trong đó chủ yếu nhằm vào tài sản thế chấp, bảo lãnh nên quá trình thi hành án gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Vấn đề này tồn tại đã lâu và đang dần được tháo gỡ.
Theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, năm 2016, có 198 vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, chiếm 2% so với tổng số việc phải giải quyết, nhưng số tiền tương ứng lên đến 871 tỉ đồng, chiếm 82% so với tổng số tiền phải giải quyết. Đến thời điểm này, các cơ quan THADS trong tỉnh chỉ mới thực hiện được 46 vụ việc với 85 tỉ đồng (đạt 23% về việc và 10% về tiền).
Ký kết quy chế phối hợp giữa Chi cục THADS tỉnh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Định.
Chây ỳ, kéo dài thi hành án
Thực tế cho thấy, người phải thi hành án (THA) thường không tự giác chấp hành, cố tình chống đối, chây ỳ bằng nhiều cách như thay đổi hiện trạng tài sản, không nhận quyết định THA, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để THA, đưa tài sản là động sản (xe máy, tàu thuyền, máy móc...) đi khỏi địa phương nên cơ quan chức năng không truy tìm được để xử lý. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp, người phải THA cố tình khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại vượt cấp với mục đích kéo dài việc phải THA. Đơn cử như vụ ông Huỳnh Đức T. (TP Quy Nhơn) có nghĩa vụ trả cho ngân hàng số tiền trên 1,2 tỉ đồng. Tài sản thế chấp của ông T. là ngôi nhà và đất ở tổ 7, KV5, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, nhưng sau khi bán đấu giá xong thì cơ quan THA không thể giao cho người mua bởi ngôi nhà hiện do một người tên D. quản lý, sử dụng và người này chống đối quyết liệt công tác cưỡng chế của cơ quan THA.
Lý giải về những tồn đọng kéo dài trong THA đối với án tín dụng ngân hàng, một chấp hành viên Chi cục THADS TX An Nhơn, cho biết: “Phần lớn người phải THA đều có tài sản thế chấp, nhưng việc xử lý tài sản thường gặp vướng mắc, do sau khi kê biên có tranh chấp, hoặc tài sản đưa ra đấu giá nhiều lần không có người mua. Trong khi đó, các ngân hàng không nhận tài sản thế chấp để trừ vào tiền THA vì phải chịu thuế, phí THA và các nghĩa vụ tài chính khác đối với tài sản, buộc cơ quan THA phải tiếp tục hạ giá tài sản, khiến vụ việc bị kéo dài”.
Ông Đỗ Đức Hùng, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Quy Nhơn, cho biết thêm: “Có những trường hợp bán được tài sản thế chấp nhưng đương sự không tự nguyện giao tài sản. Bên cạnh đó, cũng có những cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định cho vay đã không thực hiện đúng quy trình, quy định, không xác minh kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản, thẩm định quá cao so với giá trị thực của tài sản, dẫn đến sau khi sự việc đổ bể buộc phải THA thì tài sản bán không đủ để thu hồi nợ”.
Khó khăn và tháo gỡ
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với cơ quan THA là việc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là bất động sản, vì phải trải qua quá trình kê biên, thẩm định, định giá, bán đấu giá, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, tâm lý ngại mua tài sản bán đấu giá để THA của người dân cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình giải quyết các vụ việc.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, tháng 9.2015, Cục THADS tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định ký kết quy chế phối hợp giữa hai ngành. Thời gian qua, hai bên đã trao đổi, cung cấp thông tin cho nhau trong công tác xử lý nợ xấu; phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; tổ chức kiểm tra về THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Ngoài ra, Cục THADS tỉnh cũng thành lập tổ công tác chuyên về án tín dụng, ngân hàng để đôn đốc, nắm tình hình và kiên quyết xử lý những án còn tồn đọng, vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Quyền Cục trưởng Cục THADS tỉnh, từ khi quy chế phối hợp giữa hai ngành được ký kết đến nay, phần tiền THA xong trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng tăng hơn cùng kỳ là 65%. Để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, công tác phối hợp liên ngành trong THADS sẽ được tiếp tục tăng cường, đi đôi là đẩy mạnh việc động viên, giáo dục đương sự tự nguyện THA, cũng như chú trọng công tác điều hành, đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, góp phần khắc phục những hạn chế, đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu THA trong năm 2017.
K.ANH