Chăm lo sức khỏe cho người dân vùng lũ
5 cơn lũ lớn đi qua để lại hậu quả nghiêm trọng, trong đó có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe người dân. Lần đầu tiên, một cuộc “tổng động viên” đã được ngành Y tế thực hiện để tập trung chăm lo sức khỏe cho người dân vùng lũ.
Từ ngày 22-27.12, các đoàn công tác do Sở Y tế thành lập đã tiến hành khám chữa bệnh (KCB) cho người dân các vùng lũ: Ân Tín (Hoài Ân), Tây Vinh (Tây Sơn), Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), Canh Liên (Vân Canh), Mỹ Chánh (Phù Mỹ), Cát Chánh, Cát Nhơn (Phù Cát), Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước).
Bác sĩ Nguyễn Trà Thảo Nhi khám mắt cho người dân xã Cát Chánh, huyện Phù Cát.
Ðến với người dân vùng lũ
Xác định các nguy cơ chính đối với sức khỏe người dân vùng lũ nên các đoàn KCB đều chú trọng nhân lực về mắt, da liễu, các bệnh về cơ xương khớp, tiêu hóa… Ngoài các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, thuốc bôi ngoài da… các đoàn còn phát thuốc nhỏ mắt, vitamin tổng hợp, thuốc bổ… nhằm giúp người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Năm nay 61 tuổi, bà Nguyễn Thị Bính (ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) bị mộng thịt, cườm khô đã lâu nhưng vẫn chưa được điều trị. Những ngày lũ vừa qua, tiếp xúc nhiều với nước nên mắt bị kích ứng, viêm, vừa rát vừa ngứa. Cộng với chứng tăng huyết áp “trường kỳ”, nên bà càng xuống sức nhanh chóng. Sáng 24.12, bà được bác sĩ Nguyễn Trà Thảo Nhi (chuyên khoa Mắt, BVĐK TP Quy Nhơn) thăm khám. Bác sĩ Nhi khuyên bà Bính phải đi mổ thì mắt mới khỏi được. “Trước mắt, nên thường xuyên rửa mắt bằng nước sạch đun sôi để nguội, giúp mắt sạch bụi” - bác sĩ Nhi nhẹ nhàng nói.
Bà Nguyễn Thị Hảo (74 tuổi, ở thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh) cũng bị thoái hóa khớp gối mạn tính. Đợt lũ vừa rồi nhà ngập tới nách, nhà neo đơn nên chẳng khuân vác gì được. Người em dâu ở cạnh bị rắn cắn, chồng phải đi bệnh viện nuôi. Nước rút, bùn khô, bà phải lui cui một mình dọn dẹp. Được thăm khám rồi nhận thuốc, bà thở dài: “Cũng mong cái chân nó đỡ đau để còn lo nhà cửa…”.
Chiếm số lớn trong số đối tượng được KCB là người cao tuổi. Cụ ông Từ Văn Cang (80 tuổi, ở thôn Bính Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) bị viêm phế quản đã 5 năm. Ông tâm sự: “Đợt mưa lụt rồi tôi bị trở lại, ho và mệt rất nhiều. Rất may có đoàn y tế về tận đây khám bệnh và cấp thuốc, thật sự tôi mừng lắm!”.
Kịp thời ngăn chặn bệnh tật
Bên cạnh các đoàn KCB do Sở Y tế thành lập, các cơ sở y tế của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tham gia chăm lo cho người dân vùng lũ. Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa đã đến với vùng cao xã An Hòa, huyện An Lão. Trong số 427 người được khám, có đến 124 người bị sẩn ngứa, 91 người bị nấm da, 80 người bị viêm da tiếp xúc dị ứng…
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, chia sẻ: “Bên cạnh hoạt động KCB tại cơ sở, chúng tôi còn chú trọng công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn bộ phận chuyên trách ở các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên tập trung đối phó với nguy cơ bùng phát các bệnh da liễu do tình trạng ngập lụt kéo dài”.
Trong khi ngành Y tế huy động nhân lực, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định và các doanh nghiệp dược phẩm khác đã hỗ trợ thuốc cấp cho người dân, với tổng trị giá 150 triệu đồng. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng bày tỏ, giữa lúc cả tỉnh gánh chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt, đời sống người dân vô cùng khó khăn, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để chăm lo cho bà con vùng lũ.
“Đến với người dân khi nhiều nơi còn ngập, đường sá bị chia cắt, việc có các đoàn về KCB tận nơi thật sự có ý nghĩa lớn. Bởi sau lũ, người dân lo dọn dẹp nhà cửa, ít chú trọng đến bệnh tật. KCB ngay trong những ngày này cũng sẽ góp phần chặn đứng các dịch bệnh ngay khi vừa chớm xuất hiện, không để lây lan ra cộng đồng” - ông Hùng nhận định.
Hiện Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả của mưa lũ. Trong đó, quan trọng hàng đầu là đảm bảo đưa các cơ sở y tế vào hoạt động bình thường. Đồng thời, huy động lực lượng y tế từ tỉnh đến thôn để đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường sau mưa lũ theo phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức phù hợp…
Bên cạnh hoạt động KCB, Sở Y tế cũng tổ chức trao 810 suất quà (gồm thực phẩm ăn liền, xà phòng diệt khuẩn, sữa…) cho người dân vùng lũ, với tổng trị giá 200 triệu đồng, từ nguồn vận động của Sở. Bác sĩ Lê Quang Hùng cho biết, Sở sẽ tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ để tổ chức thêm các hoạt động chăm lo cho người dân vùng lũ.
NGUYỄN VĂN TRANG