Thực hiện Ðề án 02 -1133/TTg:
Các nhóm nòng cốt tích cực vận động nhân dân chấp hành pháp luật
Hướng đến một môi trường sống lành mạnh, không có tranh chấp, kiện tụng, người dân hòa đồng, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau là mục tiêu mà Ðề án 02-1133/TTg về “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013-2016” hướng đến. Sự ra đời của các nhóm nòng cốt ở khu dân cư chính là một trong những điều kiện cần để hiện thực hóa điều đó.
Trao đổi, giải đáp ngay từ cơ sở là cách góp phần hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Với vai trò là tuyên truyền viên tại cơ sở, nhóm nòng cốt tại các khu cụm dân cư không chỉ chủ động hình thức tuyên truyền mà còn phối hợp với lực lượng chức năng (như công an thôn, công an xã) và các gia đình tiến hành các biện pháp phù hợp để vận động những người có hành vi hoặc nguy cơ vi phạm pháp luật tự nguyện từ bỏ các tật xấu, tránh xa tệ nạn, phấn đấu trở thành công dân tốt.
Điển hình như nhóm nòng cốt tại khu dân cư Chánh Thiện, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), nhờ luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ nhân dân, điều chỉnh nội dung và hình thức cho phù hợp nên nhóm đã hòa giải thành 6/8 vụ mâu thuẫn trong dân cư. Cũng từ việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong dân, năm 2014, khu dân cư Chánh Thiện có 5 trường hợp vi phạm pháp luật, đến năm 2015 giảm còn 3 trường hợp và năm 2016 chưa xảy ra trường hợp vi phạm nào.
Còn xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh), với việc chú trọng xây dựng các nhóm nòng cốt trong các mô hình pháp luật như: Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội, gia đình ký cam kết đảm bảo ATGT, chi hội đọc sách báo định kỳ, vận động hộ gia đình ký cam kết gia đình văn hóa, hiện xã có trên 90% gia đình đạt gia đình văn hóa, 80% thôn đạt thôn văn hóa; số vụ phạm pháp hình sự năm sau giảm hơn năm trước.
Đặc biệt khi có những chủ trương, chính sách, quy định mới của Trung ương và địa phương thì các nhóm nòng cốt sẽ tổ chức họp và bàn kế hoạch tuyên truyền một cách cụ thể. Nhờ đó mà qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án 02 -1133/TTg, toàn tỉnh có đến 82% tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được hòa giải thành, giảm gần 40% các hành vi vi phạm pháp luật của người dân; tình hình trộm cắp, khiếu kiện vượt cấp năm sau giảm hơn năm trước.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.123 nhóm nòng cốt tại các khu, cụm dân cư. Nhận xét về hiệu quả của mô hình này, ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban điều hành thực hiện Đề án 02 -1133/TTg, nhấn mạnh: “Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án đã từng bước định hình được cơ chế phối hợp hoạt động giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền pháp luật và vận động chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư. Các nhóm nòng cốt trên địa bàn tỉnh ta tuy thành lập và hoạt động chưa lâu nhưng hiệu quả thì đã được chứng minh qua thực tiễn hoạt động. Sự ra đời của mô hình này đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, giảm tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người. Tỉ lệ gia đình văn hóa, khu phố văn hóa cũng nhờ đó tăng đáng kể”.
Có thể khẳng định, việc triển khai, thực hiện Đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013-2016”, đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, đẩy mạnh phong trào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
NHẬT LINH