Mùa nắng nóng, cẩn trọng với bệnh về da
Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để các bệnh về da phát triển. Khi đã mắc bệnh không được tự ý điều trị vì dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Theo thống kê của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2013, có 47.015 lượt bệnh nhân đến khám các bệnh về da, có 5.946 lượt bệnh nhân được điều trị nội trú, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm 2012 đến nay, khoa Chăm sóc da, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đã điều trị laser sạm da, sắc tố da, tàn nhang, đồi mồi, đốm nâu cho hơn 2.000 trường hợp; chăm sóc da mụn, sạm da, dị ứng, da thường cho hơn 3.000 trường hợp.
Không nên tự chữa trị
Theo nhận định của nhiều bác sĩ chuyên khoa, vẫn có nhiều người mắc bệnh về da chủ quan, để bệnh nặng mới đi khám. Không ít người tự mua thuốc về điều trị, bệnh không khỏi mà chuyển sang giai đoạn nặng, làm cho việc điều trị kéo dài và giảm khả năng đáp ứng bệnh. Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Thu Hà, 47 tuổi, ở TP Quy Nhơn phát hiện trên da chân xuất hiện một mảng đỏ. Nghĩ đó là bệnh ngoài da bình thường, chị mua thuốc về bôi và uống nhưng vẫn không thấy đỡ. Khi “cầu cứu” các bác sĩ chuyên khoa da liễu, chị mới biết mình bị viêm da dị ứng do côn trùng. Được điều trị đúng thuốc, hiện nay bệnh của chị đã khỏi hẳn.
Có một thực tế đáng báo động hiện nay là tình trạng viêm da do dùng mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là các sản phẩm kem trộn, do các chủ quầy hàng tự trộn rồi bán ra thị trường. Trường hợp của chị Trần Thị Trang, 42 tuổi, ở Nhơn Hòa, An Nhơn, là một ví dụ. “Nghe lời các chị em quen biết, tôi mua kem trộn về dùng, ban đầu thấy da trắng ra, nhưng sau đó lại sạm đen rất nhanh. Sau đó dùng củ lan huệ lột da mặt để cải thiện làn da bị hư tổn, nhưng càng tệ hơn, phải tìm đến Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa mới cải thiện được tình hình”, chị Trang chia sẻ.
Ngoài ra, một số trường hợp khám không đúng chuyên khoa dẫn đến điều trị sai lệch phác đồ. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh miễn dịch, bệnh hệ thống, bệnh nhiễm khuẩn (viêm mô tế bào có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết) ảnh hưởng đến tính mạng.
Làm gì để phòng bệnh về da?
Theo bác sĩ Phạm Thị Hoàng Bích Dịu, Trưởng khoa Chăm sóc da, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, nhiều trường hợp bị tổn thương da được khám và điều trị kịp thời, giúp phát hiện và ngăn ngừa sớm các bệnh về da. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, những người có làn da nhạy cảm cần cẩn thận hơn khi thấy xuất hiện trên da các dấu hiệu bất thường; không được sử dụng tùy tiện hóa mỹ phẩm.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh về da thường gặp trong mùa nắng nóng gồm các bệnh dị ứng (mề đay, viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng, thực vật, ánh sáng)… thường gặp ở mọi lứa tuổi; các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (chốc, nhọt, viêm nang lông) do viêm tuyến mồ hôi, rôm sảy… thường gặp ở trẻ em; nhiễm trùng da do nấm (kẽ chân, bẹn, móng chân, da đầu, lang ben). Ngoài ra, còn có các bệnh tuyến bã (trứng cá, viêm da đầu); bệnh nhạy cảm ánh sáng (luput ban đỏ, viêm da ánh sáng).
Còn bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, thì khuyến cáo: “Khi thấy các biểu hiện ngoài da như đỏ da, đỏ da tăng lên khi đi ra nắng; mụn nước, phỏng nước, mụn mủ, lở loét da, bong tróc, trợt da; đau rát trên vùng da nào đó, ngứa trên da… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời”.
Khí hậu nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viêm da do vi khuẩn, nấm phát triển. Bệnh ngoài da mùa nóng thường không nặng, nhưng diễn tiến nhanh trong môi trường ẩm ướt và bội nhiễm nặng do thiếu vệ sinh. Do đó, cần giữ cơ thể khô, thoáng, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm phát triển trong môi trường ẩm. Cần có chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau quả, tránh các thức ăn kích thích, cay nóng. Tăng cường vệ sinh thân thể, giữ da khô thoáng, sạch sẽ; mặc quần áo rộng, thoáng, thấm mồ hôi, ưu tiên đồ sáng màu để tránh bắt nắng; cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để bù đắp cho việc hao tổn nước.
Một điều đáng lưu ý nữa là nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng từ 10-16 giờ, vì khoảng thời gian này có lượng tia cực tím mạnh nhất. Nên đội nón rộng vành, đeo khẩu trang, mặc áo quần dài khi có việc phải ra ngoài trời nắng. Với người hay sử dụng kem chống nắng, nên dùng loại kem chống nắng phổ rộng, có tác dụng bảo vệ cả tia UVA lẫn UVB và có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Bôi kem chống nắng 20 phút trước khi ra ngoài trời lên tất cả những vùng da tiếp xúc với ánh nắng.
THẢO OANH