Nghĩ về thơ Xuân của Ðào Tấn
Đào Tấn (1845-1907) không chỉ nổi tiếng với sự nghiệp sáng tác tuồng đồ sộ mà còn tồn tại với tư cách một nhà thơ. Ở đây, xin bàn về giá trị nghệ thuật của những bài thơ Xuân của Đào Tấn.
Tượng chân dung Đào Tấn. Ảnh: HOA KHÁ
1. Khảo sát thơ chữ Hán của Đào Tấn, chúng tôi nhận thấy, đến với các mùa trong năm, Đào Tấn hứng thú nhất với mùa Xuân. Ngoài những bài thơ lẻ tẻ nhắc đến mùa Xuân, chỉ căn cứ vào nhan đề tác phẩm, tác giả có tới 16/141 bài viết trong thời điểm mùa Xuân, đặc biệt là ở thời điểm đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới như: Tuế đán thư hoài, Tuế đán ngẫu thành, Canh Tý trừ tịch, Ất Tỵ trừ tịch…
Trong thời điểm cuối năm, nhất là vào thời khắc giao thừa, nhà thơ thường suy ngẫm, soát xét lại những gì đã qua: Tuế trừ kiểm điểm lưu niên ký (Đêm giao thừa kiểm điểm lại việc làm của năm qua - Hoan thành Kỷ Hợi trừ tịch). Và trước thực tại, ông vẫn không nguôi trăn trở, lo thay nỗi lo của người dân sau ba ngày tết (Tân Sửu trừ tịch), với cảnh mưa gió trên mảnh đất Lam Hồng - nơi ông đang làm quan (Trừ tịch) và trên hết là nhận thức lại về chính mình. Nhìn về quá khứ cũng như hiện tại, nhà thơ vừa tỏ rõ thái độ phê phán hiện thực xã hội, lại vừa tự trào. Qua đó cho thấy, Đào Tấn là một người ưu tư, thích chiêm nghiệm và là một ông quan có trách nhiệm trước thời cuộc.
2. Hơn 30 năm làm quan ở nhiều địa phương khác nhau, nhiều khi Tết đến Xuân về, Đào Tấn vẫn còn phải ở lại nơi trị nhậm. Bởi vậy, nỗi nhớ quê nhà canh cánh trong lòng tác giả. Toan tuần ngũ thập lục niên hoa/ Dĩ chấp niên xuân bất tại gia (Thấm thoát đã năm mươi sáu tuổi tròn/ Hết ba chục cái xuân ta không có ở nhà - Tuế đán ngẫu thành). Dù làm quan lớn nhưng Đào Tấn luôn ôm trong mình giấc mộng được tự do ngao du hồ hải, nhất là để được thưởng nhàn: Thiên địa tuần hoàn vi tuế nguyệt/ Khâu viên an lạc tức thần tiên (Trời đất xoay vần thành năm tháng/ Yên vui nơi vườn nhà ấy là thần tiên - Đinh Mùi nguyên đán tức sự thí bút).
Mùa Xuân là mùa chuyển giao của đất trời, mùa khởi tạo của một sức sống mới. Bởi vậy, Đào Tấn đón đợi mùa Xuân với tất cả tâm thế, hứng thú đầy chủ động: Đãi đáo minh triêu khan vạn vựng/ Tình hòa thắng phủ vị xuân sơ (Thử đợi đến sáng mai xem muôn vật/ Có tươi sáng hơn lúc chưa vào xuân không - Trừ tịch). Cũng có thể chỉ là một khoảng thời gian ngắn trong thời điểm giao thừa, song nhà thơ lại lắng trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy để suy tư, chiêm nghiệm, hay hứng thú ngắm cảnh đến mức vô tình quên đi sự vận động của thời gian. Tâm hồn nhà thơ hòa vào cảnh vật, làm thời gian đồng nhất với không gian, cái khoảnh khắc hiện tại không được ý thức đến bỗng trở nên tĩnh lặng, hòa vào cái vĩnh viễn.
Bức tranh ngày Xuân tươi vui, tràn đầy sức sống được “con mắt thơ” của tác giả chụp lại, vừa chân thực lại vừa sinh động, có hồn: Du Xuân nhật, Nhâm Dần nguyên đán thí bút, Bính Ngọ đán thí bút (kiêm tứ nhi bối)… Vui mừng trước cảnh vật tươi mới lúc vào Xuân, Đào Tấn dường như vẫn còn hy vọng vào sự đổi thay theo chiều hướng tích cực của bản thân cũng như của giang sơn xã tắc. Và rõ ràng, đây là cái nhìn của một con người có tâm hồn tinh tế, yêu thiên nhiên, cuộc sống.
Từ những bài thơ Xuân của Đào Tấn, ta thấy ông là một con người nặng tình với quê hương, gia đình; một nhà nho hành đạo nhưng lại có tư tưởng ẩn dật, tính cách tài tử.
Bên cạnh những bài thơ viết về quan hệ xã hội, cảnh vật đất nước hay thơ thiền thì thơ Xuân của Đào Tấn là một trong những mảng sáng tác đặc sắc. Ở đó, chúng ta phần nào thấy được hiện thực xã hội, cảnh vật đất nước, những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, nhất là những biểu hiện phong phú của một nhà nho hành đạo, một ông quan nghệ sĩ- Đào Tấn.
3. Đọc thơ Xuân của Đào Tấn, ta còn thấy được bao nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, từ những nét đẹp văn hóa truyền thống như khai bút đầu Xuân, chúc nhau ngày Tết; cho đến dựng cây nêu ở sân nhà,… đều được tác giả đề cập tới: Trừ tịch quan thư ngẫu đắc, Tân Sửu trừ tịch, Đinh Mùi nguyên đán tức sự thí bút…
Điều đáng nói là tác giả không tồn tại với tư cách người ngoài cuộc để quan sát mà luôn hòa mình vào những không gian sinh hoạt văn hóa đó. Ở đó, từ Đào Tấn hiện lên một cốt cách phương Đông, phong vị dân tộc khá rõ nét.
NGUYỄN ĐÌNH THU