Gian nan giữ danh hiệu “huyện điểm về YHCT”
Từ năm 2009, Phù Cát là địa phương hiếm hoi được Vụ Y học cổ truyền (YHCT), Bộ Y tế, chọn làm huyện điểm tiên tiến về YHCT. Bên cạnh thành quả đạt được, công tác phát triển YHCT ở huyện này đang đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại.
Phát triển sâu, rộng
Một trong những minh chứng cho sự phát triển của YHCT tại Phù Cát là lượng bệnh nhân khám và điều trị bằng YHCT trên địa bàn không ngừng tăng. Năm 2013, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện Phù Cát là 11.000 lượt, trong đó bệnh nhân điều trị bằng YHCT là 603 lượt. Sang năm 2014, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú giảm còn 9.910 lượt, nhưng bệnh nhân điều trị bằng YHCT lại tăng lên 718 lượt. 6 tháng đầu năm 2016, tổng số lượt khám bệnh YHCT đạt 6.058, tăng tới 1.013 lượt so với cùng kỳ năm trước.
Sau đợt mưa lũ cuối năm 2016, rất nhiều vườn thuốc Nam phải được “đại tu”.
Đến nay, 18/18 trạm y tế (TYT) xã của huyện Phù Cát đều được công nhận đơn vị tiên tiến về YHCT, đều có bộ phận khám chữa bệnh YHCT với 1 y sĩ trong biên chế phụ trách. Tỉ lệ khám chữa bệnh YHCT hàng năm tại các TYT luôn đạt trên 30% so với tổng số bệnh nhân; tỉ lệ điều trị ngoại trú đạt trên 10% so với tổng số khám YHCT. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe bằng YHCT được chú trọng, hướng dẫn cho người dân những hiểu biết cơ bản về YHCT như xoa bóp day ấn huyệt và sử dụng cây thuốc có tại địa phương để điều trị các bệnh thông thường.
“Các TYT bố trí phòng khám và điều trị YHCT riêng biệt, có các trang thiết bị chuyên dụng cho tuyến xã như máy điện châm, đèn hồng ngoại, dụng cụ thực hiện thủ thuật YHCT. Thuốc Đông dược thành phẩm được triển khai và điều trị bệnh nhân BHYT ngay ở tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi cho khám chữa bệnh YHCT” - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phù Cát Võ Văn Chí cho hay.
“Nút thắt” nhân lực và trang thiết bị
Khoa YHCT của Trung tâm Y tế huyện Phù Cát được thành lập từ năm 1978. Hiện tại, khoa có 35 giường thực kê/18 giường kế hoạch nhưng lượng bệnh nhân thu dung bình quân luôn ở mức 40. Quá tải là thế nhưng nhân lực và trang thiết bị đều thiếu. Theo Trưởng khoa Ngô Thị Hoa, khoa hiện có 2 bác sĩ, 6 y sĩ YHCT, 2 kỹ thuật viên vật lý trị liệu; so với nhu cầu ở từng vị trí thiếu 1-2 người.
“Nhu cầu điều trị, nhất là phục hồi chức năng của người bệnh, rất cao nhưng chúng tôi vẫn còn thiếu máy kéo giãn cột sống, siêu âm điều trị, máy xung điện, thiết bị điều trị bằng parafin, dụng cụ tập luyện cho người liệt…” - bác sĩ Hoa cho biết.
Ngay ở tuyến xã, trang thiết bị cũng khá chật vật. Hoạt động khởi sắc, TYT xã Cát Chánh thu hút rất đông bệnh nhân đến điều trị bằng YHCT. Như bà Phạm Thị Tụy (53 tuổi, ở thôn Chánh Hội), hơn 1 năm qua ngày nào cũng đến trạm châm cứu để giảm đau do chứng thoái hóa cột sống lưng. Theo y sĩ Lê Thị Tuyết Nga- chuyên trách YHCT, phòng điều trị y dược cổ truyền của trạm chỉ có 3 giường, trong khi mỗi ngày có khoảng 12 người đến điều trị.
“Trước chỉ có chiếu đèn, gần còn thêm châm cứu; điều trị hiệu quả nên bệnh nhân càng đông. Để bà con chờ lâu thì khó coi, nên phải tận dụng giường ở các phòng khác. Mà như vậy thì khó kiểm soát, không thể bao quát hết khi có người cần giúp đỡ” - chị Nga chia sẻ.
Một trong những dấu ấn quan trọng trong công tác phát triển YHCT ở Phù Cát là mở rộng vườn thuốc nam tại các TYT, vận động nhân dân trồng các ô thuốc nam trong vườn nhà, thực hiện “Thầy tại nhà - thuốc tại chỗ” trong chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng YHCT. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện Phù Cát đã xây dựng 20 vườn thuốc Nam mẫu, gồm 18 vườn ở 18 TYT, 1 vườn ở Phòng khám đa khoa khu vực Cát Minh và 1 vườn tại Trung tâm Y tế huyện. Các vườn đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế, với diện tích 100 - 150m2/vườn, ban đầu đều có trên 60 loại cây thuốc, đảm bảo cảnh quan, sử dụng vào mục đích giáo dục sức khỏe cho người dân về YHCT và sử dụng khi cần thiết.
Tuy nhiên, kinh phí để xây dựng vườn thuốc Nam tại các TYT chỉ được cấp 1 lần từ Sở Y tế, nguồn bổ sung không có, nên một số vườn đã xuống cấp, nhất là ở các xã về mùa nắng nóng thiếu nước như: Cát Tường, Cát Tân, Cát Thành, Cát Hanh, Cát Hải, Cát Sơn, Cát Lâm…
Còn các ô thuốc Nam điểm tại các gia đình sau khi được cấp kinh phí 1 lần (100 ngàn đồng/ô) để mua giống, về sau cũng không có nguồn bổ sung duy trì. Do đó, khi kiểm tra Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã thì hầu như chỉ còn một nửa. “Tình trạng ngập nặng trong những ngày mưa lũ vừa qua càng khiến các ô thuốc Nam giảm mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng”- y sĩ Nga lo lắng.
NGUYỄN VĂN TRANG