Ngành Lưu trữ tỉnh Bình Định:
10 năm thu thập, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh
Cách đây 71 năm, ngày 3.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 01C/VP về công tác công văn, giấy tờ, trong đó chỉ rõ “tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”. Văn bản quan trọng này đã đặt nền móng cho công tác lưu trữ Việt Nam. Nhằm tôn vinh những cống hiến của ngành Lưu trữ, ngày 17.9.2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 3.1 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam, lấy tên là ngày Lưu trữ Việt Nam.
Đại biểu tham quan triển lãm tài liệu lưu trữ “Lịch sử tỉnh Bình Định - qua các thời kỳ”.
10 năm qua, Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ của tỉnh và trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh theo quy định của pháp luật. Hoạt động quản lý nhà nước về lưu trữ có nhiều tiến bộ, đặc biệt là công tác chỉ đạo và kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ. Qua đó, tài liệu lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức, địa phương từng bước được phân loại, chỉnh lý, xác định giá trị và được chú ý bảo vệ, bảo quản, được tổ chức khai thác, sử dụng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Số liệu thống kê 10 năm hoạt động của ngành lưu trữ Bình Định cho thấy, ngành đã thu thập được 685,4 mét giá tài liệu hành chính; 169,7 mét giá tài liệu xây dựng cơ bản; 40 ảnh, 12 cuộn phim, 4 đĩa CD. Về tài liệu quý, hiếm của cá nhân, gia đình, dòng họ trong và ngoài tỉnh, ngành thu thập 110 bản sắc phong, chiếu chỉ; 1.089 gia phả, tộc phả, hồi ký, tư liệu…
Ngành cũng đã chỉnh lý, nâng cấp 40,5 mét giá tài liệu Phông UBND tỉnh Nghĩa Bình; bảo quản an toàn gần 3.000 mét giá tài liệu của 136 phông lưu trữ, trong đó tài liệu có sớm nhất là từ năm 1903.
Về công tác tổ chức khai thác sử dụng tài liệu, Chi cục Văn thư - Lưu trữ Bình Định đã tổ chức được nhiều hình thức như: Phục vụ tại phòng đọc trên 10.700 lượt độc giả với số lượng tài liệu đưa ra là 16.711 hồ sơ; triển lãm 300 hồ sơ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao... thông qua các tài liệu mộc bản, sắc phong, Hán-Nôm, hành chính, hình ảnh, bản đồ trong các thời kỳ Pháp thuộc, kháng chiến chống Mỹ và xây dựng XHCN; trao trả 1.789 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ Bình Định đi B.
Kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam là dịp để ôn lại truyền thống, cổ vũ, động viên những người làm công tác lưu trữ ở các ngành, các cấp, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao của ngành Lưu trữ là: Thu thập, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PHAN MINH LÝ