Xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn: Bấp bênh bên bờ sông sạt lở
Gần 100 hộ dân sinh sống dọc bờ Nam sông Côn - đoạn chảy qua địa phận xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn - luôn sống trong tâm trạng lo âu vì bờ sông bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng.
Bờ Nam sông Côn - đoạn chảy qua các thôn An Thái, Mỹ Thạnh, Phụ Ngọc - dài gần 2km bị xâm thực, sạt lở khoảng 5 năm nay. Sau những đợt lũ liên tiếp vừa qua, tình trạng này diễn ra trầm trọng hơn. Nhiều diện tích đất dọc mép sông bị nước cuốn trôi, ăn sâu vào bên trong. Tại một số đoạn, nước sông chỉ còn cách nhà dân 1 - 2m. Nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ sông. “Đến nay, hơn 3.000 m2 đất vườn, 1.000 m2 đất màu cùng một số công trình nhỏ khác đã bị “hà bá” cuốn trôi, trong đó nặng nhất là thôn Phụ Ngọc”, ông Lâm Chí Hoàng - cán bộ văn phòng UBND xã Nhơn Phúc - cho biết.
Nạn xâm thực bờ Nam sông Côn đang lấn sâu vào nhà ông Phạm Văn Tý.
Tại thôn Phụ Ngọc, gần 1 km bờ sông qua khu vực này đang bị “gặm” dần. Nhiều diện tích đất vườn của người dân bị nước khoét sâu tạo thành những hàm ếch to, kéo thành những đoạn dài; có chỗ tạo thành những bờ vực dựng đứng hết sức nguy hiểm. Trên mặt đất, nhiều vị trí đã xuất hiện những vết rạn nứt chằng chịt - dấu hiệu báo trước đất có thể bị sụp xuống.
Nhà cửa của khoảng 50 hộ dân sống dọc bờ sông này đang đối diện với nguy cơ bị nhấn chìm. Như nhà của ông Phạm Văn Tý, 43 tuổi, ở thôn Phụ Ngọc, trước đây đất vườn phía sau nhà cách mép bờ sông hơn 15m; nay nước đã “ăn” tới mép nhà vệ sinh, chuồng heo. “Tôi đã trồng tre bao quanh nhà, ngăn không để nhà bị xâm thực, nhưng nước lũ ngày 16.12 vừa qua đổ về đã cuốn phăng toàn bộ dãy tre này. Nước thúc mạnh vào bờ, xâm thực thêm 5m nữa, làm sập chuồng heo và một phần đất vườn phía sau”- ông Tý nói như mếu.
Không chỉ nhà ông Tý, hiện phần đất nằm ở ven sông của 49 hộ dân còn lại trong thôn đều bị nước “ngoạm” sâu từ 5 - 10m trên suốt chiều dài gần 1km. Cứ mỗi mùa mưa bão về, người dân sống dọc bờ Nam sông Côn ngày đêm nghe nước thúc mạnh vào bờ đất lại lo đến thắt ruột. “Con cái đều làm ăn ở xa, nhà chỉ còn hai vợ chồng già gần 80 tuổi. Cứ mưa xuống là vợ chồng tôi lo không thể nào ăn ngủ được, không biết lúc nào nhà mình bị tuột xuống sông”, ông Nguyễn Văn Hồng, 75 tuổi, ở gần nhà ông Tý, lo lắng nói.
Kể về nỗi lo nước sông đang lấn sâu vào nhà, ông Trần Văn Trúc, ở đội 17, thôn Phụ Ngọc, than: “Mỗi khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn, bờ sông trước cửa nhà tôi lại bị xói lở, từng mảng đất cứ thế nhủi xuống sông. Nhiều đêm, đang ngủ say mà vẫn phải bật dậy vì tiếng đất lở đổ ụp xuống sông ầm ầm. Những lúc như vậy không chỉ một nhà mà cả xóm mất ngủ, thấp thỏm đến sáng!”.
Ông Võ Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết: “Lâu nay, cứ vào đầu mùa mưa lũ, chính quyền địa phương lại cùng nhân dân tích cực gia cố đê, đóng cọc tre và đắp đất, kè đá khá công phu, nhưng cứ sau một cơn lũ thì bao công sức của bà con đều bị dòng nước cuốn trôi. Những hàng tre được người dân trồng chắn sóng cũng bị nước tống ngã, bật cả gốc rễ. Trước mùa mưa bão, xã đều thành lập đội thanh niên xung kích, nhằm giúp người dân di dời ra khỏi những vùng sạt lở.
Theo lời ông Hoàng, nạn sạt lở bờ Nam sông Côn là vấn đề nan giải của chính quyền địa phương từ nhiều năm qua. Xã đã cố gắng gia cố tạm thời những đoạn bờ sông xung yếu có nguy cơ bị sạt lở bằng cách đóng cọc tre, nhưng do kinh phí địa phương có hạn nên cũng chỉ làm ở mức tạm bợ. Để khắc phục thì phải đến cấp tỉnh, Trung ương mới đủ tài lực chứ cấp xã thì không kham nổi.
Trong khi chờ đợi kinh phí từ cấp trên, 100 hộ gia đình ở ven bờ Nam sông Côn qua xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) tiếp tục phải sống trong nỗi lo bị “hà bá” “nuốt” nhà do sạt lở bờ sông.
NHƠN HỘI - PHÚC LỘC