Người lưu giữ những ký ức đẹp về Hà Nội
Đỗ Phấn là một người nổi bật cả với vai trò là họa sĩ và nhà văn. Ông có đến hơn 30 năm vẽ trước khi bắt tay vào viết, ở đủ các thể loại với mong muốn ghi lại vẻ đẹp của Hà Nội. Tiểu thuyết mới nhất "Rong chơi miền ký ức" của ông tiếp tục mạch đề tài duy nhất ấy.
Đến với văn chương muộn, nhưng đã có gần 20 đầu sách cho thấy sức viết đáng nể của Đỗ Phấn. "Rong chơi miền ký ức" do NXB Trẻ phát hành chỉ để nói về đời sống thị dân Hà Nội. Nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên nhận xét: Những người chuộng lối viết rạch ròi, ít văn, sôi nổi, nhiều hành động kiểu văn học hiện đại Mỹ, hẳn sẽ không thích đọc văn Đỗ Phấn. Miên man dàn dải, bảng lảng từ tốn, mông lung xa gần, nhiều ẩn ý… là cách viết của Đỗ Phấn, "người luyến tiếc quá khứ", ít nhất là quá khứ của một Hà Nội xưa, một Hà Nội rất yêu thương… Nhưng những cuốn sách của ông lại được lòng rất nhiều "người cũ" như tác giả và những người muốn tìm hiểu về Hà Nội chân thật.
Người viết về Hà Nội nhiều, Đỗ Phấn lại chỉ chọn một đề tài ấy, hơn nữa nhận mình là "tay ngang" trong văn chương, ấy vậy mà "Rong chơi miền ký ức" tiếp tục khiến độc giả ngạc nhiên với cuộc chơi con chữ của ông. Gần 300 trang viết, 17 chương truyện được viết xong vào tháng 7.2015, chữa lại vào tháng 11 vừa qua trước khi xuất bản, đọc vừa thấy quen vừa thấy lạ, mà phần lạ nhiều hơn. Tiểu thuyết nói về một người đàn ông, trên chuyến đi rong ruổi trở lại những nơi mình đã đi qua, gặp lại những người mình đã từng gặp và những ký ức quá khứ cứ trôi ra, khi thiết tha, khi ấm áp, lúc lại bàng bạc buồn…
Đây là một cuốn tiểu thuyết được viết theo kiểu rất lạ. Mở cuốn sách thấy ngay hai phần, phía trên là câu chuyện chính, phía dưới là chú thích - những chú thích rất dài, có lúc chiếm nửa trang sách, có khi còn nhiều hơn. Đọc thì thấy, đó không chỉ là chú thích, mà tiếp tục là những ký ức về quá khứ. Hai phần cứ thế bổ sung cho nhau, mà với văn phong của người làm hội họa, Hà Nội - thành phố nơi người đàn ông đó sống (hay chính tác giả) thời thơ ấu, thời thanh niên có những mối tình, những kỷ niệm sống chết, hiện lên ăm ắp yêu thương.
Có người nhận xét, đọc cuốn này cảm giác như Đỗ Phấn viết tự truyện. Nhưng tác giả nói rằng, mọi tình huống, câu chuyện đều do ông nghĩ và tưởng tượng ra, chúng chỉ là một cách để ông nói về Hà Nội thật thà trong ông. Cuộc đời làm họa sĩ, Đỗ Phấn đi nhiều nơi, khắp các ngóc ngách của Hà Nội. Ông muốn viết văn từ lâu nhưng điều kiện chưa cho phép. Đến gần đây, khi đã ổn định, ông mới cầm bút. Khác những người viết văn ghi chép bằng sổ hoặc trí nhớ, Đỗ Phấn dùng ký họa, trực họa lưu lại chuyện xưa cũ. Thế là khi viết, nhìn hình họa, quá khứ hiện ra, cả những câu chuyện dài vẫn nhớ được. Dễ hiểu vì sao đọc Đỗ Phấn, nhất là tác phẩm này lại ăm ắp, sinh động và chi tiết đến thế. Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng, văn Đỗ Phấn phải đọc nhẩn nha, để từng con chữ ngấm vào, rất xúc động. Tác giả chỉ viết những gì rất đỗi bình thường, không gây sốc, không có sự thô tục mà nhẹ nhàng, tinh tế, khiến người ta thấy được cái đẹp hiện ra. Có thứ còn, có điều đã mất. Từng con chữ cứ thiết tha kêu gọi mọi người hãy đừng để mọi thứ tuột đi. Tác giả dường như cho rằng đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của ông - lưu giữ những thứ tốt đẹp bằng hội họa và văn chương… Với cách nào ông cũng làm chủ, chu đáo, chuyên nghiệp và tận tụy. Sẽ còn nữa những áng văn, những bức tranh khi mỗi người đã đọc chậm, đọc kỹ cho ngấm tác phẩm này.
Theo An Nhi (HNM)