Cơ sở vật chất trường học thiệt hại nặng nề sau mưa lũ
Các đợt mưa lũ vừa qua đã làm nhiều trường học trong tỉnh bị thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở vật chất. Sau mưa lũ, các trường đã tổ chức dạy học lại nhưng đa số học sinh đang phải “học chay” vì thiếu trang thiết bị, dụng cụ học tập để thí nghiệm, thực hành.
Đến 30.12, dù nước lũ đã rút ở hầu hết các trường bị ngập nhưng nhiều bộ bàn ghế, máy vi tính bị hư hỏng, trang thiết bị, dụng cụ dạy học bị cuốn trôi.
Thiếu thốn đủ bề
Nằm trong vùng trũng của huyện Phù Cát, thầy trò Trường THCS Cát Chánh năm nào cũng chứng kiến cảnh nước lũ tràn vào trường, vậy mà năm nay, thầy hiệu trưởng Võ Văn Học vẫn không khỏi bàng hoàng trước sự tàn phá của mưa lũ. “Nước lũ làm đổ sập một nhà xe trị giá 30 - 50 triệu đồng, làm hư 10 máy vi tính cùng nhiều dụng cụ học tập. Đáng quan ngại nhất là máy lọc nước của nhà trường đã bị hư, học sinh không có nước sạch để uống”, thầy Học liệt kê.
Thầy và trò Trường THCS Cát Chánh đang khẩn trương học bù phần chương trình bị thiếu do những ngày nghỉ tránh mưa lũ.
Những trường học lâu nay yên ổn trong mùa mưa lũ, nay bị “tấn công” bất ngờ khiến thiệt hại nhân lên gấp nhiều lần. Cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Cát Trinh (huyện Phù Cát) Nguyễn Thị Bích Hải còn nhớ chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, nước đã dâng ngập trường hơn
1,5 m. “Đó là vào chiều 15.12, khoảng 3 giờ, nước ào ào đổ về, chúng tôi không kịp trở tay nên thư viện chìm ngập trong nước. Toàn bộ giáo viên và học sinh phải sơ tán lên tầng 2, ngồi chờ sõng phao vào chở ra ngoài. Mưa lớn nước ngập trường trong nhiều ngày đã làm sập 200 m tường rào, 17 trong tổng số 25 máy vi tính bị hư hỏng nặng, 50% số sách trong thư viện không thể sử dụng được. Những ngày qua, trường đã tiến hành hong khô máy vi tính, nhưng cũng chỉ lấy ra được một vài phần dữ liệu đã lưu trữ. Không có máy thực hành, giờ Tin, học sinh chỉ học lý thuyết”, cô Hải kể.
Cần sớm được quan tâm khắc phục
Theo chân Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với cơ sở vật chất của ngành GD&ĐT, chúng tôi đã chứng kiến cảnh học sinh ngồi học trong những căn phòng thiếu ánh sáng do hệ thống điện bị hư hỏng. Các máy lọc nước bị hư, học sinh không có nước sạch để uống. Bàn ghế xiêu vẹo, cửa phòng trống trơn để mặc những cơn gió lạnh lùa vào bên trong. Những phòng học ẩm mốc, trên vách còn hằn lên một lằn dài từ đầu đến cuối lớp - ghi dấu nước lũ đã từng dâng ngập đến nửa căn phòng.
Dù vậy, trái ngược với sự thiếu thốn phương tiện học tập sau lũ, trong từng phòng học, thầy trò các trường vùng lũ đang ra sức dạy bù, học bù để theo kịp chương trình sau một thời gian dài nghỉ học. Cô Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Tuy Phước Dương Thị Bích Liên cho biết, thầy trò nhà trường dạy học cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
“Suốt cả tuần, buổi sáng học chính khóa, buổi chiều dạy bù, nhưng xem ra vẫn không kịp chương trình. Từ khi tổ chức dạy học trở lại, thầy trò chủ yếu dạy chay, học chay. Mong rằng, thời gian tới, cấp trên quan tâm tạo điều kiện cho thầy trò các trường vùng lũ có điều kiện dạy học tốt hơn”, cô Liên gửi gắm.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT, thiệt hại về cơ sở vật chất trong toàn ngành (chưa tính các công trình kiến trúc) ước khoảng 33 tỉ đồng, trong đó đáng kể nhất là 644 bộ máy vi tính bị hỏng nặng, 907 bộ thiết bị dạy học và 8.464 bộ bàn ghế bị hư.
Trước những khó khăn đó, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổng kiểm tra, rà soát thiệt hại về cơ sở vật chất. Nếu phát hiện tường rào, vách tường có nguy cơ đổ sập thì lập hàng rào cách ly, lập biển báo nghiêm cấm học sinh lại gần. Các phòng GD&ĐT thực hiện tốt vai trò tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp khắc phục thiệt hại do mưa lũ; đặc biệt phải thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn, Sở đang lập kế hoạch đề xuất với UBND tỉnh sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng phòng học, phòng chức năng, xây hàng rào, sửa chữa sân bãi, mua sắm các thiết bị dạy học, máy vi tính, máy in, máy photo.... nhằm sớm ổn định việc dạy và học cho các trường thiệt hại.
“Sở đang phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính khảo sát các trường, lớp học bị thiệt hại nặng để có kế hoạch phân bố kinh phí đầu tư sửa chữa, xây dựng”, ông Tuấn cho biết.
NGỌC TÚ