Nỗi đau của trẻ bị xâm hại
Những ngày qua, trên các trang mạng liên tục đăng tải chuyện một diễn viên bị bắt giam tại Mỹ vì tội ấu dâm và được đưa vào hồ sơ tội phạm tình dục suốt đời ở Mỹ, nhưng ra tù trở về Việt Nam lại là công dân bình thường, và liên tục được cập nhật hình ảnh. Phẫn nộ, đó là dư luận chung, kể cả những người trong giới nghệ sĩ, về diễn viên này.
Tôi cũng có một người bạn từng phải đau nỗi đau bị lạm dụng tình dục. Bạn kể: “16 tuổi, tôi bị chính cậu họ của mình lạm dụng. Tôi không thể kể cho ai nghe vì nghĩ chẳng ai tin mình. Đêm đến, tôi ngủ chập chờn, giật mình, hốt hoảng, lo lắng… Lên lớp học, tôi ngủ gật, học không nổi. Ở nhà, tôi gắt gỏng, khó chịu với tất cả mọi người. Chịu không nổi những lời chì chiết của ba mẹ vì nghĩ con hư hỏng, tôi bỏ đi. Tôi làm bốc vác, chạy bàn, phát tờ rơi… để kiếm sống. Vậy mà, một lần nữa tôi bị bà chủ lừa vào tròng, bắt “phục vụ” bà ấy… Nỗi ám ảnh khiến tôi mỗi ngày đều uống rượu để quên, rồi thành nghiện, và trở thành đứa bỏ đi trong mắt gia đình mình”.
Có nói, có kể, bạn cũng không thể tưởng tượng một đứa trẻ phải chịu đựng những gì khi bị xâm hại. Khi tới nhà một bé gái 5 tuổi bị lạm dụng tình dục, nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ ở TP Quy Nhơn, thấy em đang nấp dưới bàn ăn, tôi đã khóc và kéo mẹ em ra khỏi căn nhà đó để nói chuyện. Mẹ em muốn kẻ gây tội - một người hàng xóm đã ngoài 50 tuổi - phải đền tội. Điều đó hẳn rồi, nhưng nhìn cảnh người lớn, các cơ quan tới thăm hỏi, điều tra, lấy lời khai của bị hại… mà xót xa. Ai hỏi gì em chỉ khóc, lại gần thì em la hét, cào cấu… Rồi em cũng phải vượt qua, nhưng nó ám ảnh em cả cuộc đời này. Mẹ em bảo: “Chắc cả nhà bỏ xứ mà đi vào Nam sinh sống, chứ làm sao mà con nhỏ sống nổi ở xóm này. Cũng vì nghèo mà tui đi làm thuê cả ngày, nó ở nhà với bà, ngờ đâu kẻ khốn nạn nó vẫn gọi là ông ấy lại làm vậy”.
Mỗi lần nghe chuyện một đứa trẻ bị tấn công, lạm dụng tình dục, dù là trai hay gái, tôi đều xót xa và uất hận. Tôi và những người làm cha mẹ đều mong đừng có đứa trẻ nào rơi vào bi kịch đau đớn như vậy. Nhưng, khi pháp luật và công cụ của pháp luật chưa thật sự bảo vệ được hết những đứa trẻ thì việc truyền thông cứ nhắc đi nhắc lại các thông tin liên quan đến đối tượng, vụ việc một cách vô cảm, với mục đích câu khách, vô hình trung trở thành cổ súy cho tội ác, hành động vô đạo đức này, thì quả là quá ác độc.
QUỲNH DAO