Ngư dân gượng dậy sau lũ
Lũ đi qua, để lại cho ngư dân 2 huyện Hoài Nhơn và Phù Cát nhiều tàu cá bị chìm, hư hỏng. Với sự nỗ lực của chính mình và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, bà con ngư dân đang gượng dậy từ bộn bề gian khó.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đề Gi và chủ tàu BĐ 93494-TS đang dốc lực giải cứu tàu bị lũ cuốn trôi dạt vào bờ biển.
Tiếp sức cho ngư dân
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, 5 đợt lũ liên tiếp đã làm gần 30 tàu cá của ngư dân 2 huyện Hoài Nhơn và Phù Cát bị chìm, hư hỏng. Cụ thể, huyện Phù Cát có 17 tàu cá bị hỏng thì có 8 tàu bị vỡ hoàn toàn, tổng thiệt hại ước trên 10 tỉ đồng; huyện Hoài Nhơn có 5 tàu bị chìm, hư hỏng hoàn toàn và 7 tàu bị hư hỏng một phần.
Trước tình hình đó, ngày 24.12, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã về thăm hỏi, động viên, trao tiền hỗ trợ tạm thời của tỉnh cho gia đình 5 ngư dân có tàu bị chìm (5 triệu đồng/hộ) tại huyện Hoài Nhơn; trao 85 triệu đồng hỗ trợ 17 chủ tàu cá có tàu bị sóng đánh chìm, hư hỏng nặng tại khu vực cửa biển Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp, Đồn Biên phòng Đề Gi khẩn trương hỗ trợ ngư dân sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và khẳng định, tỉnh sẽ có chính sách cụ thể để hỗ trợ ngư dân sửa chữa, đóng mới tàu cá bị hư hỏng trong thời gian sớm nhất.
Nhằm giúp ngư dân khắc phục thiệt hại, hơn một tuần nay, 30 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đề Gi đã cùng với ngư dân các xã Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải (huyện Phù Cát) nỗ lực kéo thành công 8 tàu cá mắc cạn lên bờ; trục vớt tài sản và kêu gọi nhân dân kiểm tra, gia cố tàu thuyền đang neo đậu tại bến. Ngoài ra, các chủ tàu còn thuê 7 chiếc máy đào để đào đắp ngăn sóng, nhồi cát vào bao, dùng cọc đóng quanh tàu không để sóng đánh gây vỡ thân tàu. “Hiện nay, Đồn đang tiếp tục huy động 15 chiến sĩ trực chiến trên bãi biển để giúp ngư dân khắc phục hậu quả, nhanh chóng lai dắt các tàu còn bị mắc kẹt về Cảng cá Đề Gi để sửa chữa” - Thượng tá Nguyễn Đăng Kỵ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đề Gi, cho biết thêm.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho hay, sau khi lũ đi qua, huyện đã đi thăm, hỗ trợ 2 triệu đồng/tàu bị chìm, hư hỏng hoàn toàn; 1 triệu đồng/tàu bị hư hỏng một phần. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiếp tục theo dõi, rà soát lại toàn bộ các trường hợp tàu cá bị thiệt hại nặng để lập danh sách, báo cáo tình hình thiệt hại, gửi Sở NN&PTNT tổng hợp, kiến nghị UBND tỉnh để có hướng hỗ trợ kịp thời. Còn tại huyện Phù Cát, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huỳnh Huyện, địa phương này đã lập danh sách, báo cáo tình hình thiệt hại của ngư dân cho Sở NN&PTNT để tỉnh sớm có phương án hỗ trợ cho ngư dân.
Mong sớm trở lại ngư trường
Tuy đã được tiếp sức bước đầu nhưng do thiệt hại quá nặng nên nhiều ngư dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn để ổn định cuộc sống, trở lại ngư trường. Đã sau 2 tuần kể từ ngày tàu cá BĐ 93103-TS, công suất 400 CV, hành nghề câu cá ngừ đại dương, của ngư dân Nguyễn Văn Thanh (trú thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) bị mắc cạn ở khu vực bờ biển giáp ranh giữa 2 xã Cát Thành và Cát Khánh, đến nay gia đình ông Thanh vẫn đang loay hoay tìm cách “giải cứu” con tàu mắc cạn để đưa về Cảng cá Đề Gi sửa chữa. Ông Thanh ngậm ngùi: “Con tàu trị giá hơn 2 tỉ đồng của gia đình tôi bị hỏng nặng. Hơn chục ngày nay, tôi phải thuê máy xúc cát, phao hơi để cứu hộ tàu cá đưa về Cảng cá Đề Gi để sửa chữa lại nhưng chưa thành công. Chỉ riêng tiền cứu hộ tôi mất hơn 200 triệu đồng, chưa kể công sửa chữa lại con tàu phải tốn hơn 1 tỉ đồng nữa. Tôi chưa biết tìm đâu ra!”.
Chung tình cảnh, ông Võ Văn Lý, chủ tàu cá BĐ 50110-TS, ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, than thở: “Cách đây 3 năm, cả gia đình tích cóp đóng được chiếc tàu cá làm kế sinh nhai nhưng nay tàu đã bị lũ đánh chìm dưới cầu Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc. Giờ không còn phương tiện làm ăn, cuộc sống gia đình rất khó khăn”.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, để sớm giúp ngư dân ổn định cuộc sống, Sở NN&PTNT đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh hỗ trợ các chủ tàu cá bị thiệt hại theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND về việc quy định mức hỗ trợ dân sinh, hỗ trợ sản xuất, tàu thuyền bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt. Theo đó, tàu từ 50 - 90CV, mức hỗ trợ 30 triệu đồng; tàu từ 90 - 250CV mức hỗ trợ 60 triệu đồng, tàu từ 250- 450CV mức hỗ trợ 100 triệu đồng; tàu từ 450 CV trở lên mức hỗ trợ 150 triệu đồng. Bước đầu, có 29 tàu cá nằm trong danh sách chờ phê duyệt để được hỗ trợ. Thời gian tới, các chủ tàu nằm trong danh sách được phê duyệt sẽ nhận được sự hỗ trợ của tỉnh để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, trở lại ngư trường.
TRỌNG LỢI - NGUYỄN HÂN