Vở diễn mới “Hòn Vọng Phu” của Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh:
Đề tài cũ, thành công mới
Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh vừa công diễn báo cáo hoàn thành dựng vở mới - “Hòn Vọng Phu” (kịch bản: Lưu Quang Vũ, chuyển thể: Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn: NSND Hoài Huệ). Công chúng đã quá quen thuộc với sự tích dân gian về người phụ nữ ôm con chờ chồng mà hóa đá, cũng như từng biết đến nhiều vở cải lương về đề tài này, Ðoàn Ca kịch bài chòi tuy làm vở muộn nhưng vẫn rất thành công.
Thông điệp kịch bản và vở diễn “Hòn Vọng Phu”, dù tình yêu và hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của con người, nhưng khát vọng ấy phải đi trong đạo lý. Tác phẩm nhắc nhở con người phải biết tỉnh táo trước dục vọng cá nhân, biết hy sinh tình riêng vì lợi ích chung của cộng đồng, vì đạo lý tốt đẹp.
Diễn xuất xuất sắc của Phương Phú và Thùy Dung góp phần quan trọng làm nên thành công cho vở diễn.
Bật lên từ kịch bản hay
Theo NSND Hoài Huệ, xác định “tạng” kịch tâm lý xã hội, nói chuyện thế thái nhân tình kiểu như “Hòn Vọng Phu”, người dân rất “ghiền”. Vì vậy, ông đã chủ động “chế biến” để dàn dựng vở diễn gọn nhẹ, tiết kiệm mà vẫn chinh phục được người xem. Theo đó, ở “Hòn Vọng Phu” không có những đại cảnh hay những màn múa đầy ẩn ý nghệ thuật như với một vở diễn để tham gia hội diễn hay cuộc thi của ngành sân khấu, mà chủ yếu khai thác hiệu quả diễn xuất và thể hiện nội tâm nhân vật.
“Bình Ðịnh là một trong những địa phương có Hòn Vọng Phu (ở đỉnh núi Bà, huyện Phù Cát). Tôi cho đây là đề tài hay, dễ đi vào lòng người xem, phù hợp để khai thác trên sân khấu bài chòi Bình Ðịnh. Gìn giữ kịch bản này từ thời giấy pô-luya đến giờ, sau 30 năm, đề xuất dựng vở không những được chấp nhận mà Hội đồng Thẩm định còn khen kịch bản hay, nội dung nhân văn. Khi triển khai làm vở thì cả 3 kíp diễn viên đều vào vai rất đạt. Lần đầu ra mắt công chúng thì sân khấu chật kín khán giả, nhận được nhiều lời khen. Với người làm nghệ thuật, cảm giác tác phẩm mình sáng tạo nên được công chúng chia sẻ, yêu thích thật sự rất hạnh phúc” - NSND HOÀI HUỆ chia sẻ
“Hòn Vọng Phu” trong đêm công diễn báo cáo hoàn thành dựng vở (tối 27.12 tại sân khấu Nhà hát Tuồng Đào Tấn) đã lấy không ít nước mắt khán giả, nhất là khán giả nữ. Nhiều người không thể ngăn sụt sùi khi cùng Vinh (nhân vật người chồng - người anh, do Phương Phú thể hiện) trải qua thời khắc kinh hoàng khi phát hiện ra sự thật oan nghiệt- lấy nhầm em gái làm vợ. Họ cũng thổn thức cùng Hạnh (người vợ - người em, do Thùy Dung vào vai) trong nỗ lực níu kéo chồng quay về với mái ấm gia đình, lòng tuyệt vọng bởi không biết vì điều gì mà phút chốc gia đình bị đảo lộn, biệt ly để rồi kết cục là hóa đá vì đợi chờ. Lớp kịch Vinh quyết định rời Xóm Đá trong đêm, “đi biệt xứ để chịu tội với đất trời”, mấy lần Vinh dợm bước thì chân quỵ xuống vì vẳng từ trong buồng đưa lại tiếng vợ ru con, thật sự làm người xem nhói lòng…
Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, một khán giả ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, chia sẻ cảm xúc: “Tuy hầu như ai cũng biết nội dung của câu chuyện về Hòn Vọng Phu, nhưng khi xem vở này vẫn bị lôi cuốn từ đầu đến cuối. Nếu tích Hòn Vọng Phu trong dân gian chủ yếu nói về nỗi đau của người phụ nữ, nhân vật người chồng - người anh được nói đến một cách gián tiếp, gây tác động không mạnh, thì ở vở này, đây lại là nhân vật được khai thác đậm nét nỗi đau, sự giằng xé, tạo sức lay động và đồng cảm ở người xem”.
Sẽ là vở diễn ăn khách!
Làm nên sức hấp dẫn của vở bài chòi “Hòn Vọng Phu” phải nói đến hiệu quả diễn xuất, nhất là 2 vai chính. Bên cạnh tài năng trẻ Thùy Dung sớm chững chạc trên sân khấu, bạn diễn và cũng là bạn đời của cô - kép Phương Phú - đã có bước tiến vượt bậc ở vai diễn “nặng ký” này.
Âm nhạc trong “Hòn Vọng Phu”, ngoài các làn điệu bài chòi quen thuộc như Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hò Quảng thì có 4 ca khúc mới được sáng tác (Kể chuyện Vọng Phu, Suối tóc, Biển chiều, Hóa đá) hay về ca từ, mượt về giai điệu; góp phần quan trọng mang lại thành công cho vở diễn.
Phần thiết kế mỹ thuật, cảnh trí cũng phục vụ đắc lực cho chủ đề vở diễn. Xuyên suốt vở diễn, trên sân khấu là những tảng đá, khối đá mang hình người, nét mặt trầm tư. Đá ấy vừa là Xóm Đá - nơi chứng kiến cuộc hội ngộ còn đau đớn gấp vạn lần so với chia xa của Vinh và Hạnh - cũng là biểu hiện của những nỗi đau câm lặng, vô tận, dồn tụ, chất chồng theo năm tháng của những kiếp người: “Nỗi đau hóa đá trên đời, đá kia sẽ nói triệu lời đau thương”…
Có lợi thế về dàn diễn viên trẻ, đông, nhất là vai nữ; nhờ vậy, khi dàn dựng “Hòn Vọng Phu”, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đã xây dựng 3 kíp diễn viên (nhân vật Vinh do Phương Phú và Hoài Tâm đóng; Hạnh do Thùy Dung, Lệ Tuyền, Mộng Điệp thủ vai). Đây là “món tủ” của Đoàn cho đợt biểu diễn cao điểm sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu này. “Xây dựng đến 3 kíp diễn viên, chuẩn bị tốt về lực lượng để mang vở diễn đến với dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Đoàn đã tập suốt 2 tháng, nỗ lực tối đa để Tết này có vở mới, vở hay phục vụ người dân. Hòn Vọng Phu chắc chắn sẽ là vở diễn ăn khách!” - NSND Hoài Huệ khẳng định.
SAO LY