Hành xử theo thói côn đồ và những hệ lụy
Chỉ một xích mích nhỏ, lý do không đâu, nhưng với cách hành xử ngông cuồng, coi thường pháp luật, đã không ít người, nhất là thanh thiếu niên sẵn sàng gây thương tích, thậm chí đoạt mạng người khác.
Hai bị cáo Sang, Thịnh bị Hội đồng xét xử tuyên mức án khá nặng cho hành vi tước đoạt mạng sống của người khác: Sang bị phạt 14 năm tù giam và Thịnh 12 năm tù giam.
Nói như vị đại diện Viện Kiểm sát, giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 bị cáo Hà Quang Sang và Bùi Minh Thịnh (cùng SN 1996, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) do TAND tỉnh mở mới đây: “Đa phần các đối tượng gây án tuổi đời còn trẻ nhưng rất côn đồ. Bất chấp hậu quả để lại cho nạn nhân là như thế nào, chỉ cần giải quyết được mâu thuẫn của mình là các đối tượng sẵn sàng ra tay”.
Cụ thể, trong vụ án này, xuất phát từ việc không hài lòng với thái độ búng tay rồi xin lửa hút thuốc lá của một thanh niên cùng xã mà Sang đã phản ứng ngay bằng một câu chửi và dùng chân đạp mạnh vào người xin lửa. Thấy bạn bị đánh, Lê Văn Tình vào can ngăn thì bị Sang và Thịnh đánh luôn. Và rồi sau đó ít giờ, có một người đứng ra hẹn Sang, Thịnh và Tình đến quán cà phê để nói chuyện giảng hòa, hai bên đều đồng ý đến nhưng đều âm thầm chuẩn bị hung khí. Để rồi khi giáp mặt nhau, chưa kịp nói chuyện gì thì hai bên ẩu đả, khiến Tình chết.
Vị chủ tọa phiên tòa phân tích: “Người ta xin lửa và mình có quyền không cho, đâu nhất thiết phải chửi người ta, rồi đánh. Nếu các bị cáo hành xử tế nhị hơn thì hôm nay cả hai đã không phải đứng trước vành móng ngựa và chắc hẳn cũng sẽ không có án mạng xảy ra. Đây là bài học cho chính bản thân các bị cáo. Chỉ là xích mích nhỏ nhưng các bị cáo lại xách hung khí đi chém nhau thì khó mà chấp nhận được. Hậu quả các bị cáo gây ra rất lớn...”.
Một ánh nhìn, một câu nói khó nghe hay sự chọc ghẹo không đáng... nhưng đã khiến nhiều thanh niên nóng nảy, lao vào nhau ăn thua đủ. Để rồi khi vụ việc qua đi thì gia đình và xã hội phải gánh chịu, để lại hậu quả nghiêm trọng với những cái chết oan uổng, những bản án nặng nề...
Còn Nguyễn Đông Ngoại (SN 1980, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn), sau khi bị tòa tuyên án 9 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, đã rất ân hận: “Giá như lúc đó tôi bỏ đi luôn thì sự việc đã không đến nỗi và hôm nay tôi cũng không phải chịu án, làm liên lụy gia đình, vợ con”. Chẳng là, trong lúc Ngoại đang chèo xuồng để bắt cá thì gặp nhóm bạn của anh Trần Hữu Trung (SN 1992, ở xã Tam Quan Bắc) đang ngồi nhậu gần đó. Tức giận vì một người bạn của anh Trung phê phán mình dùng xung điện bắt cá, Ngoại dùng rựa chém vào tay anh Trung gây tổn thương 13%.
Không chỉ những vụ án trên mà ở nhiều vụ khác, nguyên nhân xảy ra cũng đều bắt nguồn từ những xích mích nhỏ nhặt trong đời sống. Chỉ cần tranh cãi trên bàn nhậu hoặc một ánh mắt thiếu thiện cảm, một câu nói không hài lòng, có thể dẫn đến đánh nhau. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến ANTT mà còn để lại hậu quả nặng nề đối với xã hội. Một điều tra viên Công an tỉnh nhận định, gần đây, thanh thiếu niên thường sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn một cách manh động và bộc phát. Với loại tội phạm này, biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu chính là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức cho mọi đối tượng. Nhưng để xóa bỏ “tận gốc” vấn đề thì mỗi người rất cần “tu tâm, dưỡng tính”. Xã hội sẽ lành mạnh hơn nếu chúng ta ứng xử với nhau nhân văn hơn.
N.LINH