Nỗi niềm giáo viên vùng lũ
Mưa lớn, nước dâng cao, các thầy cô tất tả bê vác tài liệu, máy móc lên tầng trên. Nước lũ vừa rút, họ lại tay cầm chổi, tay cầm xẻng xúc bùn đất, rửa bàn ghế để đón học sinh trở lại trường. Năm nay - lũ chồng lũ, nhà ngập, trường ngập - nhiều thầy cô gần như kiệt sức vì chống lũ, dạy bù.
Giáo viên Trường THPT số 3 Tuy Phước phân công nhau đưa học sinh qua những đập tràn đầy nước để về nhà.
- Trong ảnh: Thầy giáo Nguyễn Kim Đông (áo trắng), giáo viên dạy Toán, đưa học sinh qua đập tràn.
Vừa lo nhà, vừa lo cho trường lớp
Về Trường THCS Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ) một ngày đầu tuần, vẻ phờ phạc còn hiện rõ trên gương mặt từng giáo viên nơi đây. Cơn lũ thứ 5 cũng là cơn lũ lớn nhất vừa qua đã làm nước dâng ngập trường hơn 1 m. 32 cán bộ, giáo viên chia nhau thức trắng đêm canh nước lũ. Sau lũ, mỗi chiều - từ 2 giờ đến 5 giờ - tất cả cán bộ, giáo viên lại có mặt đông đủ để quét bùn, lau dọn phòng học, bàn ghế. Lau vừa xong, lũ mới lại chồng lên, mang theo bùn đất, vậy là phải lau dọn mọi thứ lại từ đầu.
“Nhiều giáo viên nhà ở vùng trũng của xã, nước ngập tới cửa sổ như thầy Thạch, vẫn đến trường không thiếu buổi nào để cùng đồng nghiệp chống lũ và dọn rửa trường lớp. Ai cũng cố sức lau dọn thật sạch sẽ để học sinh không bị trơn trợt, té ngã” - thầy Nguyễn Văn Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Cát, chia sẻ.
Mưa lớn, nước lũ giăng mắc khắp nơi, với đa số cán bộ quản lý, nỗi lo cho sự an toàn của học sinh là lớn nhất. Cả tháng nay, cô hiệu trưởng Trường THPT số 3 Tuy Phước Dương Thị Bích Liên không ngày nào vắng mặt ở trường. Không qua được các đập tràn nước lũ chảy xiết, cô Liên gởi xe máy lại nhà dân, đi sõng hoặc nhờ xe tải chở sang.
“Nhà cửa bề bề việc nhưng bụng nóng như thiêu đốt nên phải lên trường ngồi mới thấy yên tâm. Lên để xem trường lớp thế nào, rồi liên hệ với giáo viên, hỏi tình hình học sinh nhà em nào bị ngập, em nào qua đập tràn không được…” - cô Liên chia sẻ.
Vì học sinh thân yêu
Đang chuyện trò, cô Liên bỗng đứng bật dạy, hớt hải chạy ngay ra sân. Trên sân trường, một cô giáo ngã chổng chơ cạnh chiếc xe máy. “Trời ơi, cô giáo này mới sinh dậy, lội nước lũ hoài. Hôm nay, thấy nước rút dần nên chạy xe máy vào. Đã bảo khó khăn thì ở nhà, nhờ đồng nghiệp dạy bù, vậy mà cô vẫn đến trường hàng ngày” - cô Liên kể.
Trong số các giáo viên vùng lũ, các cô mẫu giáo có lẽ là những người lo lắng nhất. Gần như đã thành thói quen, cứ đứng lớp mà thấy trời đổ mưa, các cô vội đưa mắt nhìn ra ngoài sân, nước xâm xấp là lập tức gọi phụ huynh đến đón trẻ về.
Hết mưa, nhiều cô lại thức trắng đêm làm lại những bộ đồ dùng dạy học đã bị nước lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng để kịp những giờ lên lớp. “Trẻ mầm non học phải có dụng cụ học tập trực quan. Thương các em đội mưa đến lớp, nhiều cô giáo gác việc nhà để dành thời gian làm đồ dùng học tập” - một cô giáo ở Trường Mẫu giáo Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) chia sẻ.
Với các trường phổ thông, lũ rút là lúc các thầy cô tốc lực dạy bù cho học sinh. Ngoài giờ học chính khóa, các thầy cô còn dạy bù vào thứ Bảy, Chủ nhật, dạy cả buổi tối. Nhiều thầy cô thức trắng đêm soạn đề cương, bài tập để phát cho học sinh ôn tập ở nhà.
“Trường học ngập cả tháng trời, học sinh thèm học quá mà không sao đến trường được. Nửa đêm giật mình thức giấc, nghe tiếng mưa ngoài trời, lại lo không biết liệu nước lũ có dâng ngập trường lại không. Rồi lại lo làm sao để học sinh 12 theo kịp chương trình…” - cô Liên tâm sự.
NGỌC TÚ