Để vơi nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm sau lũ, trước Tết
Tình trạng ngập lụt kéo dài trong thời gian qua làm bùng phát nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm gia tăng trong thời gian giáp Tết cũng đặt ra cho ngành Y tế nhiều yêu cầu quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Giữ vệ sinh trong ăn uống sau mưa lũ là vấn đề quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
- Trong ảnh: Bác sĩ Nguyễn Văn Tiếp (khoa Hồi sức cấp cứu Nội, BVĐK tỉnh) tư vấn sức khỏe cho người dân vùng lũ Cát Chánh (huyện Phù Cát).
Chú trọng vệ sinh môi trường sau lũ
Cát Chánh là xã ngập nặng nhất của huyện Phù Cát trong các đợt mưa lũ cuối năm 2016. Theo số liệu của Trạm Y tế xã Cát Chánh, toàn xã có 1.216 hố xí bị ngập, hệ thống cung cấp nước sạch bị gián đoạn từ ngày 16 - 19.12. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tư, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Y tế Cát Chánh, ngay sau khi nước rút, Trung tâm Y tế huyện Phù Cát và Trạm Y tế xã đã phun hóa chất khử trùng khu vực chợ Chánh Hội, trường tiểu học và THCS, khu làm việc của UBND xã và Trạm Y tế xã.
“Mục tiêu quan trọng đặt ra là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã để kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm VSATTP”
“500 viên khử khuẩn Aquatabs, 5.500 viên và 28kg Cloramin B đã được sử dụng. Hóa chất phát cho các thôn đều kèm theo hướng dẫn sử dụng để đưa đến các gia đình” - điều dưỡng Lê Thị Kim Thủy, phụ trách Dược của Trạm Y tế xã Cát Chánh, cho hay.
Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng, nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh trong ăn uống của người dân vùng lũ là rất cao. “Trong quá trình xử lý hậu quả của mưa lũ, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải tập trung phun hóa chất ở các khu vực nguy cơ cao, nhất là các chợ còn ứ đọng nhiều rác” - ông Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông cũng được chú trọng. Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Phù Cát Trần Văn Hòa thông tin: “Băng tuyên truyền được cung cấp cho Đài Truyền thanh huyện và các xã để hướng dẫn cặn kẽ cách xử lý môi trường, thực hiện ăn chín, uống chín để giữ sức khỏe, giảm nguy cơ xuất hiện các bệnh đường tiêu hóa. Hoạt động này càng được quan tâm hơn ở các xã phía Tây như Cát Lâm, Cát Sơn… khi nhiều khu dân cư chưa có nước máy”.
Ngoài ra, trong các đợt khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ, bên cạnh cấp phát thuốc, các bác sĩ cũng rất quan tâm đến việc tư vấn, hướng dẫn cho người dân cách phòng ngừa, xử lý các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Tập trung kiểm tra các mặt hàng dùng nhiều trong dịp Tết
Mưa lũ vừa tạm ngớt cũng là lúc công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội Xuân năm 2017 đã cận kề. Cả UBND tỉnh và Sở Y tế đều đã ban hành các kế hoạch triển khai công tác bảo đảm VSATTP trong dịp này. Mục tiêu quan trọng đặt ra là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã để kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm VSATTP.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung, trọng tâm hoạt động trong thời gian này là thanh, kiểm tra việc quản lý và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP theo phân cấp của cơ quan chức năng; việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý chất lượng VSATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở các địa bàn trọng điểm; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại.
Đặc biệt, chú trọng kiểm tra các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và các lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm…
Để đảm bảo công tác giám sát, ở cấp tỉnh sẽ tổ chức 3 đoàn thanh tra liên ngành, trưởng mỗi đoàn thanh tra là 1 cán bộ đủ tiêu chuẩn thuộc các sở: Y tế, NN&PTNT, Công Thương; các cán bộ khác thuộc các sở: NN&PTNT, Công Thương, KH&CN, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan. Ở cấp huyện, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP để tiến hành kiểm tra các cơ sở thực phẩm theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ. Hoạt động kiểm tra sẽ được tiến hành ngay từ ngày 1.1 đến hết ngày 20.3.2017.
Trong công tác truyền thông, quan trọng nhất là tuyên truyền về phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết. Cụ thể, không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị…
NGUYỄN VĂN TRANG