Nhân rộng các mô hình “Gia đình-Dòng họ-Cộng đồng-Ðơn vị học tập”: Cần chủ động, linh hoạt
Sau hơn 10 năm xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học và Ðơn vị khuyến học, theo chỉ đạo của Bộ GD&ÐT và Hội Khuyến học Việt Nam, cuối năm 2015, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức chỉ đạo điểm, và từ năm 2016 triển khai nhân rộng mô hình mới Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Ðơn vị học tập với các tiêu chí mới. Nhìn lại 1 năm triển khai thực hiện việc này, dù đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, công tác nhân rộng vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Hội đồng hương Hoài Ân tại TP Hồ Chí Minh trao 12 suất học bổng cho các sinh viên Hoài Ân có thành tích học tập xuất sắc.
Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện đổi mới tư duy về giáo dục theo tư tưởng “học tập thường xuyên, học tập suốt đời”. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá IX), Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều văn bản của Chính phủ, UBND tỉnh.
Khó đủ bề
Tuy nhiên, trong thực tế, một số cấp lãnh đạo, cơ quan tham mưu và các cơ quan liên quan khác vẫn chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết tâm và chưa thực sự đề cao trách nhiệm của mình đối với vấn đề xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Điều này đã làm cho nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ trên xuống bị lãng quên hoặc triển khai không đến nơi đến chốn. Những khó khăn, vướng mắc cũng vì đó, không được quan tâm giải quyết kịp thời, khiến công tác triển khai thực hiện tại địa phương chưa nhanh chóng, hiệu quả.
Với từng nội dung mới, những thay đổi quan trọng, Hội Khuyến học tỉnh luôn tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác khuyến học toàn tỉnh. Thế nhưng, về đến địa phương thì không phải nơi nào cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn lại cho các cán bộ của mình. Một vài nơi có làm nhưng không chu đáo, không cấp phát đầy đủ tài liệu cho người tham dự. Hiện tượng này khiến nhiều cán bộ khuyến học triển khai nhiệm vụ mà chính bản thân lại lơ mơ về việc mình làm.
Tháng 7.2016, trên cơ sở Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã và các danh hiệu “Gia đình-Dòng họ-Cộng đồng-Đơn vị học tập” do Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam ban hành, Hội Khuyến học tỉnh đã biên soạn, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Sau đó Hội phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn cho đại diện UBND, phòng GD&ĐT, hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố. Dù vậy, khi chính thức về triển khai trên địa bàn, các địa phương vẫn gặp vướng mắc.
“Việc xét công nhận các danh hiệu chưa có quy định chung, nên mỗi nơi làm mỗi kiểu. Thêm vào đó, bảng tiêu chí chấm điểm có quá nhiều nội dung, đòi hỏi phải tốn thời gian tìm hiểu, cân nhắc để cho điểm chính xác”, ông Nguyễn Hoàng Thân, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phù Mỹ phản ánh.
Hầu như địa phương nào cũng than khó chuyện không có kinh phí. “Triển khai công việc có kế hoạch, có chỉ tiêu nhưng lại không có kinh phí, đơn giản như sao chụp các bảng tiêu chí chấm điểm, chi cho công tác kiểm tra, công nhận, tập huấn, hội họp cũng không có. Cán bộ làm công tác khuyến học ở phường, xã cũng không được hỗ trợ gì khi đi vận động”, ông Thân nêu thực trạng.
Tích cực linh hoạt, sáng tạo
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 1 năm nhân rộng mô hình, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Huỳnh Đăng Khanh thừa nhận, kinh phí đang là một vấn đề rất hóc búa, nhưng “kinh phí không gỡ được, không lẽ bó tay sao, chúng ta làm tất cả những điều này là vì dân, vì những lợi ích học tập suốt đời mang lại cho người dân, nên không thể chùn bước trước khó khăn” - người đứng đầu Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ tâm tư.
Dù nhiều nơi chưa có kinh phí để thực hiện, nhưng theo yêu cầu công việc, các địa phương vẫn tiến hành làm và từ đó có những sáng kiến kinh nghiệm của riêng mình. Chẳng hạn ở huyện Hoài Ân, Hội Khuyến học huyện đã vận động được nhiều trường học tài trợ kinh phí in ấn, photo các bảng tiêu chí chấm điểm. Hội Khuyến học tỉnh cũng đã in, phát miễn phí cho mỗi huyện 15 tập tài liệu, mỗi xã 3-4 tập tài liệu, mỗi thôn 1 tập tài liệu…
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh kêu gọi, trước mắt, khi chưa thể có ngay những sự hỗ trợ thiết thực, các địa phương hãy tùy vào điều kiện thực tế của mình mà linh hoạt, sáng tạo các hình thức vận động, kêu gọi hỗ trợ, cốt sao đạt được hiệu quả công việc. Trong năm 2017, các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức triển khai đăng ký công nhận các danh hiệu theo mục tiêu đã được đề ra.
Liên quan đến các mục tiêu Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra để các tỉnh phấn đấu đạt trong năm 2017, nhiều huyện cho như vậy là quá cao và chắc chắn không thể nào đạt được. Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Huỳnh Đăng Khanh đã nêu quan điểm: “Tôi vẫn thiên về cách làm chắc, đúng tiêu chuẩn, thực chất. Kinh nghiệm cho thấy, cái gì lúc đầu mở rộng ra, sau đó co lại sẽ khó hơn nhiều là ban đầu ta làm thật chắc, đúng tiêu chuẩn, sau này nếu cần thiết, ta mở rộng thêm sẽ dễ hơn. Hội Khuyến học tỉnh sẽ không dựa vào tỉ lệ phần trăm để đánh giá, khen thưởng, mà sẽ căn cứ vào cách làm linh hoạt, sáng tạo, nhìn vào kết quả thực chất, bền vững”.
NGỌC TÚ