Giúp dân “cứu ruộng” sau lũ
Lũ rút, nhiều đơn vị bộ đội và công an đã hành quân về các địa phương hàn khẩu đê, khắc phục sa bồi, thủy phá giúp dân sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Từ những ngày cuối năm 2016 đến nay, trên cánh đồng thôn Phong Thuận, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), 100 sĩ quan, chiến sĩ Trường Quân sự Quân đoàn 3, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (đóng tại huyện Phù Cát) vẫn miệt mài giúp dân khắc phục sa bồi, thủy phá, nạo vét và đắp lại kênh mương nội đồng bị hư hỏng, khôi phục đường giao thông bị sạt lở. Trung tá Nguyễn Thế Hiển, chỉ huy lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên, cho biết: “Cánh đồng Phong Thuận bị sa bồi, thủy phá nặng nhất, gần 20 ha, nên chúng tôi tập trung lực lượng làm ở đây trước. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm cuốn chiếu để nông dân có thể làm đất, gieo sạ lại kịp thời vụ”.
Người dân ở thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) cùng các cán bộ, chiến sĩ ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ khắc phục sự cố đê bao Gò Ông Ngôn bị vỡ.
Cùng thời điểm này, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ - Bộ Tư lệnh (Bộ Công an) cũng đã phân bổ lực lượng về các địa phương giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm trở lại sản xuất. 100 CBCS thuộc Đại đội 2 ở Tiểu đoàn 1 đã chia nhau nạo vét hơn 3.000m kênh mương ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) và hơn 4.500m kênh mương ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh). Ngoài ra, từ ngày 30.12 đến nay, 70 cán bộ, chiến sĩ ở Tiểu đoàn 1 về xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) khắc phục sự cố đê Gò Ông Ngôn bị vỡ, đứt. Sau 5 ngày làm việc, các CBCS Tiểu đoàn 1 đã xúc, khuân vác hơn 13.000 bao tải đất, cát đắp đê.
Đại úy Đỗ Đình Chung, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ, cho biết: “Đây là tuyến đê bao ngăn mặn, chắn lũ bảo vệ 350 ha đất canh tác nông nghiệp các cánh đồng ở 4 thôn Kim Tây, Kim Đông, Bình Lâm và Hữu Thành, xã Phước Hòa, cũng vừa là tuyến giao thông liên thôn ở địa phương. Việc khắc phục đê sạt lở không chỉ góp phần chủ động chắn lũ trong những mùa mưa sau này, mà còn hỗ trợ người dân tái sản xuất nông nghiệp”. Nói về những ngày làm việc tại đây, chiến sĩ Nguyễn Hoài Mong thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ, bộc bạch: “Tôi rất vui khi được chung tay giúp dân giữa thời điểm còn bộn bề khó khăn. Tôi và đồng đội quyết tâm dốc hết sức, nhanh chóng khắc phục xong để bà con sản xuất kịp thời vụ”.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, cho biết: Sau 5 trận lũ, gần 70m đê sông Gò Ông Ngôn cao hơn 2m bị cuốn sạch và xới sâu hơn 4m tạo thành một “dòng sông” nhỏ, khiến cho tiến độ sản xuất vụ lúa Đông Xuân bị chậm trễ; đồng thời gây chia cắt giao thông, giao thương ở địa phương. Chưa kể 350 ha lúa vùng ven nhánh sông Nha Phu đã được gieo sạ trước đó cũng bị hỏng do ngập úng, đổ ngã trong bùn đất, nhiều thửa ruộng bị đất cát bồi lấp. Vì vậy, được các CBCS công tác tại Trung đoàn CSCĐ Nam Trung bộ hỗ trợ hàn khẩu tuyến đê, thu dọn đất, cát bồi lấp dưới ruộng, không riêng chính quyền mà người dân ở địa phương rất mừng”.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.500 ha ruộng lúa bị sa bồi, thủy phá vì mưa lũ. Đến nay, đã có hơn 1.000 lượt CBCS của các lực lượng vũ trang Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đóng quân trên địa bàn tỉnh cùng hàng ngàn CBCS thuộc lực lượng vũ trang trong tỉnh tỏa đi khắp nơi giúp dân khắc phục sa bồi, thủy phá, hàn khẩu đê. Trên khắp các cánh đồng ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn đến các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh… đâu đâu cũng phủ xanh màu áo lính.
TRỌNG LỢI