Sáng một tấm gương anh hùng
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ông đã lập nên những chiến công xuất sắc và trong thời bình xây dựng quê hương anh bộ đội Cụ Hồ ấy lại là khu trưởng khu phố tận tụy việc công, sống nghĩa tình. Đến cuối đời ông lại dồn hết tâm huyết lặn lội đi tìm hài cốt đồng đội qui tập về nghĩa trang liệt sĩ…
Vợ chồng ông Nguyễn Bá Phụng trong ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Bá Phụng, hiện Khu trưởng khu phố An Kim, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát.
Mọi người thường gọi ông là Nguyễn Bá Phụng (họ tên khai sinh là Nguyễn Minh Phụng, sinh năm 1945 ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát). Ông kể: “Năm 12 tuổi, tui đã được cách mạng tin tưởng giao đưa thư mật, làm cơ sở báo tin tức cho. Năm 18 tuổi, tham gia du kích xã Cát Tài phục kích tiêu diệt một số tên ác ôn. Năm 20 tuổi, xung phong đi bộ đội, được phân về Đại đội vận tải bộ, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng (thuộc Quân khu 5)”. Lý lịch trích ngang của ông chỉ có vậy nhưng đó là thời gian của một anh hùng.
Xứng danh anh hùng
Khi được phân công về Đại đội vận tải bộ nhờ nỗ lực tập luyện rất nhiều anh chiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Phụng được đồng đội nể phục nhờ năng suất vận chuyển hàng. Tuy người gầy gò (cao 1,6 m và nặng chưa đến 50 kg) nhưng ông thường xuyên mang vác trọng lượng khối hàng từ 150 kg - 175 kg băng rừng, lội suối phục vụ chiến trường. Đặc biệt, có lần Bá Phụng đã lập “kì tích” khi cõng cả thùng 3 quả đạn A12 và 8 quả đạn cối 82 mm có khối lượng tổng cộng đến… 245 kg (nặng gấp 5 lần trọng lượng cơ thể của mình). “Khi ấy tình thế cấp bách mà 2 đồng chí cùng vận chuyển bị ngã bệnh vì làm việc cường độ cao, nên tôi gánh luôn phần hàng của họ. Cả một núi hàng cao ngất đè trên lưng ngộp thở, chân khụy xuống, nhưng nghĩ đến đồng đội nơi chiến trường ác liệt đang cần gấp từng viên đạn để tiêu diệt quân thù…, tôi như được tiếp thêm sức mạnh…”, ông Phụng nhớ lại.
Anh hùng Nguyễn Bá Phụng (thứ 3 từ phải qua) trong một chuyến tìm mộ liệt sĩ tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ vào giữa tháng 7.2013.
Sau khi nhập ngũ không lâu và lập nhiều thành tích, ông Phụng được cấp trên tin tưởng đề bạt vào chức vụ trung đội trưởng. Với trung đội ông luôn là người đi đầu đối mặt với hiểm nguy, gánh vác những công việc nặng nhọc nhất. Có lần ông xông vào trận địa cõng thương binh đưa về tuyến sau, trên đường chuyển thương bị pháo địch bắn tấp nập, ông lấy thân mình che chở cho thương binh. Mặc dù bản thân bị thương ông vẫn cố đưa thương binh về nơi an toàn. Tháng 7.1967, trước trận càn lớn của lính Mỹ tại Đồi A4 (huyện Hoài Ân), quân ta cố thủ và chiến đấu giữ vững trận địa thành công nhưng thương vong cũng khá lớn. “Sau 3 ngày đêm, đơn vị tổ chức tìm xác đồng đội, khi vào trận địa thấy cảnh tượng thật hãi hùng, nhiều đồng chí bị bom na pan chết không còn nguyên vẹn, phân hóa bốc mùi hôi thối. Thấy một số đồng chí còn chần chừ, tôi phân công cứ 2 người khiêng một cáng chứa thân thể tử sĩ. Riêng bản thân mình thì cột 2 xác tử sĩ lại cõng trên lưng vượt qua 2 km đồi núi dưới tầm đạn pháo địch đến nơi chôn cất…”. Ông Phụng kể mà không kìm nén được xúc động.
Tháng 7.1970, đơn vị của ông Phụng nhận nhiệm vụ vận chuyển súng đạn, lương thực qua sông Côn trong lúc mùa mưa lũ. Nhìn dòng nước chảy xiết các chiến sĩ chưa dám qua, Trung đội trưởng Phụng xung phong buộc vào người hơn 100 kg bơi qua sông để anh em mạnh dạn bơi qua theo… Nghe câu chuyện này tôi bỗng nhiên nhớ đến giai thoại về ông Ba Thơm (Nguyễn Huệ) rằng mỗi lần vượt qua sông Côn mùa lũ thì ông đều là người đi đầu tiên rồi dân làng mới dám đi theo sau. Người anh hùng phải luôn là người dám nghĩ, dám làm và vượt lên trên mọi người khi đương đầu với những thử thách, hiểm nguy như thế.
Cùng với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí, Trung đội trưởng Phụng còn trực tiếp chiến đấu 14 trận, diệt nhiều địch quân. Tiêu biểu là trong trận đánh của ta với Trung đoàn 41 Ngụy ở Phù Mỹ vào tháng 4 năm 1972 tại căn cứ Đệ Đức. Trận đánh diễn ra ác liệt, lực lượng bộ đội của Tiểu đoàn 1 bị thương vong nhiều. Vừa chuyển đạn đến cho Tiểu đoàn Bá Phụng đã đề nghị cho trung đội của mình cùng tham gia chiến đấu và được chấp nhận. Trận đánh này quân ta đã diệt gọn 1 đại đội địch, bắt 80 tên, riêng mũi chiến đấu do Bá Phụng chỉ huy đã diệt 20 tên và thu nhiều vũ khí…
Nguyễn Bá Phụng báo cáo thành tích tại Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu 5 năm 1974.
Trưởng khu phố giàu nghĩa tình
Năm 1978, ông Nguyễn Bá Phụng nghỉ hưu về địa phương. Từ một người lính từng trải trong chiến tranh ông Phụng được chi bộ tín nhiệm bầu làm bí thư Chi bộ, nhân dân bầu khu trưởng khu phố An Kim, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát.
Tuy sức lực không còn như xưa nhưng nét đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ thì không phai nhạt trong ông. Với nhiệm vụ mới ông luôn cố gắng hết mình để hoàn thành, từ hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân, vận động xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự trong khu phố, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo… Nhờ vậy, An Kim là một trong những khu phố đầu tiên đầu tiên ở huyện Phù Cát được công nhận danh hiệu Khu phố văn hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Phan, cán bộ hưu trí ở khu phố An Kim, nhận xét: “Đồng chí Phụng luôn phát huy vai trò tiền phong gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác, góp phần xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh. Bản thân đồng chí sống giản dị, hòa đồng với quần chúng, dù đời sống còn khó khăn nhưng vẫn sẵn lòng giúp đỡ những người khó khăn hơn. Bà con khu phố ai cũng khen ngợi và tin tưởng”.
Bà Nguyễn Thị Tám (sinh năm 1920) ở địa phương sống cô độc khi tuổi cao sức yếu, ông Phụng đã đứng ra chăm sóc. Khoản tiền lương hưu ít ỏi ông dành hết việc mua thêm thức ăn hằng ngày, rồi chăm sóc thuốc men lúc đau ốm, cơm cháo, tắm giặt cho bà Tám suốt 12 năm trời. Khi bà Tám qua đời, ông cùng bà con khu phố lo mai táng chu đáo. Biết được bà Phạm Thị Huệ là đồng đội cùng đơn vị trước đây, cuộc sống hết sức khó khăn vì thương binh tỉ lệ 61 % và đau ốm thường xuyên lại phải nuôi 3 con nhỏ ăn học ông bàn với vợ giúp đỡ tiền hằng tháng giải quyết một phần khó khăn cho mẹ con bà Huệ.
Hoặc như trường hợp cha con ông Trần Khi ở khu phố An Kim đều bị bệnh tâm thần sống với nhau trong hoàn cảnh màn trời chiếu đất, ông Phụng đã giúp đỡ cơm cháo và vận động bà con nhân dân góp tiền của của, công sức để xây nhà cho cha con ông Trần Khi. Đặc biệt, ông Phụng đã mạnh dạn đứng ra thuyết phục một gia đình ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát gả con gái cho anh Trần Thanh (con ông Trần Khi). “Trần Thanh chỉ bị tâm thần nhẹ, còn ông Trần Khi bị bệnh nặng sẽ mất nay mai. Tôi nghĩ phải cố gắng tìm cho cháu một người vợ bình thường biết đồng cảm, chia sẻ để nương tựa vào nhau. Ngày tổ chức đám cưới cho hai cháu, bà con khu phố đến chung vui rất đông…”, ông Bá Phụng kể.
Đến nay, sau nhiều năm chung sống, hiện vợ chồng anh Thanh đã tạo dựng được cuộc sống khá ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Chị Trần Thị Em, vợ anh Trần Thanh, tâm sự: “Ban đầu cũng lo nhưng lấy nhau rồi mới thấy ảnh hiền khô, chăm chỉ lao động và rất thương yêu vợ. Chúng tôi có được cuộc sống hạnh phúc hôm nay là nhờ rất nhiều vào sự giúp đỡ của chú Phụng và bà con chòm xóm…”.
Trong suốt hơn 20 năm làm Trưởng khu phố (1978 - 2010), ông Bá Phụng đã được tặng gần 20 bằng khen của Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Công an tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh….
Anh hùng đi tìm liệt sĩ
Ngày 28.5.2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Nguyễn Bá Phụng, nguyên Trung đội trưởng, Đại đội Vận tải, Trung đoàn Bộ binh 2, Sư đoàn bộ binh 3, Quân khu 5 (nay thuộc Quân khu 1) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ năm 1965 đến tháng 4.1975, Nguyễn Bá Phụng đã tham gia 10 chiến dịch lớn vận chuyển hơn 350 tấn vũ khí, lương thực, cõng 120 thương binh, tử sĩ. Riêng năm 1972, ông đã mang vác vận chuyển được 16,23 tấn hàng. Qua 10 năm phục vụ trong Sư đoàn 3, Bá Phụng đã có 9 năm là Chiến sĩ thi đua, được trao tặng 1 Huân chương chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương chiến công hạng Ba, 3 Huân chương chiến sĩ giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba); 1 danh hiệu kiện tướng mang vác cấp sư đoàn, 12 lần là dũng sĩ các loại…
Năm 2012, khi về họp mặt cùng đồng đội ở Sư đoàn 3 Sao Vàng trong dịp kỉ niệm 40 năm giải phóng huyện Hoài Ân, anh hùng Nguyễn Bá Phụng cùng mọi người đều có chung niềm đau đáu khi về những người đội đã ngã xuống hiện vẫn chưa tìm được mộ. Từ đó, ông đã tích cực tham gia vận động thành lập Nhóm “Nghĩa tình đồng đội” vào ngày 10.6.2012, với 18 anh chị em đều là cựu chiến binh Sư đoàn 3. Anh hùng Nguyễn Bá Phụng được bầu làm Phó trưởng nhóm. Đến tháng 8.2012, UBND tỉnh đã có quyết định cho Hội “Nghĩa tình đồng đội” hoạt động theo nhiệm vụ đi tìm mộ liệt sĩ hi sinh tại Bình Định, những liệt sĩ tìm được nếu biết danh tánh thì liên lạc với gia đình để đưa về quê hương, chưa biết tên thì đưa vào nghĩa trang xã nơi đồng đội hi sinh.
Hơn một năm qua, người ta thường thấy có hai cụ già đèo nhau trên chiếc xe máy cũ đi khắp các địa phương trong tỉnh, đến tận những vùng sâu vùng xa, núi non hiểm trở để tìm kiếm, xác minh, thông tin về mộ liệt sĩ. Một người trong số đó là anh hùng Nguyễn Bá Phụng, người còn lại là Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, nguyên Trưởng tiểu ban Cán bộ Trung đoàn 2 của Sư đoàn 3, Trưởng nhóm Nghĩa tình đồng đội.
Bà Ngô Thị Kim Ánh, vợ ông Phụng và cũng là thành viên nhóm “Nghĩa tình đồng đội”, cho biết: “Chiếc xe máy cũ của ông xã tôi đi cày ngoài đường liên tục nên hư hỏng nặng đành bỏ luôn. Phải đi vay 12 triệu để mua xe máy mới tiếp tục đi tìm kiếm. Ổng là thương binh sức khỏe yếu, đi về thường đau ốm, nhưng mới khỏe một chút lại hăng hái lên đường…”.
Nhóm “Nghĩa tình đồng đội” đến nay đã phát hiện được hơn 1.167 mộ liệt sĩ còn nằm tại các nơi bên ngoài. Nhóm đã phối hợp tổ chức đưa vào nghĩa trang 52 hài cốt liệt sĩ, 34 hài cốt được đưa về gia đình ở trong và ngoài tỉnh, số còn lại đang làm công việc xác minh và phối hợp với chính quyền địa phương để có kế hoạch quy tập. Công việc ý nghĩa của nhóm “Nghĩa tình đồng đội” đã thu hút thêm hút thêm nhiều người tham gia, hiện tại đã hơn 60 thành viên. “Khó tả hết nỗi niềm mỗi khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ nằm lặng lẽ ở những nơi núi rừng quạnh hiu suốt mấy chục năm qua. Càng tự thấy mình phải có trách nhiệm đi tìm kiếm nhiều hơn nữa, để sống trọn nghĩa vẹn tình với những đồng đội đã hi sinh xương máu cho đất nước...”, anh hùng Nguyễn Bá Phụng bày tỏ.
Hoài Thu