Khánh Hòa: Thả muỗi mang vi khuẩn loại trừ sốt xuất huyết
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam” trong kế hoạch tiến tới thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ở 4 phường trên địa bàn TP Nha Trang nhằm ngăn ngừa SXH.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau khi Bộ Y tế phê duyệt dự án, các hoạt động sẽ triển khai tại TP Nha Trang trong năm 2017, gồm: tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức trước khi thả muỗi; khảo sát lấy phiếu đồng thuận ngẫu nhiên; tiến hành thả muỗi ở 4 phường, gồm: phường Vĩnh Trường, phường Phước Long, phường Vĩnh Phước và phường Vĩnh Thọ.
Đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang), nơi đã được ứng dụng thả muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia
Từ năm 2013 – 2015, việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã được thí điểm ở đảo Trí Nguyên (TP.Nha Trang). Kết quả, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã thay thế thành công quần thể muỗi tự nhiên. Từ khi thả muỗi đến nay, trên đảo Trí Nguyên không còn dịch sốt xuất huyết.
Theo đại diện dự án, các nghiên cứu thử nghiệm tại các thực địa đã chứng minh phương pháp này là an toàn, đến nay chưa có bất cứ vấn đề gì bất thường về sức khỏe và môi trường.
Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất với kế hoạch nói trên nhưng cho rằng thả muỗi phải thận trọng. Ông Tài yêu cầu UBND TP Nha Trang phối hợp chặt chẽ với phía dự án để tuyên truyền kỹ cho người dân trước khi lấy ý kiến đồng thuận, đồng thời ông cũng yêu cầu mở rộng tuyên truyền đối với người dân ở những phường, xã lân cận.
Từ ngày 15.1 – 15.3, dự án tiếp tục các công tác truyền thông, khảo sát và lấy phiếu chấp thuận ngẫu nhiên hộ gia đình (dự kiến 573 hộ) trong khu vực thả muỗi, sau đó mới tiến hành thả muỗi.
Chương trình Loại trừ Sốt xuất huyết đã bắt đầu thí điểm phương pháp sử dụng muỗi vằn mang Wolbachia từ năm 2011 và hiện nay đã thả muỗi này ở Brazil, Colombia, Việt Nam, Indonesia và Australia nhằm mục đích ngăn chặn sự lan truyền của bệnh sốt xuất huyết dengue.
Theo Thảo Nguyên (Công lý)