Mong là thế!
Tết Nguyên đán đã cận kề và đi cùng với nó là nỗi lo của các nhà quản lý và cộng đồng xã hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cùng vấn nạn hàng lậu, hàng giả hoành hành. Đây cũng là hai vấn đề được báo động trong nhiều năm qua, nhất là vào thời điểm chuẩn bị đón xuân vui tết cổ truyền, cũng là dịp mua sắm lớn nhất trong năm của người dân.
Trong bối cảnh đã và đang còn có quá nhiều loại thực phẩm đang lưu thông trên thị trường không bảo đảm các yếu tố an toàn, không hợp vệ sinh như rau xanh, củ quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép; cá thịt, hải sản tươi ướp chất cấm, thực phẩm đông lạnh quá đát, thực phẩm chế biến chứa chất bảo quản không phù hợp… vốn là mối đe dọa sự an toàn của mỗi bữa ăn của gia đình hàng ngày thì trong dịp tết mối lo ấy còn tăng thêm gấp bội!
Vì vậy, làm thế nào để có thực phẩm an toàn tiêu dùng trong dịp tết là mối quan tâm lớn của người tiêu dùng. Mặc dù các cơ quan quản lý đã hết sức nỗ lực trong việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bằng việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở sản suất, kinh doanh thực phẩm nhưng tình hình vẫn rất đáng quan ngại khi hàng loạt vụ việc vi phạm được phát hiện từ sản xuất đến lưu thông. Và nỗi lo này vẫn hết sức nổi cộm khi số vụ phát hiện chỉ là một phần rất nhỏ của thực trạng trong khi các loại thực phẩm không an toàn cũng đang chực chờ tuôn ra vào dịp tết. Cùng với các giải pháp của ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với thực phẩm không an toàn để bảo vệ mình và người thân.
Cũng theo nếp “đến hẹn lại lên”, những ngày cận Tết Nguyên đán hàng năm cũng là lúc hàng lậu, hàng giả lại bung ra khiến cho thị trường hàng hóa thật giả lẫn lộn, làm rối lòng người tiêu dùng và đau đầu các nhà quản lý. Hệ lụy của hàng lậu, hàng giả đối với nền kinh tế là làm lũng đoạn thị trường, thất thu thuế, phá hoại nền sản xuất trong nước, xâm hại trực tiếp quyền lợi của người tiêu dùng.
Dự báo trong những ngày càng cận tết thì hàng lậu, hàng giả sẽ càng bung ra mạnh mẽ. Trong những ngày gần đây, khi lực lượng quản lý thị trường của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thì số vụ vi phạm vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong dịp tết như thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, thực phẩm… phát hiện được cũng nhiều hơn.
Để bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường, các lực lượng chức năng cần phối hợp tăng cường công tác kiểm tra thị trường, tập trung kiểm soát các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, các điểm bán buôn hàng hóa phục vụ tết. Lực lượng liên ngành cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả... Công tác thông tin cảnh báo, tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hàng lậu, hàng giả cũng cần được tăng cường.
Đối với người tiêu dùng, để tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng lậu, hàng giả, thiết nghĩ khi mua bất kỳ món hàng nào, người tiêu dùng cần tỉnh táo xem kỹ nhãn hàng trước khi mua; chọn mua hàng tại những địa chỉ uy tín để tránh mua nhầm hàng lậu, hàng giả. Khi phát hiện dấu hiệu hàng lậu, hàng giả người tiêu dùng cần báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Hy vọng rằng với nhiều nỗ lực từ nhiều phía, điều mong mỏi nhất của mọi người là tránh được vấn nạn thực phẩm bẩn, không mua phải hàng giả để được đón một cái tết an toàn và vui vẻ sẽ thành hiện thực. Mong là thế!
H.Ð