Chuẩn bị cho Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc - 2017:
Cả thầy và trò cùng nỗ lực
Tuy đến tháng 5.2017, Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc - năm 2017 (tại Thanh Hóa) mới diễn ra, nhưng nhiều tuần qua, 7 diễn viên trẻ Nhà hát Tuồng Ðào Tấn (NHTÐT) cùng với những thầy truyền vai, đã cật lực làm việc.
Ở các cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu, cùng với thành tích của mỗi tài năng trẻ, bao giờ cũng có sự góp mặt của những người thầy giỏi nghề, giàu tâm huyết. “Tài năng trẻ diễn viên tuồng bây giờ hiếm hơn ngày trước nhiều, cho nên dấu ấn, trách nhiệm người thầy rất đậm và nặng...” - NSND Hòa Bình, NSND Xuân Hợi, NSƯT Tuyết Mai... - những thầy đang phụ trách đào tạo cho 7 diễn viên trẻ của NHTĐT chuẩn bị tham gia Cuộc thi - đều có chung một “mở đề” khi nói về tính chất cũng như việc chuẩn bị.
DV trẻ Cẩm Nhung (phải) đoạt HCB Cuộc thi năm 2014 là 1/7 gương mặt đăng ký tham gia Cuộc thi năm 2017.
1.
Theo NSND Hòa Bình, ở thế hệ của bà, một diễn viên đi thi tài năng trẻ nghĩa là trình độ nghề của người đó đã đến độ chín, người thầy chỉ cần hướng dẫn thêm những gì chuyên sâu, tinh túy, giúp “đôn” tài năng của trò lên một bước. Còn ngày nay, diễn viên trẻ chủ yếu đóng tuồng tiểu thuyết, lịch sử, hiện đại; với tuồng truyền thống, tuy có học mà không hành nên “năng lượng” bên trong về nghề của các diễn viên trẻ rất mỏng. Trong khi đó, kiểu diễn khi thi tài năng trẻ là kiểu biểu diễn “thổ tận tâm can”, nên để thi thố thành công, cả thầy và trò cùng phải nỗ lực hết sức mình.
Chung tâm tư trên, theo NSƯT Tuyết Mai, diễn viên trẻ ngày nay thiệt thòi nhiều so với các thế hệ trước. Không những ít được học mà cơ hội được xem các vở kinh điển cũng hiếm. Do vậy, khi đi thi tài năng trẻ, gần như đó cũng là lần đầu tiên các diễn viên trẻ được biết đến những vai, trích đoạn thuộc hàng mẫu mực. “Ngày trước, trên cơ sở những vai sở trường đã làm, chọn một vai tốt nhất và tự tập luyện, đến khi diễn báo cáo Hội đồng Nghệ thuật của đơn vị và được chấp nhận thì đơn vị mới phân công người tinh chỉnh thêm. Còn nay, khi nhận thông báo về cuộc thi và trong diện tuổi được tham gia, mỗi thí sinh sẽ tự tìm thầy để nhờ tư vấn về việc chọn vai, trích đoạn phù hợp và được thầy cầm tay chỉ dạy đến khi hoàn thành” - NSƯT Tuyết Mai cho biết.
Chính bởi đặc điểm này mà còn hơn 5 tháng nữa mới đến ngày thi nhưng nhiều tuần qua, thầy và trò NHTĐT đã căng mình ra luyện. Thêm vào đó, triển khai sớm là bởi, mùa cao điểm biểu diễn thường kéo dài suốt từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch, nên diễn viên không có nhiều thời gian và sức khỏe để tập luyện.
2. Theo quy định, Cuộc thi trên áp dụng cho DV tuồng độ tuổi không quá 33. Mỗi đơn vị tham gia không quá 4 DV (tương ứng với 4 trích đoạn). Mỗi thí sinh biểu diễn một trích đoạn tự chọn phù hợp với sở trường biểu diễn của mình, dài không quá 20 phút và thể hiện được những đặc trưng của loại hình nghệ thuật tuồng. Hội đồng Giám khảo chỉ chấm tài năng diễn xuất của diễn viên, không chấm trích đoạn. Các diễn viên cần chọn những tiết mục có đầy đủ chất liệu để có thể bộc lộ tài năng, thể hiện khả năng “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” của một diễn viên kịch hát truyền thống.
7 diễn viên trẻ NHTĐT đang nỗ lực chuẩn bị tham gia Cuộc thi trên gồm: Đức Thành (vai Phàn Định Công), Mai Vân (vai Đào Tam Xuân), Thái Phiên (vai Mai Xuân Thưởng), Tuấn Long (vai Cáp Tô Văn), Thanh Vân (vai Tiêu Anh Phụng), Cẩm Nhung (vai Liễu Nguyệt Tiêm) và Lương Quyên (vai Trần Quốc Toản). Đây đều là những vai diễn trong các trích đoạn tuồng truyền thống và lịch sử hội đủ nhiều yếu tố để diễn viên có đất phô diễn tài năng. 7 diễn viên trẻ trên trước mắt phải nỗ lực để vượt qua vòng báo cáo, tuyển chọn của Nhà hát (dự kiến vào ngày 15.1), để chọn ra 4 người theo quy định.
NSND Phương Thảo (phải) - người chuyên đóng vai Đào Tam Xuân - đang truyền vai này cho DV trẻ Mai Vân để tham gia Cuộc thi năm 2017.
3.
Những ngày này, sân khấu NHTĐT được sử dụng tối đa để đáp ứng nhu cầu tập luyện lúc cao điểm. Thầy, trò và một hoặc vài người phụ diễn trong trích đoạn, miệt mài, cật lực làm việc. Trong 6 nghệ sĩ phụ trách truyền dạy, có tới 3 người đã về hưu (NSND Hòa Bình, NSND Phương Thảo và NSƯT Tuyết Mai) và 1 nghệ sĩ không phải người của Nhà hát (nghệ sĩ Hoàng Việt). Ròng rã hàng tháng trời mới xong vai, để thời gian cho trò thẩm thấu, nghiền ngẫm; thỉnh thoảng thầy lại “dò bài” trước ngày thi. Thật bất ngờ khi biết, tất cả họ đều tình nguyện dạy không nhận thù lao!
“Thời gian bắt đầu tập luyện và thù lao cho người hướng dẫn chỉ được tính sau khi Hội đồng Nghệ thuật duyệt thí sinh, tác phẩm đi thi, nhưng nếu không dạy trước đó, lấy gì các em báo cáo? Hơn nữa, phải tập luyện sớm, kỹ để các em thẩm thấu. Chúng tôi là thầy, khi học trò đến nhà nhờ dạy vai để đi thi, chúng tôi biết bản thân các em đã rất ái ngại. Bởi thế, không bao giờ chúng tôi phải để học trò khó xử, chỉ luôn nhắc nhở các em hãy chỉ cố tâm học nghề. Nghiệp tuồng bây giờ, có người trẻ chịu học là chúng tôi mừng lắm rồi, sẵn lòng dạy, chứ lòng không bợn chuyện công cán, thù lao” - NSƯT Tuyết Mai tâm tình.
SAO LY