Cho và nhận
1. Sau những đợt mưa lũ dồn dập làm tỉnh Bình Định thiệt hại nặng, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trực tiếp về vùng lũ để trao những phần quà hỗ trợ, san sẻ ít nhiều gánh nặng thiệt hại cho đồng bào khi những ngày Tết cổ truyền đã cận kề.
“Cảm ơn chị. Nhưng nay nước rút, mì tôm Nhà nước cấp cho đã vào đến nơi, tôi trả lại chị” (Nguồn: facebook của người chứng kiến và kể lại câu chuyện).
Những tấm lòng, những nghĩa cử đẹp đã xuất hiện từ tinh thần “lá lành đùm lá rách”, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Một anh bạn đi cứu trợ tôi không quen ngồi ở quán cà phê tấm tắc kể, hôm rồi đi cứu trợ ở huyện nọ, tình cờ chứng kiến câu chuyện đẹp giữa những người hàng xóm.
Chả là, sau khi lũ rút, nhận một thùng mì tôm cứu trợ, người phụ nữ vội mang sang bà hàng xóm gần nhà trả lại thùng mì mình đã mượn tạm ăn cho đỡ đói. Nhưng người hàng xóm lại bảo: “Cứ giữ lấy mà dùng. Chòm xóm giúp nhau lúc ngặt nghèo mà”. Tuy nhiên, người phụ nữ kia vẫn trả lại thùng mì tôm: “Cảm ơn chị. Nhưng nay nước rút, mì tôm Nhà nước cấp cho đã vào đến nơi, tôi trả lại chị”. Anh bạn tôi nhanh tay “chộp” được khoảnh khắc kẻ đưa qua người đẩy lại thùng mì tôm thấm đẫm tình làng nghĩa xóm sao quá mộc mạc và chân thành.
2. Nhưng đâu đó vẫn còn những việc hay những hành động tuy nhỏ nhặt song cũng làm những người đi hỗ trợ, cứu trợ gợn lên một cảm giác hơi khó chịu, thậm chí bất nhẫn.
Một nhóm những người bạn trong hội từ thiện ở Quy Nhơn, sau khi đi cứu trợ ở vùng lũ ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, trở về kể: “Có người từ lâu không còn sinh sống ở quê nữa, nghe quà hỗ trợ, vội chạy về đòi: Hộ khẩu tui ở đây, họ có sao tui hổng có?”.
Một người bạn của tôi kể một chuyện khác, một doanh nghiệp mang tiền xuống hỗ trợ gia đình 2 cháu bé có mẹ vừa qua đời trong cơn lũ. Nghe kể, cha cháu vốn lâu nay không còn sống với mấy mẹ con mà chuyển đi nơi khác sống (với người phụ nữ khác). Vậy mà, khi hay các cháu được trao tiền hỗ trợ, ông ta xuất hiện và hùng hổ tuyên bố, tui là cha mấy đứa nhỏ nên có quyền nhận tiền, không đưa tiền sẽ làm to chuyện. Sợ rầy rà, doanh nghiệp rút tiền mặt ra đưa cho ông ta.
Của cho không bằng cách cho. Nhưng theo tôi, còn một vế quan trọng không kém là cách nhận và thái độ của người được nhận. Bởi thực tế, từng xảy ra nhiều chuyện “lùm xùm” không hay về cách nhận và phân phát tiền, hàng cứu trợ sau mỗi đợt thiên tai. Từ chuyện phân chia không đồng đều, thiên vị người thân kẻ thuộc, đến tư lợi cá nhân của người được ủy quyền phân phát; hoặc đơn thuần chỉ bởi suy nghĩ đơn giản, chủ quan của một số người được giao trách nhiệm.
Cho và nhận - tưởng đơn giản, hóa ra cũng có thể phức tạp và lắm tâm tư nếu làm mất đi hoặc làm biến tướng bản chất tốt đẹp của nó.
H. LAN