Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Bộ GD-ĐT giống “bộ thi”
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận như trên tại hội nghị toàn quốc bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, diễn ra ngày 7.1 ở Đà Nẵng.
Thi cử không chỉ làm mệt mỏi cho ngành giáo dục, mà còn làm mệt toàn xã hội. Trong ảnh: sự mệt mỏi của thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Và ông cam kết sắp tới sẽ tập trung cho việc nâng chất lượng đào tạo thay vì loay hoay theo thi cử.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sắp tới bộ sẽ không mất nhiều thời gian cho việc lấn cấn quá nhiều về tuyển sinh như những năm qua, thay vào đó bộ sẽ dành trọng tâm thời gian và sức lực cho công tác nâng cao chất lượng.
Tại hội nghị toàn quốc bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH diễn ra ngày 7.1 ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng có một đặc điểm chung ở cả trường công và trường tư là chưa quan tâm xứng đáng đến nghiên cứu, khoa học mà hầu như chỉ dành trọng tâm cho đào tạo, trong đào tạo chỉ chăm lo cho tuyển sinh.
Ông Nhạ thừa nhận chính bản thân ông cũng đang mất quá nhiều thời gian cho thi cử và đang phải tự “thoát ra” khỏi tình trạng này.
“Bộ trưởng cần dũng cảm”
“Tới đây, Bộ GD-ĐT có phải tiếp tục cùng các đồng chí đi tuyển sinh không? Câu trả lời của tôi là không. Bộ sẽ tập trung vào quy hoạch mạng lưới, xây dựng đường lối chính sách giáo dục, hỗ trợ, động viên và đứng ra bảo vệ các đồng chí và răn đe nếu ai đi chệch đường. Bộ sẽ không mất quá nhiều thời gian cho thi, kỳ thi này chưa qua kỳ thi khác đã đến. Bộ GD-ĐT giống như “bộ thi” vậy” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt vấn đề.
Ông Nhạ trần tình dư luận quan tâm đến thi cử nhiều, nên tại nhiều hội nghị, dù rất muốn được trả lời những câu hỏi về chiến lược, về những giải pháp lâu dài cho ngành nhưng cuối cùng nhiều đại biểu cũng lại hỏi về thi. “Nhưng tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Bản thân chúng ta cũng đã dành nhiều thời gian cho thi cử quá” - ông nói.
Trong khi đó, bà Mai Hồng Quỳ - hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM - cho rằng với công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT phải thay đổi quan điểm chỉ đạo.
“Bộ trưởng cần dũng cảm và thẳng thắn để nâng chất lượng đào tạo ĐH, chứ không phải bằng mọi cách để các trường có thể tuyển được thí sinh. Có cảm tưởng bộ đang làm chính sách để mọi trường đã tồn tại đều tuyển sinh được. Chúng ta nên tôn trọng quy luật thị trường, hãy để người học thông minh quyết định, để phụ huynh chọn lọc...” - bà Quỳ nói.
Không nên kéo dài “tồn tại lâm sàng”
Trong khi cùng nhau bàn về giải pháp nâng cao chất lượng ĐH, tìm lời giải cho bài toán việc làm cho sinh viên, nhiều hiệu trưởng thẳng thắn thừa nhận chất lượng giáo dục ĐH còn thấp, thậm chí “đang đi xuống”.
GS Đặng Kim Vui - giám đốc ĐH Thái Nguyên - cho rằng chất lượng ĐH đi xuống vì có sự mất cân đối, không cân xứng giữa số lượng đào tạo và năng lực đào tạo của các trường. Ông Vui dẫn chứng tại ĐH Thái Nguyên đang phải ra sức chấn chỉnh.
“Trước đây, trong trường có ngành chỉ chừng 20 sinh viên, nhưng nay có khi lên đến 70-80 sinh viên. Ngay như ngành y dược rất “hot”, điểm rất cao nhưng hiện cũng đào tạo hơi nhiều, có lớp đi bệnh viện thực tập 50-60 em, bác sĩ cũng kêu không biết sắp xếp để các em làm gì” - ông Vui nói.
Trong khi đó, ông Võ Văn Sen - hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM - cho rằng cần chấn chỉnh hệ thống giáo dục ĐH vì đã có thời kỳ “đẻ ra quá nhiều ĐH không đúng chuẩn”.
“Bây giờ dần lập lại trật tự, bộ trưởng cần ra tay bình định lại để có một mạng lưới các trường ĐH tốt. ĐH mà yếu quá là không tồn tại được. Ví dụ một trường mà tiến sĩ ít quá, chỉ 5-10 hay 20 tiến sĩ thì ĐH cái gì?” - ông Sen nhấn mạnh.
GS Đặng Kim Vui (giám đốc ĐH Thái Nguyên): Chất lượng ĐH đi xuống vì có sự mất cân đối, không cân xứng giữa số lượng đào tạo và năng lực đào tạo của các trường - Ảnh: LÊ VĂN HIỆP
Đồng thuận với các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Tới đây bộ yêu cầu các trường phải tham gia kiểm định. Những trường ĐH nào nếu xét thấy không trụ nổi thì chính các trường đó nên khai tử một cách tự nhiên, không kéo dài thời kỳ lâm sàng. Kéo dài sự tồn tại lâm sàng chưa chắc đã tốt, dẫn đến làm ảnh hưởng cho cả hệ thống, các trường phải chấp nhận. Trong cạnh tranh phải chấp nhận chia tách, sáp nhập, giải thể rồi phát triển. Tôi tin rằng các trường yếu thì chúng ta cũng phải chấp nhận giải thể”.
“Thất nghiệp là chuyện bình thường”
Được Bộ GD-ĐT lựa chọn để báo cáo về một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị về giải pháp nâng cao tỉ lệ việc làm cho sinh viên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng không nên có cái nhìn quá nặng nề, bi quan về tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên sau tốt nghiệp. Bởi lẽ đây không phải là chuyện cá biệt của Việt Nam mà là câu chuyện phổ biến ở nhiều quốc gia, kể cả ở những nước phát triển.
Ông Dũng dẫn chứng ngay như ở Phần Lan - một đất nước có nền giáo dục tiên tiến nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở người có trình độ vẫn lên đến 12%. Ở Trung Quốc, một nước đông dân, số lượng người có trình độ ĐH cũng rất lớn, nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở mức 4%. “Như vậy, con số 431.000 lao động đã qua đào tạo thất nghiệp ở nước ta là tình trạng bình thường” - ông Dũng nói.
Ông Dũng đưa ra một loạt giải pháp được xem là chìa khóa để cứu vãn tình trạng sinh viên thất nghiệp sau tốt nghiệp đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, trước hết phải quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH trong cả nước, chấm dứt tình trạng mở trường ồ ạt như trước đây.
Ngoài ra, các trường ĐH cần mạnh dạn bỏ những ngành nghề lạc hậu, đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, thực hiện phân luồng, đổi mới cơ chế quản lý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận thực tế ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không có việc làm. Ông Nhạ dẫn chứng có trường hợp rất thương tâm bố mẹ bán tất cả trâu bò, heo gà cho con ăn học nhưng ra trường cũng không tìm được việc làm. Có trường hợp giấu bằng ĐH, thậm chí giấu cả bằng thạc sĩ để đi lao động chân tay. Thực trạng này ở nước ngoài cũng có, nhưng ở nước ta xảy ra nhiều hơn.
Ông Nhạ cho rằng không nên đổ lỗi cho ai cả về việc sinh viên ra trường thất nghiệp mà phải nhìn nhận đúng thực tế. “Có nhiều lý do sinh viên ra trường thất nghiệp. Kể cả ĐH Havard cũng có sinh viên thất nghiệp, ra trường không chọn nghề mà mình đã học” - ông Nhạ nhấn mạnh.
Chuyển đổi giáo viên thừa bậc phổ thông thành... giáo viên mầm non
Đây là giải pháp được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra trong cuộc làm việc riêng với các trường ĐH sư phạm bên lề hội nghị.
Theo đó, để giải quyết tình trạng dôi dư hàng chục nghìn giáo viên hiện nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chương trình đào tạo chuẩn để thực hiện chuyển đổi giáo viên dư thừa ở bậc phổ thông sau bồi dưỡng, đào tạo lại sẽ lấp chỗ trống do thiếu hụt giáo viên mầm non hiện nay.
Thay đổi cách ra văn bản
Bà Mai Hồng Quỳ chỉ ra cơ chế làm văn bản của các bộ nói chung, Bộ GD-ĐT nói riêng đang bị “vướng” bởi cách xây dựng văn bản cho các trường nhưng lại chỉ có chuyên gia của cục, vụ chuyên môn của bộ thực hiện.
Những dự thảo này sau đó đưa xuống các trường lấy ý kiến đóng góp, nhưng hầu như không nhận được phản hồi gì từ cơ sở. Kết quả là khi văn bản chính thức được ban hành thì bộc lộ nhiều bất cập.
“Đề nghị bộ trưởng xem xét lại cơ chế làm văn bản. Nên chăng tạo thành nhóm trường ĐH có chuyên môn sâu về những vấn đề này để soạn thảo các điều khoản văn bản, sau đó mới đem ra bàn thảo cộng đồng trường ĐH. Như vậy trách nhiệm của các trường sẽ tăng lên” - bà Quỳ hiến kế.
Đáp lại kiến nghị của hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, ông Nhạ cho biết sẽ nghiên cứu để đổi mới cách làm luật, để “đưa cuộc sống vào pháp luật” chứ không chỉ tìm cách “đưa pháp luật vào cuộc sống”.
Theo NGỌC HÀ (TTO)