Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi xét thi hành kỷ luật Ðảng:
Nên quy định theo hướng “cứng” và “mở”
Theo Quy định 181-QĐ/TW, ngày 30.3.2013 của Trung ương về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” (Quy định 181) thì: “Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và đúng thẩm quyền... Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm”.
Ngoài quan điểm, định hướng, quy định mang tính chất định khung, quy định nói trên cụ thể hóa các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm để làm căn cứ khi xét thi hành kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng.
Tuy nhiên, khi so sánh một số quy định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ giữa việc xử lý đảng viên vi phạm và xem xét trách nhiệm trong chính sách hình sự thì dường như chưa có sự tương thích giữa yếu tố “cứng” và “mềm”; chưa đảm bảo tính khoa học và đồng bộ trong quá trình áp dụng, xử lý các hành vi vi phạm.
Cụ thể, khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định có tới 14 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; đồng thời quy định “cứng” chỉ được xem các tình tiết được quy định trong Bộ luật Hình sự là tình tiết tăng nặng. Điều đó có nghĩa là không được xem xét các tình tiết khác (ngoài quy định) là tình tiết tăng nặng. Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự cũng quy định 18 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều đáng nói là, khác với hướng “cứng” về tình tiết tăng nặng, Khoản 2 Điều 46 quy định theo hướng “mở”: Khi quyết định hình phạt, tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
Tuy là đối tượng khác nhau, chủ thể khác nhau nhưng khi so sánh, dường như các quy định trong Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chưa được linh hoạt như các quy định của Nhà nước về xử lý các đối tượng vi phạm, tội phạm. Tại Khoản 2, Điều 3 Quy định 181 có 11 điểm phải áp dụng tình tiết tăng nặng. Khoản 1, Điều 3 Quy định 181 chỉ quy định 5 điểm được xem là tình tiết giảm nhẹ. Điều đáng nói là cả Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 Quy định 181 không quy định theo hướng “cứng” và “mở” như Điều 48 và Điều 46 Bộ luật Hình sự. Nghĩa là, ngoài các quy định mang tính chất liệt kê theo Điều 3 thì cũng có thể hiểu là toàn bộ các quy định này đều theo hướng “cứng”.
Thế nhưng, trong thực tiễn thi hành kỷ luật, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra đã có sự linh hoạt khi áp dụng, nghĩa là đã “mềm hóa” các quy định về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi xem xét thi hành kỷ luật Đảng như: Vận dụng vấn đề lịch sử chính trị, nhân thân, yếu tố gia đình để quyết định thi hành kỷ luật dưới khung hoặc hạ mức kỷ luật cho một số đảng viên vi phạm khi xét khiếu nại kỷ luật Đảng.
Để phù hợp với thực tiễn, nên chăng, Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 3 Quy định 181 và Hướng dẫn 09-HD/UBKTTW theo hướng “cứng” và “mở” tương tự các chế định về tăng nặng, giảm nhẹ trong các Điều 46, 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 theo hướng có lợi hơn cho đảng viên vi phạm. Cụ thể là, khi xét thi hành kỷ luật đảng hoặc giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra không được xem các tình tiết khác, ngoài 11 tình tiết quy định tại Khoản 2, Điều 3 Quy định 181 là tình tiết tăng nặng. Còn đối với Khoản 1, Điều 3 Quy định 181 thì nên quy định theo hướng mở: Khi xem xét thi hành kỷ luật hoặc xét giải quyết kỷ luật Đảng, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra có thể xem các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi trong quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật.
PHẠM DÂN