Gốm cổ Bình Ðịnh: Cần thêm những đánh giá khoa học, đa chiều
Trong chuyến công tác về Bình Ðịnh vào cuối năm 2016, PGS.TS Bùi Minh Trí đã cung cấp những thông tin mới, đặt ra những vấn đề nghiên cứu về các hiện vật gốm cổ Bình Ðịnh hiện đang được trưng bày ở nước ngoài, thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), là một trong những chuyên gia nghiên cứu gốm cổ hàng đầu Việt Nam. Cách đây hơn 20 năm, ông đã về Bình Định nghiên cứu về gốm, có thời gian tham gia khai quật 3 lò gốm cổ... Từ đó đến nay, ông dành cho gốm cổ Bình Định rất nhiều sự quan tâm.
PGS.TS Bùi Minh Trí và chiếc vò gốm cổ Bình Định còn nguyên vẹn ở nhà một người chơi đồ cổ ở Quy Nhơn, theo ông, tại các bảo tàng, bộ sưu tập lớn ở Philippines ông đã nhìn thấy nhiều chiếc vò tương tự.
1.
Năm vừa qua, PGS.TS Bùi Minh Trí đã có chuyến nghiên cứu về gốm cổ Việt Nam tại Philippines, Indonesia, qua đó phát hiện thú vị về những cổ vật có mối liên quan đến gốm cổ Bình Định chưa từng xuất hiện trong các tài liệu nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam.
Tại Bảo tàng Ayala nổi tiếng ở Philippines, PGS.TS Bùi Minh Trí thấy trưng bày một bình gốm rất đẹp, từ phong cách men, quai, đến hoa văn đều thể hiện phong cách gốm cổ Bình Định. Tuy nhiên, với sự thận trọng, ông cho rằng cần thêm những luận cứ khoa học để chứng minh về nguồn gốc chiếc bình...
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, không chỉ ở Bảo tàng Ayala, tại nhiều nơi khác ở Philippines còn có nhiều vò gốm rất đẹp cũng mang một số nét đặc trưng của gốm cổ Bình Định. Trong chuyến đi đến Bình Định vừa qua, đến nhà một người chơi đồ cổ ở TP Quy Nhơn (đề nghị không nêu tên), ông Trí phát hiện một vò gốm tương tự, đặc biệt còn nguyên vẹn. Ngay cả người đang sở hữu cũng rất bất ngờ, ông cho biết chiếc vò ấy ông mua từ một ngư dân tìm thấy ở ngoài khơi, lâu nay nhiều người sưu tầm cổ vật vẫn cho rằng chiếc vò có nguồn gốc là gốm Trung Hoa...
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết: Tôi đến nhà một người nổi tiếng ở Indonesia, ông ta sở hữu một bộ sưu tập gốm lớn và đa dạng bậc nhất quốc gia này. Tại đây có rất nhiều cổ vật mà cả ông ta cũng như nhiều người vẫn cho rằng là gốm Trung Hoa. Nhưng tôi đã phân tích cho ông thấy những đặc trưng của kĩ thuật men và hoa văn trang trí rất đặc trưng của gốm cổ Bình Định - Việt Nam... Và thật ra, những cổ vật ấy có giá trị cao hơn rất nhiều so với hình dung lâu nay của ông ấy. Nghe tôi thuyết phục, ông ấy đồng tình và đem bình gốm này ra trưng bày ở không gian trang trọng hơn!”.
PGS.TS Bùi Minh Trí kể, khi tìm hiểu các cổ vật ở bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân và trao đổi với các nhà nghiên cứu Hiệp hội nghiên cứu gốm của Philippines, Indonesia, thấy tại quốc gia này còn có nhiều bình gốm rất độc đáo, có chất liệu men, kĩ thuật, hoa văn... mang những nét đặc trưng của gốm cổ Bình Định, nhưng lại có kiểu quai, miệng... khá lạ, hoặc có những hoa văn, hình ảnh trang trí khác lạ so với gốm cổ Bình Định đã được tìm thấy ở Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định rằng có nhiều điều về gốm Bình Định ta hoàn toàn chưa biết, chưa vươn tới.
PGS.TS Bùi Minh Trí giới thiệu về bình gốm cổ ở Indonesia được nhận định ban đầu có nguồn gốc Bình Định và ảnh phóng lớn hoa văn trang trí bình gốm cổ (1) giống hoa văn phần chân đế ở tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) (2).
2.
Những thông tin mới của PGS.TS Bùi Minh Trí phần nào tiếp tục bổ sung thêm những vấn đề mà giới nghiên cứu trong nước và quốc tế đã rất quan tâm lâu nay. Đó là giải mã nhiều bí ẩn về những sản phẩm gốm cổ có nguồn gốc do những cư dân sống trên mảnh đất ngày nay là Bình Định sản xuất.
“Lãnh đạo Sở VH-TT ủng hộ ý tưởng tổ chức hội thảo quốc tế về gốm tại Bình Ðịnh, chỉ đạo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành thời gian tới họp bàn thêm, xây dựng kế hoạch đề xuất cụ thể. Nếu như hội thảo được tổ chức, sẽ là cơ hội quý giá để Bảo tàng chúng tôi nhờ các nhà nghiên cứu tên tuổi, các nhà sưu tập trên thế giới có sự thẩm định về nguồn gốc, đánh giá về giá trị của nhiều hiện vật gốm ở Bảo tàng, cũng như nhờ họ tư vấn, hỗ trợ trong việc nâng cao hiệu quả trưng bày, quảng bá các hiện vật”.
Ông NGUYỄN VĂN NGỌC, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh
Gốm cổ Bình Định từng có thời kì được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Nhiều hiện vật gốm cổ Bình Định hiện đang trưng bày ở nhiều bảo tàng tại các nước Đông Nam Á và cả châu Âu. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một cách bài bản về các hiện vật này, nhằm khẳng định một cách toàn diện, đầy đủ những giá trị độc đáo của gốm cổ Bình Định đến nay vẫn chưa làm được.
Dấu tích của 5 lò gốm cổ hiện còn trên địa bàn tỉnh, cùng những cuộc khai quật các di tích văn hóa Chămpa có liên quan như hai cuộc khai quật Thành Cha trong các năm gần đây, đã đặt ra rất nhiều “câu hỏi hay” chờ được giải đáp về chủ nhân cũng như sự hình thành và phát triển của các lò gốm này.
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết: “Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành mong muốn phối hợp tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về gốm cổ Bình Định vào tháng 8.2017 tại Hà Nội hoặc Bình Định. Cuộc hội thảo này sẽ mời nhiều chuyên gia về gốm có tên tuổi trên thế giới, đặc biệt là thành viên các Hiệp hội nghiên cứu gốm ở các nước châu Á. Qua đó, mới có những đánh giá một cách khoa học, đa chiều về dòng gốm độc đáo này. Thông qua Hội thảo, cũng có thể tạo mối liên kết mượn các hiện vật gốm cổ Bình Định ở nước ngoài về trưng bày trong nước và ngược lại”.
HOÀI THU