Thuốc lá làm tiêu tốn trên 1 ngàn tỉ USD/năm
Thói quen hút thuốc lá làm kinh tế thế giới tiêu tốn hơn 1 ngàn tỉ USD/năm. Đến năm 2030, khoảng 1/3 dân số thế giới sẽ tử vong vì thói quen này - một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện Ung thư quốc gia Mỹ công bố hôm nay (10.1) cho biết.
Phí tổn do thuốc lá gây ra lớn hơn nhiều so với tiền thuế mà nó mang lại. Theo ước tính của WHO, phí tổn này lên tới xấp xỉ 269 tỉ USD trong năm 2013-2014.
"Đến năm 2030, số trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá sẽ tăng từ khoảng 6 triệu người/ năm lên khoảng 8 triệu người/năm; 80% trong số đó ở các nước thu nhập thấp và trung bình" - nghiên cứu cho biết.
Khoảng 80% số người hút thuốc hiện nay đang sống ở những nước như vậy. Mặc dù mức độ phổ biến khói thuốc ở dân số toàn cầu giảm nhưng tổng số người hút thuốc lá trên toàn thế giới đang gia tăng.
Các chuyên gia y tế cho rằng thuốc lá là nguyên nhân tử vong đơn lẻ lớn nhất có thể ngăn ngừa được trên thế giới.
Thuốc lá làm tiêu tốn hơn 1 ngàn tỉ USD mỗi năm, dưới dạng chi phí chăm sóc sức khỏe và mất sức lao động - nghiên cứu khẳng định.
Phí tổn kinh tế do thuốc lá gây ra dự báo sẽ tiếp tục tăng. Dù chính phủ các nước đã xây dựng nhiều biện pháp giúp giảm hút thuốc lá cũng như các trường hợp tử vong liên quan đến khói thuốc, phần lớn đều không sử dụng những biện pháp này hiệu quả.
Báo cáo kêu gọi thực thi các chính sách ít tốn kém và hiệu quả như tăng thuế và giá bán thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá, in hình ảnh cảnh báo về mối nguy hại của thuốc lá lên bao bì, cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng….
Tiền thuế thu được từ thuốc lá có thể sử dụng để chi cho các hoạt động can thiệp tốn kém hơn, chẳng hạn như chiến dịch truyền thông chống hút thuốc lá, hỗ trợ cho chương trình cai nghiện thuốc lá.
Trong năm 2013-2014, chính phủ các nước chi chưa đầy 1 tỉ USD cho hoạt động kiểm soát thuốc lá - WHO ước tính.
Quy định kiểm soát thuốc lá đang ở giai đoạn quyết định bởi vụ kiện do Cu Ba, Indonesia, Honduras, Dominica đứng đơn nhằm vào Australia. 4 nước này phản đối bộ luật của Australia nghiêm cấm in logo đặc trưng và nhãn hiệu màu sắc lên sản phẩm thuốc lá. Thay vào đó, bao bì thuốc lá phải có thiết kế trắng trơn chuẩn hóa.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ ra phán quyết về vụ tranh chấp thương mại này trong năm nay. Các nước có chính sách tương tự như Australia, gồm Na Uy, Slovenia, Singapore, Canada, Bỉ và Nam Phi đang theo dõi sát sao diễn biến của vụ kiện.
Tố Uyên (Theo Reuters)