Mùa lễ hội 2017: Hạn chế bạo lực, phản cảm
Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vào chiều ngày 10.1, tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)
* Không chọi trâu, chém lợn, cướp phết
Theo báo cáo của Bộ VH,TT&DL, trong mùa lễ hội năm 2016 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một số địa phương vẫn tổ chức hội chọi trâu mà không phải là lễ hội truyền thống của địa phương, như tại huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang (Hà Giang), huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), huyện Hớn Quản (Bình Phước)… Ngoài ra, tại một số lễ hội vẫn có hoạt động mang tính bạo lực, hiện tượng chen lấn xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định.
Trước tình trạng đó, Bộ Trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, năm nay Bộ yêu cầu các địa phương phải hạn chế tối đa những hình ảnh bạo lực, phản cảm. Những lễ hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương sẽ bị loại bỏ hoặc thay đổi cho phù hợp với đời sống hiện tại.
Trả lời báo chí, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết, thanh tra Bộ sẽ kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm tại những lễ hội để xảy ra hành vi phản cảm. Một số lễ hội chọi trâu sẽ không được cấp phép tổ chức. Với những lễ hội có yếu tố hiến sinh như Lễ hội Chém lớn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), BTC lễ hội sẽ tìm ra phương pháp tổ chức phù hợp hơn nhằm bảo đảm giữ nét truyền thống, loại bỏ hình ảnh bạo lực. Với một số lễ hội có hoạt động tranh cướp như Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), hay có nghi thức cướp giò hoa tre như ở Hội Gióng (Hà Nội), Bộ đã yêu cầu BTC phải có biện pháp tổ chức hợp lý; những làng tham gia nghi thức này sẽ được may trang phục và thực hiện hành động “tranh cướp” giống như một trò chơi chứ không để xảy ra tình trạng tranh cướp tự phát, làm phát sinh hành động có tính bạo lực của những người dự hội.
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục Trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở cho biết thêm: Không chỉ nghiêm khắc với công tác tổ chức lễ hội chọi trâu mà ngay cả với những lễ hội chọi dê, đua chó…, nếu có yếu tố bạo lực, phản cảm thì cũng sẽ không được cấp phép tổ chức.
* Các địa phương cam kết tổ chức lễ hội văn minh
Tại hội nghị, đại diện của các địa phương đã có mặt và cùng cam kết góp phần tổ chức một mùa lễ hội văn minh, an toàn. Đại diện Sở VH-TT tỉnh Phú Thọ (địa phương có hai lễ hội gây nhiều tai tiếng trong những năm qua là Lễ hội Cầu trâu và Lễ hội cướp phết Hiền Quan) cho biết, cơ quan quản lý đã thảo luận với cộng đồng, quyết định năm nay sẽ không có hình thức đập đầu trâu, thay vào đó là một hình thức diễn xướng không thể hiện tính bạo lực. Sở VH-TT tỉnh Phú Thọ đã đề nghị chính quyền địa phương và BTC Lễ hội cướp phết Hiền Quan tăng cường công tác an ninh và, năm nay, hoạt động cướp phết sẽ chỉ diễn ra giữa những đội chơi của dân làng, khách du lịch sẽ không tham gia tranh phết.
Đại diện Sở VH-TT tỉnh Nam Định, đia phương quản lý nhiều lễ hội lớn, trong đó có Lễ hội Đền Trần, Chợ Viềng, Phủ Dày, Chùa Keo cũng cho biết, cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương sẽ nỗ lực thực hiện giải pháp đã đề ra nhằm bảo đảm mùa lễ hội năm 2017 diễn ra an toàn, đem lại niềm vui cho nhân dân sở tại và du khách.
Hà Nội là địa phương có nhiều di tích và lễ hội lớn. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017; giao cho các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức phần lễ và phần hội; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; giữ gìn và bảo vệ các di tích; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, cờ bạc dưới mọi hình thức. UBND Thành phố cũng yêu cầu xử lý triệt để các hành vi vi phạm về kinh doanh ăn uống, có giải pháp phù hợp để bảo vệ môi trường, có chế tài xử phạt các hành vi xả rác thải tại lễ hội… UBND TP Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành nhằm tiến hành kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc tổ chức các lễ hội, đặc biệt là với những lễ hội lớn như: Lễ hội Đống Đa, Chùa Hương, Đền Sóc, Cổ Loa, Đền Và...
Mùa lễ hội 2017 đang đến gần, các địa phương đang gấp rút chuẩn bị phương án tổ chức để đón và bảo đảm an toàn cho lượng lớn du khách dự lễ hội. Với nhiều biện pháp đã được đề ra nhằm loại bỏ những hình ảnh, hành động gây phản cảm, có tính bạo lực, hy vọng mùa lễ hội năm 2017 sẽ diễn ra văn minh, an toàn, góp phần kích cầu du lịch như mong mỏi của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL.
Theo Hoàng Quyên (HNM)