Về một cuốn sách xuất bản tại Quy Nhơn đầu thế kỷ XX
Ngay từ đầu thế kỷ XX, trong số sách báo quốc ngữ được xuất bản bởi Imprimerie de Quinhon đã có một số ấn phẩm dành riêng cho trẻ em. Trong số đó, “Bài Vẽ - Hoạch” là một cuốn sách có giá trị về nhiều mặt, nhất là về giáo dục đạo đức, ứng xử cho trẻ em.
Tác giả cuốn sách kể trên là ông Huỳnh Trước, một tín đồ Thiên Chúa giáo sinh trưởng ở Nam Bộ. Sách xuất bản vào năm 1927, tại Quy Nhơn. Toàn bộ nội dung của cuốn sách được tác giả trình bày trong 38 trang, gồm 30 câu chuyện về cuộc sống trong gia đình và xã hội. Đây thật sự là một tư liệu quý về nhiều mặt - ngôn ngữ, văn hóa và văn chương Việt Nam đầu thế kỷ XX.
“Bài Vẽ - Hoạch” - một cuốn sách có giá trị về nhiều mặt, do nhà in Qui Nhơn - Imprimerie de Quinhon ấn hành.
Trong mục “Ớ trẻ con!” - một dạng của lời nói đầu, tác giả cho biết mục đích biên soạn cuốn sách này. Theo ông, các em là lớp người “hay vui - cười, chơi - nhỡn, tọc mạch” song chưa biết “để trí nghĩ - suy” về “những điều hằng xem - thấy trước mặt”. Vì vậy, để “trí khôn được tường hiểu”, thâu nhận được “tình ý loài thọ - sanh” thì các em nhất thiết phải học hỏi, lắng nghe lời dạy bảo của những người đi trước. Như vậy, cốt lõi giá trị của “Bài Vẽ - Hoạch” chính là tinh thần giáo dục, khai tâm, khai trí, giúp trẻ em phát huy những năng lực tốt đẹp vốn có của bản thân.
Trong phần gia đình, tác giả kể chuyện “Cái nón cũ”, “Đứa nhỏ đau”, “Ông nội tôi chết”, “Bà tôi”… Ngoài xã hội, ông kể chuyện “Lão say rượu”, “Ngày Tết”, “Khe suối”… Nhìn vào hệ thống tiêu đề nói trên, có thể thấy, người kể chuyện không có ý dẫn dắt tuổi thơ đi vào thế giới kì bí hay tôn giáo mà hướng vào những sự việc, những con người trong cuộc sống thường ngày. Có thể nói, quan điểm giáo dục của tác giả ở cuốn sách này hoàn toàn phù hợp, tích cực.
Những chuyện kể trong cuốn sách đều ngắn gọn, có sự kết hợp linh động giữa “kênh chữ” và “kênh hình” (tranh minh họa), giữa kể và tả, giữa biểu đạt và biểu cảm… Sự kết hợp này đã khiến cho “Bài Vẽ - Hoạch” trở nên sống động, có đường nét của hiện thực và giàu màu sắc tình cảm.
Một trang nội dung của “Bài Vẽ - Hoạch”.
Cuốn sách chứa đựng nhiều thông điệp cuộc sống hữu ích đối với trẻ em, không chỉ thời trước mà ngay cả trong thời hiện tại. Ưu điểm của cuốn sách này là tác giả sử dụng lối trò chuyện tâm tình, không lên giọng giáo huấn như chúng ta vẫn thường thấy ở một số sách dạy trẻ khác. Hầu hết những chuyện ông kể đều là kết quả của trải nghiệm và quan sát của bản thân trong thời thơ ấu cũng như lúc đã trưởng thành. Sau khi mô tả ngắn gọn sự việc, ông đều khép câu chuyện của mình bằng một nhận xét có tính toát yếu, cũng có khi là một cảm xúc của bản thân. Do đó, bài học làm người mà cuốn sách đặt ra thường nằm ở các đoạn kết câu chuyện.
Khi đọc những câu chuyện của tác giả Huỳnh Trước, các em sẽ thu hoạch được một vốn từ vựng kha khá về gia đình, xã hội, phong tục và thế giới tự nhiên. Các em cũng học được cách miêu tả sự vật, hiện tượng, cách làm giàu yếu tố biểu cảm, một khó khăn mà bất cứ học trò nào cũng gặp phải khi học tập làm văn.
"Cốt lõi giá trị của “Bài Vẽ - Hoạch” chính là tinh thần giáo dục, khai tâm, khai trí, giúp trẻ em phát huy những năng lực tốt đẹp vốn có của bản thân”
Cuốn sách quả đã cung cấp nhiều bài học hữu ích về kỹ năng sống, về những phẩm chất đạo đức mà bản thân mỗi cá nhân cần đạt được trên tư cách một con người của gia đình và xã hội. Vào thời điểm ra đời, cuốn sách có lẽ đã được các độc giả nhỏ tuổi đón nhận với tất cả niềm vui sướng, cảm thấy được thỏa mãn nhu cầu giải trí, phát triển ngôn ngữ và giáo dục đạo đức, nhân cách. Ngày nay, “Bài Vẽ - Hoạch” còn cho chúng ta thấy được phần nào diện mạo tiếng Việt quốc ngữ những năm đầu thế kỷ XX, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nó trong gần một thế kỷ qua.
Tác giả Huỳnh Trước đã xây dựng nội dung cuốn sách trên tinh thần hài hòa, hướng tới những vấn đề giáo dục căn bản nhất, phổ quát nhất mà bất cứ tôn giáo, dân tộc nào cũng đều coi trọng. Nhờ vậy, tác phẩm của ông có khả năng mở rộng độc giả, trở thành cuốn sách của trẻ em bất cứ thời đại nào…
Bình Ðịnh được xem là một nơi phôi thai chữ quốc ngữ, có nhà in Làng Sông (một tên gọi khác của nhà in Qui Nhơn - Imprimerie de Quinhon) - một trong những nhà in sớm nhất ở Việt Nam. Chính tại nhà in này, nhiều ấn phẩm sách báo quốc ngữ đã được xuất bản, góp phần tích cực vào việc phổ biến, đưa lại sự thắng thế của chữ quốc ngữ trong bối cảnh nền văn hóa chuyển sang phạm trù hiện đại.
LÊ NHẬT KÝ