Hà Ra - Di tích thương cảng cổ
Ngày xưa, Bình Định nổi tiếng với những cảng cổ có từ thời các vương triều Champa kéo dài đến tận những thế kỷ sau này. Có thể kể đến một vài cảng thị tiêu biểu: Hà Ra (Phù Mỹ), Nước Mặn (Tuy Phước), Thị Nại (Quy Nhơn)…
Trong số đó, Hà Ra giữ một vị trí tương đối quan trọng dù kết quả nghiên cứu còn khá ít ỏi. Các cuộc khai quật đã phát hiện được khá nhiều hiện vật, trong đó phải kể đến bộ sưu tập tiền đồng, đồ gốm phong phú, là bằng chứng sinh động cho sự trao đổi buôn bán từ nhiều vùng đất khác nhau và qua nhiều thời kỳ khác nhau diễn ra tại nơi này.
Một số tiền đồng phát hiện tại cảng cổ Hà Ra.
Có thể liệt kê ra các bộ sưu tập tiền đồng qua các thời kỳ như: Đầu tiên là bộ sưu tập tiền các triều đại Trung Quốc (triều nhà Đường có tiền Khai Nguyên thông bảo, triều nhà Tống có nhiều loại tiền, tiêu biểu như Tống Nguyên thông bảo, Cảnh Đức nguyên bảo… thuộc niên đại từ thế kỷ X - XIII; thứ đến, là bộ sưu tập các loại tiền của triều đại phong kiến Việt Nam như: Gia Long thông bảo, Minh Mạng thông bảo thuộc thế kỷ XIX... Ngoài ra, tại đây còn phát hiện rất nhiều đồ gốm như bát, dĩa, bình, cốc, hũ… của Champa, Trung Quốc.
Nghiên cứu các loại tiền cổ xuất hiện tại đây giúp chúng ta hình dung được quy mô trao đổi buôn bán ở đây. Việc xuất hiện nhiều loại tiền Trung Quốc có niên đại rất sớm như tiền Khai nguyên thông bảo - thời kỳ Đường Cao Tổ (Vũ Cốc), thế kỷ VII và các triều đại sau đó cho phép ta nhận định về sự giao lưu buôn bán giữa Trung Quốc và Champa đã có từ rất sớm trong lịch sử. Sự giao thương buôn bán ở đây còn được duy trì đến tận thế kỷ XIX dưới thời các triều nhà Nguyễn.
Sự xuất hiện và hoạt động lâu dài của các cảng thị tại Bình Định nói riêng và dải đất miền Trung nói chung là một minh chứng cho sự phát triển của thương nghiệp tại vùng đất này trong lịch sử.
NGUYỄN VIỆT