Cảnh báo dịch bệnh lây qua đường ăn uống trong mùa đông xuân
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, vào mùa đông xuân, các dịch bệnh như cúm, sởi, rubella, quai bị, sốt xuất huyết, tay chân miệng... thường gia tăng nhưng đáng lo ngại là các dịch bệnh lây lan qua đường ăn uống, nhất là liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp, cúm và ngộ độc rượu.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, mùa đông xuân cũng là thời điểm Tết Nguyên đán và nhiều lễ hội đầu năm nên lượng thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ tăng đột biến.
Trong khi đó tình trạng vận chuyển, buôn bán, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn nhiều khó khăn và chưa chặt chẽ, tình trạng giết mổ, kinh doanh gia cầm, gia súc ốm chết vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, thói quen ăn tiết canh heo khiến số người bị liên cầu khuẩn heo thường tăng cao, đặc biệt vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Đây là bệnh có số bệnh nhân mắc không nhiều như các bệnh khác nhưng tỷ lệ ca nặng, tử vong rất cao.
Theo một số chuyên gia y tế, bệnh liên cầu khuẩn heo có thể dẫn đến tàn phế và tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%. Những người bị mắc bệnh tử vong còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Hơn nữa, ban đầu bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.
Để phòng bệnh cúm gia cầm, không nên ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc
Người từng nhiễm liên cầu khuẩn heo vẫn có thể mắc lại. Do đó, người dân cần cảnh giác với bệnh liên cầu khuẩn heo, tuyệt đối không nên ăn tiết canh heo, thịt heo sống, giết mổ heo bệnh, ốm chết để tránh bị nhiễm khuẩn liên cầu.
Đối với dịch cúm, trong năm 2016, nước ta ghi nhận lưu hành của cúm A và cúm B, trong đó cúm A(H3) chiếm 46,1% số ca mắc, cúm B chiếm 35,8%, cúm A/H1N1 chiếm 18,2%. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận cúm A/H7N9 và cúm A/H5N6 nhưng nguy cơ dịch cúm bùng phát vào mùa đông xuân rất cao.
Để phòng chống bệnh cúm mùa nói chung, cúm gia cầm nói riêng và liên cầu khuẩn, người dân không nên ăn thịt gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, trong năm 2017, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giao lưu đi lại của người dân giữa các quốc gia, đô thị hóa rõ nét, biến đổi khí hậu và tập quán của người dân. Do đó, ngành y tế sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng. Phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện để phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý kịp thời.
Theo MINH KHANG (SGGP)