Từ quán rượu “Thủy Hử” tới quán “Bến Xe” Quy Nhơn
Cũng nói thật, trong thời gian thường xuyên ngồi ở cái quán rượu nghèo tới mức không thể nghèo hơn này, tôi không hề biết quán còn được các bạn nhậu đặt tên là “quán Thủy Hử”. Mãi bao nhiêu năm sau, nghe nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha kể chuyện về xuất xứ tên quán, mới biết. Còn hồi mới hòa bình, tôi chỉ biết và hay gọi quán này là “quán rượu 109 phố Huế, Hà Nội” - đúng như địa chỉ của quán.
1. Năm 1975. Hòa bình. Mới từ Sài Gòn ra Hà Nội, cơ quan cũ đã giải thể, tôi được cấp trên cho đi an dưỡng. Mục đích chỉ đơn giản là để tôi… có lương.
Tôi xuống trại an dưỡng Hải Dương, suốt ngày đá bóng và đóng gạch, cơm hai bữa tương đối khá, nhưng buồn. Thế là tôi tranh thủ bất cứ lúc nào rảnh xin chỉ huy trại cho về Hà Nội. May là thầy má tôi trước khi về quê ở Mộ Ðức-Quảng Ngãi có để lại cho tôi chiếc xe đạp “Praha” Tiệp, dặn là khi nào được về Nam thì đem bán rồi đổi ra tiền Giải phóng mang cho thầy má làm nhà. Tôi nhận trách nhiệm nặng nề này một cách vui vẻ! Không còn gia đình ở Hà Nội thì tôi còn bạn bè. Còn mấy quán rượu và bạn rượu. Cứ mỗi lần tôi cắm cúi đạp xe về Hà Nội là một lần cảm thấy ấm áp.
2. Ở Hà Nội hồi ấy không nên gọi những cuộc uống rượu là “nhậu”. Với Hà Nội, chỉ đơn giản gọi là uống rượu, làm mấy chén mà chẳng có gì để “đánh chén”. “Mồi” là một thứ quá xa xỉ trong các cuộc rượu ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Bạn rượu thường xuyên của tôi hồi đó là nhà phê bình Ðịnh Nguyễn. Tên cúng cơm của anh là Bá, quê ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, theo cha tập kết ra Bắc. Khi còn học chung ở Khoa Ngữ văn sơ tán Ðại Từ, Bá là anh chàng bảnh trai bậc nhất trong lớp. Và cũng ăn diện bậc nhất. Sau nhiều năm gặp lại, hóa ra, Bá thành Ðịnh Nguyễn - một nhà phê bình trẻ đầy triển vọng - theo cách nói của các bậc “mét” (maitre). Ðịnh Nguyễn giao du khá rộng trong giới văn nghệ, và thường xuyên “làm vài chén” ở quán rượu 109 phố Huế cùng những “nhà văn nghệ nổi tiếng”. Tôi lúc ấy thuộc dạng “mới nổi” chứ chưa có tiếng tăm gì, nhưng vì tôi là bạn học của Ðịnh Nguyễn, nên nghiễm nhiên có một suất ở 109 phố Huế.
Chủ quán là một bà cụ già phúc hậu. Quán rượu đơn sơ tới mức tối giản: chỉ có bộ phản và vài ba chiếc ghế gỗ nhỏ. Khách có thể ngồi trên phản, hoặc ngồi trên ghế. “Mồi” duy nhất là lạc rang. Rượu quốc lủi thứ thiệt, không phải rượu quốc doanh. Buổi trưa, bụng rỗng mà “làm vài chén” ở đó thì lâng lâng lắm.
Tôi hay gặp ở quán 109 nhà thơ Hoàng Trung Thông, người mà nhà phê bình Lại Nguyên Ân gọi là “bậc… hay rượu”. Ðúng cụ Thông hơi bị… hay thật. Trong giới văn nghệ cụ có “nợ” ai thì tôi không biết, còn trong quán rượu thì cụ là người cực hiền, và không nợ nần gì ai cả, trừ… bà chủ quán. Sau này rất lâu, có lần chúng tôi vào một quán rượu ở phố Trần Hưng Ðạo, gặp cụ Thông đang uống rượu suông với Mỹ Dạ ở đó. Chúng tôi hào sảng nói bao luôn bàn cụ Thông và Mỹ Dạ. Thực ra, uống rượu cuốc lủi, cả bàn chỉ mất vài ba đồng. Nhưng thấy cụ Thông hơi bị vui. Sau đó, cụ còn đề nghị chúng tôi… bao thêm cho cụ vài ba chén nữa. Chúng tôi OK.
Rượu không biết có “bầu lên nhà thơ”(chữ của Lê Ðạt) không, chứ có thể “bầu lên… dân chủ”. Gặp nhau ở quán rượu là tứ hải giai huynh đệ, mời nhau vài chén là xong béng, nợ chủ quán là con gián, còn chửi vung tí mẹt cấp trên là... tiến lên.
Tôi với Ðịnh Nguyễn và vài bạn bè khác hay rượu nhưng dở tiền. Vì thế, tôi chỉ còn đúng hai bộ quân phục cũ, còn quân phục mới được cấp phát đều lần lượt đội nón ra đi. Ðịa chỉ giao dịch là Bờ Hồ, trước cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Áo đại cán sĩ quan được 40 đồng, quần 30, sơ-mi quân nhân 25. Ðó là giá chuẩn. Mỗi lần bán một món là rượu được mấy ngày. Niềm vui thật giản dị, như thơ. Hồi xưa các cụ Lý Bạch Ðỗ Phủ đều bán áo uống rượu, mình không theo truyền thống các cụ thì lấy gì để cách tân? Thơ ở đó, chứ đâu! Hi hi!
Uống rượu nhắm với lạc rang ở quán 109 phố Huế, chuyện trò rầm rì cùng một vài người bạn, bây giờ nhớ lại, tự nhiên cảm thấy như đó là những chén rượu ngon nhất trong đời mình được uống.
3.
Tôi còn nhớ, chỉ dăm năm sau khi ngồi “quán Thủy Hử” 109 phố Huế Hà Nội, số phận lại đẩy đưa tôi về sống ở quê hương Ðịnh Nguyễn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Ðã không ít lần, Ðịnh Nguyễn từ Hà Nội về thăm quê, đều ghé căn phòng 12 m2 của tôi ở khu tập thể Báo Nghĩa Bình số 398 Trần Hưng Ðạo, gần bến xe Quy Nhơn. Trước là thăm hỏi, sau là… lai rai.
Thường chúng tôi hay kéo nhau ra quán rượu bến xe Quy Nhơn gần nhà, cho nó tiện. Lại một quán rượu nghèo, bán vài loại rượu có màu đen đen gọi là “rượu thuốc”. Thỉnh thoảng quán có rượu Bàu Ðá trong vắt và sủi tăm, mùi thơm mới thoảng nghe như mùi lúa chín. Tôi với Ðịnh Nguyễn chỉ thích uống rượu Bàu Ðá, uống suông. Thảng hoặc cũng có mồi, một tờ mực khô nướng hay vài cái nem chợ Huyện - Tuy Phước. Chính món nem được coi là đặc sản ở ngay quê nhà Ðịnh Nguyễn. Mồi như thế, với chúng tôi hồi ấy, là sang. Và không hề mắc tiền. Nhưng phải nói thật, uống rượu Bàu Ðá chỉ ngon nhất khi uống với mực nướng Quy Nhơn hay nem chợ Huyện. Vì những thứ mồi này làm tôn mùi thơm đặc trưng của rượu Bàu Ðá.
Khi Ðịnh Nguyễn từ quê Tuy Phước tập kết ra Bắc, xuống tàu Ba Lan ngay bãi biển Quy Nhơn, anh mới 10 tuổi. Không thể nói hồi ấy Ðịnh Nguyễn đã biết và cảm nhận được cái ngon đặc trưng của rượu Bàu Ðá nhắm với nem chợ Huyện quê anh. Vậy mà sau một phần tư thế kỷ, khi ngồi đối ẩm với tôi ở quán Bến xe Quy Nhơn, lại cảm giác như Ðịnh Nguyễn đã quá thân quen với “cặp đôi hoàn hảo” là rượu Bàu Ðá và nem chợ Huyện.
Nhìn Ðịnh Nguyễn đầy trìu mến, đầy yêu thương khi nâng chén rượu Bàu Ðá, lại nhìn anh sẽ sàng “đi” một chút nem chợ Huyện cùng tép tỏi đưa cay, mới thấm thía thế nào là quê hương, thế nào là nỗi nhớ quê của người tha hương, và thế nào là… rượu Bàu Ðá. Có phải cái “dày” mà Văn Cao từng nhận xét về rượu Bàu Ðá chính là cái “dày” của một tình quê sâu nặng? Dường như với những người Bình Ðịnh tha hương, họ cảm nhận cái độ “dày” này sâu sắc hơn cả từ rượu Bàu Ðá. Một độ dày có thể đo được và không thể đo được.
Bây giờ, đồ uống có cồn không thiếu thứ gì, nhưng uống rượu muốn cho ngon, lại cần không khí. Có thể chỉ là cái quán nhỏ, nhưng nó nằm trong cả một thời đại. Và nằm trong cả một nền văn hóa. Cái “không khí” để mình làm mấy chén rượu, nhiều khi nó vừa cực nhỏ vừa cực lớn như thế.
“Văn hóa rượu” vừa là văn hóa bình dân, vừa là văn hóa tinh hoa là vì vậy.
THANH THẢO