Mấy giọt tháp Chàm
Sau những năm dài bị ẩn khuất bởi nhiều lý do, vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Văn Cao bắt đầu xuất hiện trước công chúng và giới văn nghệ sĩ ở cố đô Huế. Trong chuyến dọc dài miền Trung năm đó, ông đã đặt chân lên đất Quy Nhơn. “Giọt tháp Chàm” của Văn Cao đã “rơi” từ ngày ấy.
Tháp Bánh Ít, huyện Tuy Phước. Ảnh: NGUYỄN CÔNG TÂM
Ðây không phải là lần đầu tiên Văn Cao ngang qua vùng đất này, ông từng theo chân đoàn quân Nam tiến, chở vũ khí bằng tàu hỏa vào mặt trận Nam Trung bộ từ năm 1946. Nhưng chỉ đến khi quay trở lại vùng đất một thời là một trung tâm của vương quốc Chăm, Văn Cao mới chợt nhận ra vẻ đẹp linh diệu của những ngọn tháp Chàm.
Ông viết: “Từ trời xanh rơi vài giọt tháp Chàm”. Chế Lan Viên từng có cả một tập thơ than khóc cho sự hoang phế của những ngọn tháp này nhưng chưa thấy trong mấy chục bài thơ của tập “Ðiêu tàn”, họ Chế nói đến chữ “giọt”. Thế nhưng dưới mắt người nhạc sĩ thiên tài Văn Cao, tháp Chàm đã mang hình dáng của những giọt mưa. Những giọt mưa đã rơi từ trời xanh ngót ngàn năm nhưng vẫn chưa chạm đất. Những ngọn tháp cứ lửng lơ giữa không trung như một thách thức trước thời gian. Vì sao những giọt tháp Chàm ấy đã tồn tại cùng mưa nắng khắc nghiệt của miền Trung ngót ngàn năm? Ðó mãi có lẽ là bí ẩn.
Có lẽ sốt ruột trước sự hoang phế của những ngọn tháp Chăm trải dài từ Quảng Nam đến Bình Thuận, ngành văn hóa đã mở một cuộc marathon để làm công việc trùng tu. Thế nhưng, khi các nhà nghiên cứu bắt tay vào giải mã bí ẩn từ những ngọn tháp Chăm qua việc trùng tu, họ cảm thấy hụt hơi trong cuộc đua này. Họ như lạc vào mê cung của những bí ẩn chung quanh các ngọn tháp ấy. TS. Ðinh Bá Hòa - người đã gắn trọn đời mình với những ngọn tháp Chăm ở Bình Ðịnh - nói rằng, nếu chúng ta cứ làm theo cách của mình trong việc trùng tu như thời gian qua thì không bao lâu nữa, những ngọn tháp sẽ bị xóa sổ. Lí do để có thể đưa đến bi kịch đó chính là sự bí ẩn từ những “giọt tháp Chàm” mà chúng ta không thể giải mã được.
Theo TS. Hòa, cũng cùng một kích cỡ, lấy chất liệu đất sét ở chính vùng đất đó, đem nung trong cùng một nhiệt độ, thế nhưng trọng lượng của những viên gạch Chăm chỉ bằng 60% viên gạch mà chúng ta đang sản xuất ra để trùng tu các tháp. Nó nhẹ vì bên trong mỗi viên gạch Chăm có độ xốp nhất định. Gạch nhẹ nên thoát nước nhanh. Còn vì sao lại nhẹ thì lại là một bí ẩn vậy. Thoát nước nhanh nên viên gạch mới trường tồn cùng thời gian, ít chịu tác động của môi trường khắc nghiệt của miền Trung là mưa lắm, nắng nhiều. Ngọn tháp cao hàng chục thước, cõng trên lưng nó nào đá, nào gạch với một khối lượng khổng lồ, giữa hai viên gạch lại không thấy vôi vữa gì, như thể người Chăm chỉ xếp chồng chúng lên nhau, thế mà chúng vẫn đứng một cách ngạo nghễ cả ngàn năm nay. Bí ẩn ấy luôn thách thức mọi suy đoán của hậu thế.
Ðể cho giống với “nguyên bản”, những người làm công việc trùng tu các tháp bèn khoét lõm hai viên gạch rồi cho xi măng vào giữa trước khi “xếp chồng lên nhau”. Chính việc làm nông nổi này vô tình chúng ta tiếp tay cho sự đổ nát nhanh chóng của các ngọn tháp vì xi măng được cho vào giữa các viên gạch chính là thủ phạm chứa nước mưa làm cho gạch mau thối rữa vậy.
Nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, châu Âu khi nghiên cứu các tháp Chăm đã chỉ ra rằng, cái gì mà chúng ta không hiểu tận ngọn nguồn thì nên để trống hoặc nếu có trùng tu thì người đời sau nhìn vào phải biết được phần đó không phải là nguyên bản, tuyệt đối không nên áp đặt những phỏng đoán nặng tính chủ quan khi trùng tu các tháp cổ.
Cách đây không lâu, khi tiến hành khai quật một đế tháp trong cụm tháp thuộc khu di tích Mỹ Sơn, vì sợ mưa nắng làm ảnh hưởng đế tháp khi lộ ra dưới nắng mưa, những nhà khảo cổ đã cho dựng mái nhà bằng tôn để che cho đế tháp. Chỉ vài hôm sau động thái này, toàn bộ số gạch trong tháp được che nắng ấy đã ngả sang màu khác chứ không còn mang vẻ tươi tắn như trước đó nữa. Cú “trừng phạt” từ những viên gạch ấy đã thêm lần nữa gửi một thông điệp cảnh báo đến các nhà khoa học chuyên trùng tu về tháp Chăm rằng, không nên áp đặt những suy nghĩ chủ quan lên các tháp nếu chúng ta chưa giải mã những bí ẩn của nó.
Sự trường tồn với thời gian như một minh chứng cho những bí ẩn của “giọt tháp Chàm” đã rơi từ trời xanh ngót ngàn năm nhưng vẫn chưa chạm tới cái điều mà hậu thế đã cất công bao năm đi tìm câu trả lời mà vẫn vô tăm tích.
TRẦN ÐĂNG