Nhân vật lịch sử Bình Ðịnh trên sân khấu tuồng, bài chòi
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, Nhà hát Tuồng Ðào Tấn và Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh đã chú tâm khai thác, dàn dựng nhiều vở diễn về các nhân vật lịch sử của quê hương Bình Ðịnh. Qua đó, góp phần khắc họa chân dung và tôn vinh các nhân vật lịch sử, đưa họ đến gần hơn với công chúng.
Nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã xây dựng pho tuồng về người con vĩ đại, bất tử của quê hương: Nguyễn Huệ - Quang Trung, đóng góp to lớn vào việc phát huy những cống hiến lớn lao của phong trào Tây Sơn.
- Trong ảnh: Cảnh trong vở “Trời Nam”.
“TẠC TƯỢNG” BẰNG TUỒNG, BÀI CHÒI
Cuộc đời bình dị, tài năng và công lao to lớn của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã thành nguồn cảm hứng đặc biệt cho sáng tạo nghệ thuật. Trong số trên chục vở tuồng về đề tài phong trào Tây Sơn, Nhà hát Tuồng Ðào Tấn đã chọn ra pho tuồng hoàn chỉnh gồm 6 vở xuất sắc: “Tây Sơn tụ nghĩa”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”, “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, “Trời Nam” và “Ðêm sáng phương Nam”.
“Tôi cảm nhận sâu sắc một điều rằng, từ lịch sử có thể rút ra những bài học, thông điệp có tính muôn đời và rất cần cho cuộc sống đương đại” - nhà viết kịch VĂN TRỌNG HÙNG.
NSƯT Hoàng Ngọc Ðình, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Ðào Tấn, từng nhiều lần nhấn mạnh, Hoàng đế Quang Trung và nhà Tây Sơn luôn bất tử trong ông! Vì vậy, theo ông, pho tuồng 6 vở trên - khép lại bằng vở diễn “Ðêm sáng phương Nam” gắn với chiến thắng hiển hách Rạch Gầm - Xoài Mút - là một chỉnh thể nghệ thuật trọn vẹn.
Nếu sân khấu tuồng thiên về khai thác ở khía cạnh chính trị, tính “hùng” của nhân vật thì sân khấu bài chòi lại phác họa người anh hùng áo vải từ một góc nhìn khác. Trong “Anh hùng với giai nhân” (tác giả Văn Trọng Hùng, Ðoàn Ca kịch bài chòi dựng năm 1999), nói về mối tình giữa Nguyễn Huệ với công chúa Ngọc Hân, người xem như lần đầu biết đến một Nguyễn Huệ thật khác, ở đó cốt cách của người anh hùng - nghệ sĩ hòa quyện, cùng đời sống nội tâm rất người, gần gũi như bao con người bình thường khác.
NSND Hoài Huệ, Trưởng Ðoàn Ca kịch bài chòi, vào vai Nguyễn Huệ và là đồng đạo diễn vở này, chia sẻ hồi ức đẹp về vai diễn: “Từng diễn nhiều vai Nguyễn Huệ - Quang Trung nhưng đó là vai diễn tôi tâm đắc nhất và cũng là nhân vật để lại cho tôi nhiều xúc cảm tươi mới, mạnh mẽ. Tinh túy nhất theo tôi là ở lớp Ðêm tân hôn ở Thăng Long, cô dâu Ngọc Hân trong tâm trạng cô đơn, tủi hờn, chuẩn bị đối diện với một tay “giặc cỏ”, tên võ biền thì chú rể Nguyễn Huệ lại chỉ muốn nghe một khúc đàn của nàng! Chính cốt cách đặc biệt ở người anh hùng áo vải đã nhen lên, làm nảy nở và thăng hoa một tình yêu toàn bích!”.
Với hai vở tuồng riêng - “Ðô đốc Bùi Thị Xuân” và “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc” - cùng sự xuất hiện trong tất cả vở tuồng lẫn bài chòi về đề tài phong trào Tây Sơn, chân dung người nữ tướng tài hoa, khí tiết của triều đại này cũng đã được tô đậm, ngợi ca.
Mạch sáng tạo về nhân vật lịch sử của quê hương tiếp tục được Nhà hát Tuồng Ðào Tấn duy trì, nối tiếp hiệu quả khi năm 2013, đi tiên phong trong làng sân khấu truyền thống cả nước, xây dựng vở diễn về anh hùng Mai Xuân Thưởng - vở “Bông mai đỏ”. Qua vở diễn, đóng góp và sự hy sinh của vị thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Bình Ðịnh cho vận nước thêm một lần được nhắc nhớ.
“Khúc ca bi tráng” là vở diễn bài chòi gây tiếng vang trong làng sân khấu truyền thống cả nước.
THÀNH CÔNG VỚI ĐỀ TÀI LỊCH SỬ
Với bề dày thành tích đạt được tại các kỳ hội diễn, liên hoan, Hội thi Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc hoặc giải thưởng chuyên ngành uy tín của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, sáng tạo kịch bản và xây dựng các vở tuồng, bài chòi trên cơ sở khai thác đề tài lịch sử đã trở thành thế mạnh nổi trội của sân khấu Bình Ðịnh. Góp vào “bảng thành tích” ấy, có nhiều vở về nhân vật lịch sử của Bình Ðịnh.
Theo NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Ðào Tấn, xây dựng hệ thống kịch mục về các nhân vật lịch sử, đề tài của địa phương Bình Ðịnh luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà hát. “Vẫn còn một số nhân vật lịch sử Bình Ðịnh hoặc gắn bó mật thiết với Bình Ðịnh rất hay mà tuồng Bình Ðịnh chưa có dịp khai thác như Lê Ðại Cang, Ngô Văn Sở, Tăng Bạt Hổ, Trần Văn Kỷ… Nhà hát rất mong chờ những kịch bản tốt để dựng … ” - NSƯT Gia Thiện tâm tư.
Ở lĩnh vực bài chòi, thành tích mới và ấn tượng tạo nên từ vở “Khúc ca bi tráng” (tác giả: Văn Trọng Hùng, đạo diễn; NSND Hoài Huệ, Ðoàn Ca kịch bài chòi biểu diễn). Trình làng tại Cuộc thi Sân khấu tuồng và Dân ca kịch Toàn quốc năm 2013, tác phẩm này gây tiếng vang trong làng sân khấu truyền thống cả nước bởi hướng khai thác sáng tạo và dũng cảm, cùng giá trị nội dung tư tưởng cao.
“Khúc ca bi tráng” ca ngợi những tấm gương nghĩa khí của các nhân vật lịch sử ở hai chiến tuyến: một bên là Võ Tánh, Ngô Tùng Châu - đại diện cho nhà Nguyễn; một bên là Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu… - những trung thần nhà Tây Sơn. Những người đối đầu lại gặp nhau ở nhân cách cao cả, ở tư tưởng “dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân, yêu nước”. Trong giao chiến, họ vẫn đối xử với nhau đầy kính trọng và khi hết binh đao, mọi hận thù khép lại, họ trở thành bạn.
Vở diễn đã đoạt nhiều giải thưởng: Huy chương Vàng đầu bảng vở diễn, Giải tác giả xuất sắc nhất tại Hội thi Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc; giải A vở diễn, Giải đạo diễn xuất sắc nhất giải thưởng năm 2013 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Nhà viết kịch Văn Trọng Hùng chia sẻ: “Tôi cảm nhận sâu sắc một điều rằng, từ lịch sử có thể rút ra những bài học, thông điệp có tính muôn đời và rất cần cho cuộc sống đương đại. Ví như, với tứ kịch “dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân yêu nước” và tình bạn ở kiếp sau của hai nhân vật đối đầu, tôi muốn khơi gợi truyền thống đoàn kết, hóa giải hiềm khích, vượt lên hận thù, khác biệt vì mục đích cao cả của dân tộc ta, truyền thống ấy rất cần cho việc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày nay …”.
SAO LY