Một ống cơm lam, nhớ núi rừng
Một ngày đông, tôi có dịp lên huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Trong căn nhà sàn ấm áp bên bếp lửa bập bùng của người Bana ở làng Tà Ðiệt, xã Vĩnh Hảo, món cơm lam ngon ngất ngây đã khiến tôi quên bẵng ngoài kia đang ẩm ướt, lạnh lẽo.
Thấy có khách đến chơi, lại đúng dịp gia đình đang chuẩn bị tiệc, bà Ðinh Thị Do hồ hởi: “Ðã lên tới đây thì phải thưởng thức món đặc trưng của chúng tôi rồi mới về. Món ăn của người Bana tuy đơn giản nhưng cũng độc đáo, tinh tế lắm. Món cơm lam hôm nay cũng không ngoại lệ”.
Cơm lam không chỉ có mặt trong những chuyến đi rừng dài ngày của người Bana mà còn thường trực ở các dịp lễ hội, tiệc tùng và đặc biệt là nhân dịp năm mới. Không như cơm lam của người dân tộc Thái ở Tây Bắc nấu bằng nếp, cơm lam của người Bana ở vùng miền núi Bình Ðịnh được nấu bằng gạo lúa thơm và dẻo.
Nói rồi mẹ con bà Do thoăn thoắt chuẩn bị các nguyên liệu để làm cơm. Chị Mây, con gái bà Do, đi chặt những ống lồ ô xanh mướt sau nhà, cắt khúc và trảy các nhánh con cho gọn gàng, thẳng thớm. Vừa làm, chị Mây vừa giảng giải cho tôi hiểu: “Ðể làm món này, đầu tiên phải lựa những cây nứa, lồ ô mà nhất thiết phải là tươi non vừa phải, bởi ống non quá, khi nấu dễ bị nứt, nhưng nếu già quá thì không còn lớp lụa mỏng bên trong ống, cơm sẽ thiếu đi hương vị độc đáo vốn có. Cho gạo (đã ngâm sẵn với vài hạt muối) vào ống, gạo chừng 3/4 ống là vừa, chế thêm tí nước, rồi dùng lá chuối nút lại. Dựng ống cơm lên bếp và cứ thế giữ đều lửa, trở đều các ống cơm trong lửa khoảng 45 phút đến 1 giờ là cơm chín”.
Giữa bạt ngàn núi rừng, trong ngôi nhà sàn nhỏ, bên bếp lửa bập bùng, mùi của núi rừng, mùi củi bếp, mùi ống lồ ô bén lửa thơm nồng, cùng những tiếng nổ lúp búp phát ra từ các ống cơm lam cứ thế quyện vào nhau tạo nên một không gian bình yên và ấm áp.
Cơm chín. Chủ nhà lấy các ống cơm từ bếp ra, tách nhẹ. Bên trong lớp vỏ lồ ô đã cháy sém là cuộn cơm trắng tinh, mịn màng, đẹp mắt. Mùi thơm dịu nhẹ tỏa ra khiến tôi không thể nào cưỡng lại được, cứ thế thổi phù cho vào miệng. Một vị ngọt thanh, đậm đà lại dẻo, mềm cứ thế cuốn tôi đắm mình vào thế giới ẩm thực rất riêng của người Bana.
Người Bana ở Vĩnh Thạnh thường ăn cơm lam kèm với thịt đút ống. Thịt heo xắt miếng, ướp trước, rồi cũng được cho vào ống lồ ô và nướng trên lửa hồng như cơm lam nên thịt vừa thơm vừa mềm, ăn hoài không thấy ngán. Ăn cơm lam, thi thoảng lại nhâm nhi vài ngụm rượu cần, quả thật không gì thú vị hơn.
Cùng ngồi bên bếp lửa hồng, xoay đều những ống cơm lam chờ chín, tôi bắt gặp cảm giác như mình đang trong một đêm ba mươi Tết nào đó, cùng gia đình ngồi quanh bếp lửa canh nồi bánh chưng chờ trời sáng.
KIỀU ANH