Trong màu khói thiêng...
Lẽ thường, khi tuổi ngày một dày thêm, người ta càng nhớ về quê nhà trong những phút đoàn viên. Cứ mỗi độ gần Tết, trong tôi lại rõ mồn một từng đêm giao thừa ở - nhà - mình. Và những lần đi thăm mộ trong buổi sáng đầu năm mới, tự - tay - mình đốt nén nhang để nghe màu khói len lỏi giữa mênh mông đất trời.
Viếng mộ ông bà ngày đầu tiên của năm mới.
1.
Hầu như các quyển sách về văn hóa vùng miền đều nhắc đến phong tục đón Tết. Ðiểm chung dễ nhận thấy ở cả 3 miền là sau 23 tháng Chạp (ngày ông Táo về trời) đến ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình đều tổ chức đi thăm mộ ông bà, tổ tiên, bởi cũng nghĩ “cao nấm ấm mồ”. Phát cây, dọn cỏ, quét vôi... rồi đơm hoa tươi, bánh trái, làm cho “nhà” của người đã khuất thêm phần tinh tươm để đón năm mới. Rồi chiều ba mươi, nhà nào cũng cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu.
Sáng mùng Một, người người ăn mặc thật đẹp, điểm đến đầu tiên là các nghĩa trang, nghĩa địa. “Vào buổi sáng mùng Một Tết, nhà nhà đều khóa cửa và nghĩa trang luôn đông đảo con cháu đi thăm những người đã khuất”(*).
2.
Tự bao đời, người miền Trung không cầu kỳ mâm ngũ quả bày biện, hay cúng kiếng phải mâm cao cỗ đầy, đủ món này vị kia. Nhưng, với người dân quê tôi, Tết đến không bao giờ thiếu sắc hoa vạn thọ. Có năm mưa tầm tã suốt tháng Chạp, vạn thọ nát hết nên chợ Tết khan hiếm, giá mỗi cây đến hơn bốn chục ngàn đồng. Sắm Tết thứ gì cũng phải nhìn trước ngó sau, nhưng anh em tôi vẫn xông vào giành mua cho bằng được để có bình vạn thọ trên bàn thờ ba và mang ra mộ chiều ba mươi.
Cũng bởi, “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”.
Ba mất khi tôi 12 tuổi. Một năm sau, đến lượt ông nội. Hai người nằm cạnh nhau, giữa động cát quanh năm hun hút gió, bên cạnh là dòng sông êm trôi in bóng dừa xanh ngút ngàn. Từ ngày ấy, chiều ba mươi Tết nào anh em tôi cũng đạp xe ra nghĩa địa, với lỉnh kỉnh cuốc, rựa, đèn dầu... Rồi tỉ mẩn quét dọn, lau chùi đến khi chập choạng.
Buổi sáng đầu tiên của năm mới, mọi ngả đường như đều dẫn về nghĩa trang. Xe máy, xe đạp xếp hàng dày đặc, con đường xuyên động cát đông đúc nhưng không ồn ào. Người già trẻ nhỏ cùng dắt nhau theo từng lối nhỏ, vòng qua những chậu vạn thọ mini. Trong bỗng chốc, tôi lại đưa mắt dõi theo những cô bé, cậu bé chập chững leo hẳn lên thành mộ. Rồi nhận lấy cây nhang từ tay ba, nghiêm cẩn, rì rầm khấn. Có thể, chẳng đủ để hình dung về nghĩa tử nghĩa tận, nhưng ít nhiều những đứa trẻ cũng cảm nhận được không khí thiêng liêng của một vốn quý truyền đời...
3.
Không phải đến Tết tôi mới tìm đến động cát thiêng liêng của quê nhà. Cũng không nhất thiết là ngày Rằm hay mồng Một. Nhân một chuyến công tác, hay bất cứ khi nào thấy lòng nao nao, tôi lại về nơi ấy…
Thắp nén nhang, lặng nghe gió thông thốc thổi qua lòng mình. Từ màu khói huyễn hoặc bay lên, như có từng khuôn mặt. Của người mình chưa từng gặp. Của người in đậm trong suốt quãng đời thơ ấu. Của người thoáng qua dăm ngày ngắn ngủi. Và cả những khuôn mặt tượng hình trong giấc mơ...
Trưa 30 Tết năm ngoái, tôi lòng vòng lên thị trấn để chọn mua bộ lư đồng về thay lên bàn thờ ba. Chiều, lóng ngóng bị xe tông, nằm xuống đường, cứ tưởng sẽ không bao giờ ngồi dậy được nữa. Ðêm giao thừa, anh em tôi cùng ở bệnh viện, nghe từng giây từng phút trôi qua. Lại nhớ đến lúc tôi lui cui thay bộ lư đồng mới, má lên nhìn, ánh mắt người sáng rỡ. Sực nghĩ, sáng mai, lần đầu tiên trong đời mình không ra động cát trong ngày đầu tiên của năm mới.
Lại một năm mới, lại thêm một ngày để tôi về trong màu khói thiêng ấm áp...
Ðôi khi, ta thấy mình cũng thật vớ vẩn...
MAI LÂM
(*): Một số nét độc đáo trong văn hóa vùng miền Việt Nam, Bùi Thu Hiền (biên soạn), NXB. Lao động, H.2016.