Du học chỉ là một khởi đầu…
Ông bà ta có câu “Ði một ngày đàng, học một sàng khôn”, phải chăng chỉ đơn thuần cứ hễ đi du học thì ắt sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt?
Sinh viên Việt Nam tại Đại học Aomori Chuo Gakuin.
Những năm gần đây, số lượng các bạn trẻ theo học tiếng Nhật và có nguyện vọng du học Nhật Bản ngày càng gia tăng. Theo thống kê của tổ chức JASSO (Japan Student Services Organization) Nhật Bản vào năm 2015, số du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với gần 40.000 người, chỉ sau du học sinh Trung Quốc tại Nhật Bản. Còn theo Bộ GD&ÐT Việt Nam, con số này chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số du học sinh Việt Nam đang học tại nước ngoài. Với Bình Ðịnh, hiện đang ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ đến với xứ sở Hoa Anh đào, nhất là từ khi Trường Ðại học Aomori Chuo Gakuin (tỉnh Aomori, Nhật Bản) tuyển chọn và cấp học bổng cho sinh viên Bình Ðịnh.
Tôi đã gặp và có dịp tiếp xúc với nhiều học sinh Bình Ðịnh đang học ở Ðại học Aomori Chuo Gakuin. Yêu thích truyện tranh Nhật Bản, hoa Anh đào hay văn hóa, ẩm thực Nhật Bản... thường là cầu nối để nhiều bạn trẻ đến với tiếng Nhật và tiếp đến là lựa chọn du học Nhật Bản. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra đó là: Sang Nhật Bản để học gì, với mục đích gì?
Nhiều sinh viên chỉ xác định đi du học Nhật Bản là mục đích chính, còn mơ hồ về những dự định tiếp đến sau đó; để rồi khi vướng phải rào cản ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa và ngay cả những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức chuyên môn trong những ngày tháng học tại Nhật Bản, các bạn dần mất đi động lực phấn đấu và cuối cùng là đuối sức trên con đường du học của mình. Những trường hợp này thường chọn cách sống khép mình lại, ngại giao lưu với mọi người xung quanh; ngay cả trong học tập cũng tìm mọi cách để có thể “vớt vát” cho được tấm bằng, thậm chí đối phó thi cử bằng phương pháp gian lận, cuối cùng làm xấu mặt hình ảnh du học sinh Việt Nam khi bị phát hiện. “Thu hoạch” trên con đường du học theo cách này không những uổng phí số tiền cha mẹ dành dụm, chắt chiu cho mình du học, mà còn phụ cả sự tin yêu của thầy cô, bạn bè và kỳ vọng của gia đình.
Nói vậy để thấy, cần xác định du học không phải là mục đích cuối cùng, mà chỉ là bước khởi đầu, là phương tiện để tiếp thu kiến thức bổ ích từ những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, những kinh nghiệm xã hội và kỹ năng mềm trong thời gian du học. Ðó sẽ là bệ phóng cho các bạn trẻ vươn tới những bậc thang mới trên đường đời của mình. Một số ví dụ ở việc định hướng này như “vì có hứng thú với tiếng Nhật nên đi du học để trau dồi khả năng Nhật ngữ, sau này làm chuyên viên ngôn ngữ, công việc liên quan đến thông dịch - phiên dịch”, hay “học hỏi về văn hóa doanh nghiệp và cách thức hoạt động kinh doanh của người Nhật để có nhiều cơ hội làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản sau này”. Xác định mục tiêu rõ ràng không chỉ là động lực cho sinh viên phấn đấu vượt qua những trở ngại trong học tập, mà còn là xúc tác cho việc tích cực tham gia những hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng và giao lưu với người dân bản địa, giúp các em tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và cả những kỷ niệm đáng nhớ.
Nhiều sinh viên Bình Ðịnh đang học tại Trường Ðại học Aomori Chuo Gakuin dù chỉ mới đến với tiếng Nhật trong một thời gian ngắn, nhưng nhờ định hướng tốt cho tương lai và nỗ lực không ngừng, nên các bạn không chỉ đạt điểm cao trong những kỳ thi chứng chỉ tiếng Nhật, mà còn sớm hòa nhập với các bạn sinh viên người Nhật trong việc học và tiếp thu kiến thức chuyên môn như quản trị kinh doanh, luật, kinh tế bằng tiếng Nhật.
Những ngày nghỉ cuối tuần của các bạn thường gắn với những buổi giao lưu văn hóa, cùng nấu ăn với người dân địa phương, hay hoạt động trong dự án ẩm thực mang tên “Hương vị Việt Nam” để giới thiệu ẩm thực Việt Nam, ẩm thực Bình Ðịnh được chế biến bằng chính đặc sản Aomori đến với người dân địa phương.
Ði du học, bước ra thế giới không phải là một con đường trải đầy hoa hồng, mà còn đầy những chông gai và cám dỗ, để thử thách ý chí và nghị lực của du học sinh. Sự định hướng rõ ràng, có hoài bão và nỗ lực không ngừng sẽ dẫn dắt sinh viên đến một tương lai đẹp trên con đường du học và cuộc sống sau đó.
PGS-TS. Nguyễn Chí Nghĩa sinh năm 1982 tại TP Quy Nhơn; là cựu học sinh Trường THPT Quốc học, Quy Nhơn; tốt nghiệp TS. chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Cao học Kinh tế và Quản trị kinh doanh trực thuộc Trường Ðại học Tohoku - một trong các trường đại học hàng đầu Nhật Bản. Hiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Ðại học Aomori Chuo Gakuin (Nhật Bản).
PGS-TS. NGUYỄN CHÍ NGHĨA