Hành trang nào để khởi nghiệp?
Tuổi trẻ thiếu gì và cần trang bị gì trên đường khởi nghiệp, lập nghiệp? Sau đây là suy nghĩ và chia sẻ của anh Ðoàn Thái Kiên - Giám đốc điều hành (CEO) của YouNet Group và anh Nguyễn Văn Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Ða phương tiện Lasta. Cả hai cùng ở tuổi 40, từng theo học trường chuyên ở Quy Nhơn.
Anh Đoàn Thái Kiên và các cộng sự tại YouNet Group.
Anh ĐOÀN THÁI KIÊN:
“TƯ DUY VÀ THÁI ĐỘ CẦN ĐƯỢC XÂY DỰNG ĐẦU TIÊN”
* Nhìn lại 15 năm làm việc trong lĩnh vực digital marketing (tiếp thị số), từ cả những thất bại và thành công, điều gì khiến anh tâm đắc nhất trong hành trang khởi nghiệp?
Anh Ðoàn Thái Kiên có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing và phần mềm, trong đó có hơn 10 năm ở vị trí quản lý. Hiện anh là partner và CEO của YouNet Group (trụ sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), cũng như tham gia điều hành và đầu tư vào các doanh nghiệp với doanh số vài trăm tỉ đồng.
- Chẳng ai có thể thành công mãi. Qua 15 năm làm việc, tôi thấy ngoài tố chất, khả năng, và kinh nghiệm, mỗi thành công đều là kết quả của một quá trình lao động nghiêm túc và cần cù. Nghiêm túc là ở chỗ, với từng công việc, cần xác định rõ trước khi tham gia, mình có thật sự muốn hoặc cần làm việc này không; từ đó định rõ mục tiêu, chiến lược và có kế hoạch rõ ràng; tự đặt quyết tâm cho mình để thực hiện. Cần cù, theo quan sát của cá nhân tôi, cũng là một yếu tố không thể thiếu của thành công. Ðó là sự kiên nhẫn, sát sao trên từng bước của công việc và sẵn lòng đầu tư thời gian, sức lực để điều chỉnh, hoàn thiện và thực hiện bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu ban đầu. Ðây là 2 điều tôi tâm đắc nhất.
Còn về thất bại, tôi nghĩ, mình may mắn có được tinh thần không sợ thất bại và sự bình tĩnh để học được nhiều nhất sau mỗi thất bại và không gục ngã.
* Ðể khẳng định một “chỗ đứng” trong lĩnh vực vốn nhiều cạnh tranh và dễ bị đào thải, theo anh, tố chất nào quan trọng nhất?
- Với tôi, “chỗ đứng” ấy chính là chất lượng dịch vụ và sản phẩm mà mình cung cấp; còn về lâu dài chính là uy tín của thương hiệu được xây dựng qua quá trình kinh doanh.
Ngay từ những ngày đầu đi làm, tôi đã được tiếp cận với môi trường chuyên nghiệp như thế. Bắt đầu từ ngành lập trình, rồi tiếp xúc với ngành xây dựng thương hiệu, sau đó là tiếp thị và hiện tập trung vào lĩnh vực digital marketing (tiếp thị số), tôi thấy mình may mắn khi được học chuyên tiếng Anh từ bậc THPT lên đến trường đại học đầu tiên. Bởi lẽ, công nghệ thông tin và tiếp thị là 2 ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, yêu cầu của thị trường là các nhà cung cấp dịch vụ phải bắt kịp sự phát triển cao nhất, trên bình diện quốc tế. Bởi vậy, chúng tôi phải nghiên cứu, cập nhật không ngừng, với tốc độ và khả năng tiếp thu cao nhất, nếu không muốn bị đào thải.
Tôi nghĩ, không thể tồn tại và phát triển trong lĩnh vực tiếp thị số nếu thiếu khả năng tự nghiên cứu. Và may mắn cho mọi người là khả năng tự nghiên cứu có thể rèn luyện được. Bởi, tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp có xuất phát điểm thấp, khả năng còn hạn chế và chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng đã thành công nhờ sự nghiêm túc, cần cù và không ngừng học hỏi; hơn là thành công dựa trên thiên bẩm hay ưu thế.
* Hiện nay, không ít bạn trẻ cho rằng, chỉ cần học giỏi, ra trường với tấm “bằng đỏ” là đã có thể yên tâm xin việc. Anh nghĩ sao về việc này?
- Theo tôi, khả năng là tố chất phần nhiều do bẩm sinh mà có nhưng vẫn có thể rèn luyện được. Khi chọn người để cộng tác trong công việc, tôi luôn coi trọng yếu tố tư duy (mindset) mà trong đó, khởi điểm là thái độ. Việc một người đặt mục tiêu cho mình là gì, xác định sẽ như thế nào với chính mình, đồng nghiệp và khách hàng theo tôi là quan trọng nhất.
Vì vậy, trở về với việc định hướng cho các bạn trẻ, tôi nghĩ, tư duy và thái độ cần được xây dựng đầu tiên, rồi mới đến kỹ năng. Cơ bản, nếu bạn giỏi mọi việc song bạn chỉ luôn nghĩ và mong tìm kiếm lợi ích mà trốn tránh làm việc, thì đó là một sự lãng phí. Nếu giữa khả năng, tư duy và thái độ trên văn bằng và trong chính một cá nhân không khớp nhau, tấm bằng ấy sẽ chẳng khác gì một tờ giấy bình thường.
Anh NGUYỄN VĂN HOÀNG:
“NHIỀU BẠN TRẺ CHỌN NGHỀ SAI VỀ PHƯƠNG THỨC TIẾP CẬN”
* Từ trải nghiệm của bản thân cũng như qua tiếp xúc với các bạn trẻ, theo anh, nên tận dụng ưu thế tuổi trẻ trong lập nghiệp như thế nào cho hiệu quả?
Anh Nguyễn Văn Hoàng hiện nay là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Lasta (kênh Let’s Viet - VTC9) và đồng sáng lập tổ chức thiện nguyện Chung tay Donation.
- Ưu điểm lớn nhất của tuổi trẻ là có tham vọng và khát khao lớn với những gì mình đam mê, theo đuổi. Tận dụng thế mạnh tuổi trẻ - ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến khía cạnh giảm thiểu rủi ro khi theo đuổi đam mê - nhưng do còn “non” kinh nghiệm và bắt đầu trong “háo hức”, nên nhiều người bỏ qua bước chuẩn bị kỹ lưỡng và đánh giá rủi ro một cách nghiêm túc. Sẽ không có ranh giới rõ ràng giữa đâu là mạnh dạn dấn thân/chấp nhận rủi ro dẫn đến không thành công và đâu là chuẩn bị kỹ lưỡng/đánh giá rủi ro kỹ càng dẫn đến đánh mất cơ hội.
Vì vậy, với các bạn có khao khát lập nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT hoặc đại học, tôi thường khuyên họ nên đi làm thuê vài năm (có thể 5 năm hoặc hơn, tùy ngành nghề) trong lĩnh vực mình theo đuổi. Việc này giúp các bạn được “học việc” trong một hoàn cảnh có phần “an toàn”, tức chưa phải chịu ngay áp lực thành/bại; từ đó, tích lũy kinh nghiệm ở nhiều khâu khác nhau để vận hành doanh nghiệp. Ðồng thời, qua đó, bạn sẽ tích lũy kinh nghiệm trong nhiều khâu khác nhau để sau này vận hành doanh nghiệp, cũng như tích lũy thêm các mối quan hệ. Bên cạnh đó, hãy “chịu làm” (thay chỉ hay “nói suông”) các công tác xã hội, để hiểu thêm ý nghĩa các công việc liên quan đến cộng đồng. Ðiều này, về lâu dài, sẽ có ích khi bạn khởi nghiệp cho bản thân nhưng sẽ luôn nghĩ đến mặt nào đó của sản phẩm của mình sẽ có ích cho cộng đồng; hoặc đôi khi điều đó cũng giúp việc vận hành doanh nghiệp của bạn theo một phương pháp nhân văn hơn, về lâu dài sẽ đóng góp vào giá trị doanh nghiệp của bạn.
* Hiện nay, ngoài kinh doanh, anh là đồng sáng lập Chung tay Donation, chú trọng đến hướng nghiệp cho học sinh THPT và hướng dẫn cho sinh viên (mentoring cho sinh viên - một mô hình hướng dẫn cho từng cá nhân đã phổ biến ở nước ngoài nhưng rất mới mẻ tại Việt Nam). Tại sao anh lại chọn lĩnh vực này?
- Câu trả lời là bởi chúng tôi thấy tình trạng các bạn trẻ đang lựa chọn ngành nghề tương lai cho mình sai cơ bản về phương thức tiếp cận. Học sinh THPT dựa vào việc mình học giỏi môn nào để chọn khối thi, trường thi, mà hầu như không hiểu gì về ngành nghề mình sẽ làm. Hệ quả, nhiều sinh viên không có động lực học tập, nhưng không dám thay đổi ngành giữa chừng vì sợ tốn thời gian, chi phí của gia đình và không vượt qua được sĩ diện của bản thân. Quy trình chọn nghề như vậy đã tạo ra hàng loạt cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng không đủ kiến thức về nghề, thiếu kỹ năng và đặc biệt là không có đam mê với ngành mình đã học. Từ đó, chuyện họ không tìm được việc làm phù hợp là khó tránh khỏi.
Chung tay Donation triển khai chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT với cách tiếp cận khác. Ðó là mời những người đã có kinh nghiệm ở nhiều ngành nghề khác nhau chia sẻ thông tin về nghề nghiệp, giúp học sinh có đủ hơn thông tin về nghề, kết hợp với đam mê và thế mạnh của bản thân (ở đây là thế mạnh về tính cách/cá tính của mỗi người chứ không phải là thế mạnh về môn học ở trường) để quyết định chọn ngành nghề nào.
Sau hơn 1 năm triển khai, Chung tay Donation đã tổ chức được 17 buổi nói chuyện trực tiếp tại các trường THPT, với trên 14.000 học sinh được tiếp cận. Chúng tôi còn tư vấn trực tiếp bằng hình thức gửi câu hỏi online đến trang web của nhóm (http://chungtaydonation.com/vi/dat-cau-hoi/) và đang lên kế hoạch xây dựng website tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin về ngành nghề, cũng như cho phép tương tác nhiều hơn, để học sinh có thể tiếp cận thông tin về nghề nghiệp, lựa chọn ngành.
Còn quá sớm để đề cập đến hiệu quả rõ rệt của chương trình vì chúng tôi xác định đây là một chương trình dài hơi nhằm thay đổi từng bước phương thức tiếp cận đã “ăn sâu” vào suy nghĩ của nhiều bạn trẻ. Với ước tính của chúng tôi, dự kiến có khoảng 40% số lượng học sinh được tiếp cận chương trình này sẽ có những thay đổi trong nhận thức về cách thức lựa chọn ngành nghề. Và phải sau nhiều năm liên tục thực hiện thì mới mong có được sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của các bạn học sinh, cũng như trong chính những đối tượng có liên quan trực tiếp như phụ huynh và giáo viên.
THU HÀ (Thực hiện)