Giữ giá tết!
Gần tết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng mạnh kéo giá cả hàng hóa cũng biến động theo chiều hướng tăng, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc triển khai những giải pháp nhằm giữ ổn định thị trường tết là vấn đề đặt ra cho chính quyền và các ngành chức năng.
Để bình ổn thị trường, tránh giá tăng đột biến, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành công thương và các siêu thị, doanh nghiệp thương mại chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tết, nỗ lực phấn đấu không để xảy ra tình trạng biến động giá quá bất thường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng thời, để ngăn ngừa tình trạng “té nước theo mưa” tăng giá tùy tiện, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra thị trường giá cả, chất lượng; bảo đảm nguồn cung hàng hóa, có kế hoạch phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán nhằm phục vụ người tiêu dùng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, các khu công nghiệp tập trung đông công nhân lao động… để góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chương trình bình ổn thị trường chủ yếu được thực hiện ở các nhà bán lẻ lớn với tỷ trọng khoảng 1/3 khối lượng hàng hóa. Thị phần hàng hóa còn lại chủ yếu qua kênh bán lẻ truyền thống nên giá hàng hóa thường có xu hướng tăng ở kênh này trong những ngày cận tết. Vì vậy, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống. Trong đó, chú ý bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến. Đồng thời cần xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để trục lợi.
Và đã thành thông lệ, cứ vào dịp tết là cước vận tải lại tăng giá, đặc biệt là giá cước vận tải của các xe khách chạy tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh. Ở tỉnh ta, người lao động đi làm ăn, sinh viên học tập tại TP Hồ Chí Minh rất đông, sau khi về quê đón tết cùng gia đình lại chộn rộn chuẩn bị hành trang để trở lại nơi sinh sống, làm việc thường ngày.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại về quê ăn tết của người dân, ngành giao thông và các đơn vị vận tải trên địa bàn đã có kế hoạch bán vé dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, trong khi nguồn cung có hạn nên không phải ai cũng có thể mua được vé đúng theo giá quy định đã đăng ký. Chính vì thế, đây là dịp để các nhà xe ép khách, tăng giá cước vận tải. Trên thực tế, ngoại trừ một vài hãng xe khách lớn thực hiện nghiêm túc quy định các khoản phụ thu thì nhiều hãng nhỏ thường công bố giá vé mập mờ và thực hiện không đúng, thậm chí cao gấp 2-3 lần giá đăng ký.
Vì vậy, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp cao điểm để tăng giá ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá… Đặc biệt là cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng công an, giao thông và ngành tài chính để xử lý các hành vi tăng giá vé trái với quy định của Nhà nước.
Tết đã cận kề. Việc nỗ lực để bình ổn giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sẽ giúp người dân có thể đón tết, vui xuân một cách trọn vẹn và bình an.
H.Đ