Trùng thẻ BHYT:
Lỗ hổng quản lý
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra, rà soát việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT trên địa bàn tỉnh năm 2011 và 2012. Kết quả, toàn tỉnh có 12.705 thẻ cấp trùng, với số tiền đóng, hỗ trợ hơn 5,4 tỉ đồng.
Mạnh ai nấy làm
Theo ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, đa số các thẻ BHYT bị cấp trùng là do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Các thẻ bị cấp trùng chủ yếu ở nhóm đối tượng: người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, thân nhân quân đội và trẻ dưới 6 tuổi.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc in và phát hành thẻ BHYT cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau chưa hỗ trợ đắc lực cho việc tìm kiếm những thông tin xác định về đối tượng bị trùng.
- Trong ảnh: In thẻ BHYT tại BHXH tỉnh.
Chỉ riêng đối tượng thuộc hộ nghèo, trong 3 năm (2010-2012), đã có 17.602 thẻ BHYT bị cấp trùng khiến ngân sách nhà nước “rót” nhầm hơn 3,5 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2011, số thẻ bị cấp trùng với đối tượng thuộc hộ nghèo lên đến 8.873 thẻ (cao gần gấp đôi so với năm 2010 và 2012). Ông Trần Văn Trung lý giải: “Năm 2011, danh sách trẻ em dưới 6 tuổi được cấp xã chuyển thẳng cho cơ quan BHXH cấp huyện mà không qua phòng LĐ-TB&XH, nên việc rà soát càng khó khăn. Cuối năm 2011, BHXH tỉnh và Sở LĐ-TB&XH đã có rà soát, chấn chỉnh nên tình hình được cải thiện phần nào”.
Lâu nay, chưa có một đơn vị, tổ chức nào được giao nhiệm vụ “xâu đầu mối” trong việc lập danh sách người có thẻ BHYT. Danh sách trẻ dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo do UBND xã, phường lập; danh sách người có công do phòng LĐ-TB&XH lập; thân nhân quân đội do BHXH Bộ Quốc phòng trực tiếp cấp thẻ; học sinh, sinh viên do nhà trường lập danh sách… Theo ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, chính vì “loạn đầu mối” nên việc thống nhất, rà soát danh sách cấp thẻ gặp nhiều khó khăn. Các cán bộ liên quan ở một số địa phương, ban, ngành liên quan cũng chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện, quy trình in và cấp thẻ, khâu rà soát tránh hiện tượng trùng thẻ BHYT chưa được thực hiện tốt. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc in và phát hành thẻ cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau cũng chưa hỗ trợ đắc lực cho việc tìm kiếm những thông tin xác định về đối tượng bị trùng.
Việc cấp trùng thẻ không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT.
- Trong ảnh: Khám bệnh cho bệnh nhân BHYT tại BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Một nguyên nhân khác cũng đáng lưu tâm là ý thức của người được hưởng chế độ ưu đãi về BHYT. “Mỗi người chỉ cần 1 thẻ BHYT để khám chữa bệnh, nhưng khi xảy ra nhầm lẫn, được nhận nhiều hơn một thẻ thì hầu như chẳng ai lên tiếng, báo lại cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh”, ông Trần Văn Trung cho biết.
Cần giải pháp căn cơ
Trong số 11 huyện, thị xã, thành phố, huyện Hoài Nhơn là nơi có nhiều thẻ BHYT bị cấp trùng nhất. Trong 2 năm 2011 và 2012, toàn huyện có 2.634 thẻ bị cấp trùng. Theo Giám đốc BHXH huyện Hoài Nhơn Mai Xuân Thơm, số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT trên địa bàn là lớn. Chỉ riêng đối tượng thuộc hộ nghèo đã trên 20.000 người, số người có công cũng trên 15.000. Lượng thẻ phát hành rất lớn, trong khi lực lượng cán bộ ở cơ sở còn mỏng, lại thêm cách làm “mạnh ai nấy thống kê” nên khó tránh khỏi việc cấp trùng.
Theo dự thảo sửa đổi Luật BHXH đang được lấy ý kiến đóng góp, UBND cấp xã sẽ là cơ quan đầu mối duy nhất có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT, vì đây là cơ quan hành chính cơ sở trực tiếp quản lý người dân. Trong thời gian chờ đợi Luật BHXH sửa đổi đi vào cuộc sống, các địa phương, cơ quan, ban ngành cần tăng cường phối hợp trong quy trình cấp thẻ để hạn chế tối đa việc cấp trùng thẻ.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan BHXH kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc để khắc phục những tồn tại trong công tác lập danh sách đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót”, ông Phan Như Hải khẳng định.
Còn ông Trần Văn Trung thì cho rằng, giải pháp căn cơ là phải có mã an sinh xã hội của từng người. Đồng thời, tiến hành xây dựng một phần mềm chuyên dụng để lọc dữ liệu, kiểm soát những thông tin trùng trong danh sách đối tượng được cấp thẻ. Hiện nay, hai việc này đang được ngành BHXH phối hợp với các ngành liên quan tiến hành đồng thời.
“Số thẻ cấp trùng đã được thống kê đầy đủ, cơ quan BHXH sẽ tiến hành thu hồi thẻ trùng và hoàn trả tiền về ngân sách nhà nước, bằng cách khấu trừ vào các khoản hỗ trợ của năm sau. Theo đúng quy định, thẻ nào có mã quyền lợi tốt nhất sẽ được giữ lại. Việc cấp trùng thẻ không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT”, ông Trung cho biết thêm.
NGUYỄN VĂN TRANG