Món ngon và “độc” từ biển
Nói đến các món hải sản, từ tôm, cua, đến cá, mực, sứa…, dân biển chả mấy ai lạ. Tôi cũng có niềm tự hào là đã quen nhẵn mặt, ăn nhẵn miệng các món từ hải sản, cho đến mùa hè vừa qua, khi cùng bạn bè đi bơi và lặn ngắm san hô tại Khu du lịch Trung Lương, ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, được ăn món sứa sen và cá nanh heo, tôi mới biết lâu nay mình mới chỉ là dân biển… nửa mùa.
Món cá nanh heo nướng mộc.
ĂN MỘT MIẾNG NANH HEO, KÉO ĐƯỢC MƯỜI CÁI NEO
Lần ấy, chúng tôi gặp được một thợ lặn biển. Gọi mãi, anh mới bơi lại gần và trèo lên thuyền để chúng tôi xin mua cá. Những con cá to còn quẫy đuôi được anh xỏ xâu, quàng qua bụng. Tôi nhìn qua xâu cá của anh, nhận ra được vài loại là cá hồng, cá mú, cá đổng, cá kiếm, còn lại phải nhờ anh giới thiệu vì chúng khá to và lạ, trong đó ấn tượng nhất là cá nanh heo.
Anh thợ săn cá đã rất kiên trì kể cho chúng tôi nghe về loài cá lạ lẫm này. Cá nanh heo chỉ xuất hiện nhiều ở các rạn san hô vùng biển Cam Ranh (Nha Trang), Ninh Chữ (Ninh Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang), chứ ở Bình Ðịnh thì hiếm. Tôi thắc mắc, sao nhìn nó đẹp đẽ với những hoa văn vàng pha xanh nước biển cùng những sọc đen trắng trên vảy, đuôi và vi có màu đỏ hồng dễ nhận biết, mà lại có tên xấu vậy. Anh thợ lặn cười bảo: “Nó không chỉ đẹp mà thịt rất ngon, da được xem có chứa nhiều chất bổ. Người Bình Ðịnh ít biết chứ vùng khác nó là món ăn đặc sản của các nhà hàng, khách sạn lớn. Ăn một miếng nanh heo, kéo được mười cái neo đó. Còn sở dĩ nó có tên đó là vì nó có nanh y như heo rừng, da nó cũng cứng, sần sùi, lại có lớp vảy cứng bao bọc như áo giáp nên khi làm cá phải tốn nhiều công. Bù lại, món ăn từ cá nanh heo cực kỳ hấp dẫn. Thịt cá dai, săn, béo mà không khiến người ta ngán. Cá nanh heo làm ra được nhiều món như nấu chua, nướng muối ớt, kho, mà món nào cũng ngon”.
Chúng tôi quyết định nhờ đầu bếp ở khu du lịch làm sạch mang cá, để nguyên da, không cần ướp bất cứ gia vị gì, và nướng trên lửa hồng, cốt để thưởng thức được hương vị tinh khôi của con cá có cái tên dễ sợ đó. Vừa mới trở qua trở lại con cá được vài lần thì mùi thơm cực kỳ đặc biệt bắt đầu lan tỏa, và có sức hấp dẫn hơn bất cứ món ăn nào tôi từng biết. Cá chín, chúng tôi mỗi người gắp một miếng đầu tiên ăn thử, không kèm bất cứ loại rau hay nước chấm nào, vậy mà vẫn hít hà khen ngợi. Người thì bảo thịt nó dai như thịt gà, người thì khen thịt ngọt như thịt bò tươi.
Món gỏi sứa sen.
SỨA SEN, TUY QUEN MÀ LẠ
Nhưng đâu đã hết, lần ấy, chúng tôi còn được nhà hàng đãi món gỏi sứa sen.
Quản lý nhà hàng, có lẽ vì quá tâm đắc trước một món ngon hiếm khi có như vậy, nên đã cao hứng cho chúng tôi được mục sở thị nguyên liệu chính. Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt trước một con sứa to bằng cái tô, màu hồng nhạt, nặng cỡ 2-3 lạng, đầu bếp nhà hàng giải thích: “Loại sứa này rất hiếm có. Người ta gọi là sứa sen bởi nó có hình dáng như búp sen, màu hồng nhạt, chân ngắn. Loại này được ngư dân truyền tai nhau là loại sứa ngon và bổ nhất mà biển cả mang tặng cho con người”.
Gỏi sứa lên mâm. Những miếng sứa được cắt to cỡ bằng ngón tay cái, màu hồng đục, óng ánh trộn với rau thơm các loại, xoài xanh băm xắt sợi, đậu phụng rang giã nhỏ, và mắm ớt chanh, đường, tỏi.
Chỉ dĩa gỏi sứa sen và bánh tráng nướng, đơn giản mà hấp dẫn đến lạ. Chúng tôi dùng bánh tráng xúc gỏi ăn. Miếng sứa vào miệng, qua răng nghe dai sực sực, ngọt thanh mát, rồi trôi tuột xuống cổ kèm với mùi thơm của đậu phụng, rau thơm và vị chua chua của xoài. Một món ăn đầy cảm xúc đến khó tả!
Mang theo chuyện con sứa sen trở về, tôi tìm gặp anh Phan Văn Hải, ở thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, người chuyên bắt và kinh doanh sứa ở vùng này, để hỏi và được anh cho biết: Loại sứa này khá to, được ngư dân truyền lại là bổ dưỡng, thanh mát cho cơ thể. 10 năm qua, tôi không hiểu lý do gì mà tháng 8 âm lịch năm nay sứa sen mới xuất hiện lại tại vùng biển quê tôi. Ngư dân vớt được cũng khá nhiều. Họ ăn một ít, số còn lại thì ướp muối để dành ăn vào ngày Tết như món đặc sản. Có người bắt được nhiều thì bán cho người quen với giá 70.000 - 80.000 đồng/kg”.
Nghe đến đó, chợt nhớ lúc mới thấy con sứa sen, tôi đã không kiềm được ngạc nhiên, la lên như đứa trẻ con: “Chu cha, hồi giờ chưa từng thấy loại sứa này luôn đó”, và cũng hồn nhiên lúc vét đến miếng cuối cùng của dĩa gỏi sứa: “Biết bao giờ mới được ăn lại món ngon này?”.
CÔNG HIẾU