"Ði săn" trong lòng biển
Mê biển từ nhỏ, anh Ðỗ Thành Toàn (SN 1985, ở Ðề Gi, Cát Khánh, Phù Cát) đã chọn cho mình một nghề “khác người”: săn cá. Công việc của anh là những chuyến phiêu lưu kỳ thú trong lòng biển sâu, nơi trú ngụ của những loài cá lớn.
Anh Đỗ Thành Toàn với số cá thu hoạch được trong chuyến đi săn.
Sau vài lần cáo bận vì còn mải đi săn cá ở các vùng biển Kiên Giang, Vũng Tàu, Nha Trang, Ðà Nẵng…, cuối cùng anh Toàn cũng đồng ý cho chúng tôi theo chân trong một chuyến lặn săn cá ngay tại biển Trung Lương, Cát Tiến, Phù Cát. Ðể chúng tôi ngồi lại trên ghe, anh “biến mất” vào làn nước trong xanh, hơn một tiếng đồng hồ. Cuộc trò chuyện chỉ bắt đầu khi anh quay trở lại ghe, đeo đầy quanh lưng chiến lợi phẩm là những con cá dìa, cá hồng, cá mú, cá bè trang, bè quỵt…
MỖI CUỘC SĂN LÀ MỘT LẦN THỬ THÁCH CHÍNH MÌNH
Trò chuyện cùng Toàn, tôi ngỡ anh là nhà “cá học” khi có thể miêu tả từng sở thích, ưu điểm, nhược điểm bơi lội, săn bắt mồi của từng loại như: cá đuối nanh có nẻ cực độc; cá kiếm thì sơ hở là tấn công ngay; cá nhồng khá hung dữ, tấn công kẻ thù tàn bạo; cá hồng thì hay bơi lượn, cá dìa thì bơi dọc để trốn kẻ thù...
* Anh bảo, mỗi lần ngụp lặn dưới biển là đối diện với “trận chiến” mới không bao giờ giống nhau...
- Ở độ sâu 20m so với mặt nước, nơi những rạn ngầm mà các ghe bủa lưới và giã cào không thể với tới được là chỗ trú ngụ của những loại cá lớn. Mỗi lần lặn, tôi chỉ mất khoảng 30 giây là tới nơi rồi cứ nằm yên ở bãi san hô khoảng hơn 1 phút đợi con mồi bơi lại gần khoảng 4m thì bắn.
Muốn bắt được cá khủng thì thợ săn phải có thể lực tốt, nhiều kinh nghiệm, tâm lý vững và phải có đồ nghề xịn nữa. Hai năm qua, tôi đã nhiều lần chạm mặt với loài cá dữ cực khủng như: cá bè cam, cá mú cọp, cá đuối, cá kẽm, cá lông sũ... Mỗi loài cá có mỗi đặc tính khác nhau, nên có những “cuộc chiến” chỉ mất vài ba phút, nhưng có khi phải “giằng co” hơn cả chục phút. Ðây là nghề mạo hiểm, chỉ cần sơ sẩy có thể mất mạng như chơi. Vì vậy, mỗi cuộc săn là một lần tôi thử thách chính mình.
* Trên người anh có vài vết sẹo lớn, đó có phải là chứng tích của những cuộc giằng co?
- Sẹo là bình thường mà, bởi không phải lúc nào mình cũng là người chiến thắng. Trong một chuyến đi săn, tôi gặp con cá bè quỵt khoảng 50 ký nên say mồi, lao lên bắn hạ. Thường thì anh em chỉ bắt được con cá bè quỵt khoảng 30 kg. Nó là loài cá rất khỏe, ma mãnh và khó bắt nhất. Ðận ấy, tôi bị nó chống trả quyết liệt, phải buông cả súng để thoát thân. Lên được bờ thì chỉ biết cười tiếc sợi dây và cây súng đắt tiền vừa sắm được.
Anh Đỗ Thành Toàn trong một chuyến săn cá dưới biển.
KHÔNG LẶN VÀI NGÀY LÀ BỨT RỨT KHÔNG YÊN
Ðể làm được công việc này, người theo nghề phải có một niềm đam mê rất lớn. Anh Toàn chia sẻ, chỉ khi ở trong lòng biển, được tự do vẫy vùng anh mới thỏa mãn niềm đam mê khám phá, chinh phục biển của mình.
* Ðang là ngư dân với kinh nghiệm 15 năm trong nghề, thu nhập ổn định, vì sao anh lại chuyển sang nghề lặn săn cá?
- (Cười) Tôi đã có thời gian sống xa biển, làm nhiều nghề khác, nhưng không thành công. Sau đó, tôi quay về với biển. Ban đầu, lúc rảnh, tôi có đọc được thông tin về nghề lặn săn cá trên mạng. Càng tìm hiểu tôi càng bị cuốn hút, rồi tự sắm cho mình đồ nghề để mỗi khi rảnh thì ra vùng biển Ðề Gi lặn bắt cá.
Tôi đi chỉ một mình, khi đó chưa gia nhập Hội Spearfishing Việt Nam (Hội săn cá dưới nước Việt Nam, gồm 30 hội viên) săn bắn cá các tỉnh lân cận như bây giờ. Gia đình vừa tiếc của vì mua sắm dụng cụ cho nghề khá đắt đỏ, ví như chỉ cây súng bắn cá (bằng mũi tên, nối với một sợi dây dài) rẻ nhất cũng chục triệu đồng, lại vừa lo cho tính mạng, khuyên mãi mà tôi không bỏ. Lặn riết thành ghiền, tôi tập luyện để có thể lực tốt và thích nghi với môi trường của độ sâu từ vài mét đến 20m nước. Cứ lặn càng sâu, tôi săn càng được nhiều loài cá to, lạ.
* Ðiều gì ở trong lòng biển cuốn hút anh nhiều đến vậy?
- Bắn cá được là ghiền lắm. Săn được con lớn trên chục ký lại muốn tìm con nặng hơn nữa. Chinh phục được những loài cá dữ rồi lại chỉ mong tìm được loại dữ hơn. Tôi cũng chẳng lý giải được sức mạnh kỳ bí nào trong lòng đại dương lại cuốn hút tôi nhiều đến vậy. Chỉ biết, sau chuyến săn cá dài ngày với anh em trong Hội Spearfishing Việt Nam, về nhà vài ngày là tay chân lại bứt rứt không yên. Có thể, chỉ khi ở trong lòng biển, được thỏa sức vẫy vùng, tôi mới được là mình, bởi được sống trong một thế giới kỳ ảo, đẹp đẽ mà không phải ai cũng có thể tận mắt nhìn thấy, và có thể sống tốt, chu toàn cho gia đình từ đam mê của chính mình.
* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!
HẢI YẾN (Thực hiện)