Bạn tôi ở Trường Sa
Bốn năm trước, tôi có dịp biết và làm quen với bạn, Nguyễn Hồng Nhật, ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước - đảo trưởng đảo Trường Sa Ðông thuộc quần đảo Trường Sa. Ðể rồi mỗi năm xuân đến, hay mỗi lần nghe câu hát “Từng mảnh đất quê ta, giữa đại dương mang tình thương quê nhà...”, tự nhiên, lại da diết nhớ bạn.
Nguồn: NLĐO
Tôi chẳng biết, bạn phải chống chọi với bao cơn sóng gió, bão bùng trong đời một người lính đảo. Nhưng mỗi lần trời trở giông bão, nhớ bạn, tự dưng lại thấy lo. Vậy mà, hắn lại là đứa gọi điện trước, để hỏi thăm tôi tình hình mưa bão quê nhà, rồi chuyện gia đình, sức khỏe và không quên hỏi cả cái nhà nhỏ của vợ chồng tôi. Còn tôi, có hỏi gì, hắn cũng bảo, cứ yên tâm, đủ sức khỏe, tinh thần tốt, chiến đấu tốt. Tôi mắng: “Ông không lo cho mình mà đi lo cho tui chi?”. Bạn cười: “Bà hay thiệt đó, tui ở đây quen rồi, bão tố có là gì, chỉ sợ nhà vợ chồng bà ọp ẹp thế, mưa bão nó chẳng cuốn phăng đi à?”...
Rồi một ngày, hắn gọi điện, cười khà khà bảo sẽ ghé nhà chơi. Mà hắn về thật chứ không giỡn như mấy lần trước. Gặp hắn, mừng mừng tủi tủi bởi trông hắn gầy quá, đen nhẻm. “Quanh năm ăn cá tươi mà sao gầy đét dzậy ông?”. Hắn chả thèm trả lời, cứ cắm đầu vào rổ rau sống nhà trồng được. Mẹ hắn lo tìm món này món kia làm cơm, hắn bảo: “Chả cần gì ngoài rau mẹ nhé!”. Nhìn hắn ăn, cả nhà ứa nước mắt. Hắn lại nói: “Ăn cho đã miệng chứ ở đảo chìm rau hiếm quá. Mà làm gì mọi người nhìn cứ như là lạ lắm vậy?”.
Tôi cười, nhớ những cuộc trò chuyện qua điện thoại, hắn bảo ở đảo có 4 thứ quý nhất, gồm nước ngọt, rau xanh, năng lượng và tình cảm từ đất liền. Mỗi lần mùa khô đến, nước ngọt dùng rất dè sẻn. Một chậu nước để vo gạo, rửa rau, rửa bát và sau cùng có thể rửa tay, tưới cây, cho chó uống… Rau xanh được xem là món ngon mà lính đảo rất “thèm”. Trên các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây, rau xanh được trồng khá nhiều, đảm bảo cung cấp cho đời sống của chiến sĩ; nhưng ở những đảo chìm như nơi hắn ở thì vô cùng khó, bởi đảo chỉ là phần đất nhỏ nhô lên giữa biển, chỉ đủ xây dựng một lô cốt 3 tầng, bên trong vừa là bếp, phòng ở, hội trường và công sự. Rau xanh được trồng ở tất cả những nơi có thể và rất còi cọc.
Mẹ hắn cười bảo: “Nó quen hay sao đó, tắm cũng có mỗi xô nước hà. Cả nhà cười mãi, mỗi lần nó đi tắm phải theo nhắc chừng, nó mới nhớ ra đang ở đâu”. Bạn lại bảo, tắm rửa thiếu thốn có là gì. Buồn nhất là những khi nghe tin người thân đau ốm, thậm chí mất đi, chỉ biết gạt nước mắt, giấu nỗi buồn vào lòng. Phần vì gọi điện thoại hạn chế, phần gia đình không muốn lính đảo lo lắng, bởi có về cũng chẳng kịp nhìn mặt. Mỗi lần nghe tin có đoàn công tác ra thăm, cả đội thao thức, háo hức trước cả tuần.
Rồi bạn bảo, lần này về một tháng vừa lo xây nhà, vừa cưới vợ luôn. Tôi la: “Từ từ đã chứ. Chuyện quan trọng mà cứ gấp gáp vậy sao được?”. Bạn cười: “Bà tính nhanh giúp, thấy ai làm mai, tui lên hỏi liền, chứ tui đi lần nữa là 2 năm nữa đó”. Mẹ của hắn ngồi nghe, bảo: “Bác muốn nó cưới vợ rồi ở nhà nhưng nó nhất định đi làm nhiệm vụ, 2 năm nữa sẽ về”.
Tôi tưởng lần này hắn về luôn, hóa ra… Người tính làm mai tôi cũng chọn rồi, cô ấy rất thần tượng hắn. Thỉnh thoảng, hắn vẫn gọi điện cho nàng. Có lẽ, hắn nhắc khéo chuyện này.
Nhưng nghe chuyện hắn lại đi, tôi đã thấy nao nao trong lòng, cái khắc khoải nhớ của những người hậu phương.
HẢI YẾN