Về miền biển nhớ
Trước khi biết đến những điểm dừng chân khiến chúng tôi vô cùng đắm say và đầy thích thú khi được đặt chân tới như Kỳ Co, Eo Gió, tháp Bánh Ít hay nhà thờ Làng Sông thì sức hút đầu tiên ở miền đất Võ chính là những cái tên đã đi vào huyền tích như Quang Trung Hoàng đế, thi nhân Hàn Mặc Tử... Và, 4 ngày làm du khách ở Bình Ðịnh đã mang lại cho chúng tôi (3 người phụ nữ cũng là 3 bạn học thân nhau từ hồi phổ thông lần đầu cùng nhau đi “phượt”) cảm xúc chưa từng có trong nhật ký về các chuyến đi, cũng như những nơi mà mỗi người đã từng đến.
Du khách đến từ Hạ Long trên Eo Gió.
Ðúng như người ta vẫn nói, ấn tượng ban đầu bao giờ cũng bền lâu và đặc biệt. Thật vậy. Khi chạm vào một trong những “cửa ngõ” của Bình Ðịnh là sân bay Phù Cát, cái sự nhỏ bé của một sân bay nội địa không là điều khiến những người lần đầu đến đây như chúng tôi lấy làm chú ý. Nói vậy là bởi, ngay từ sự tiếp xúc đầu tiên với con người đất Võ, chúng tôi đã nhanh chóng bị chinh phục. Anh tài xế và anh phụ xe của chuyến xe buýt từ sân bay về thành phố vừa nhanh nhẹn sắp đồ của khách vừa chu đáo hỏi thăm điểm xuống như thay một lời chào mừng vậy. Hay ngay bữa cơm đầu tiên ở Quy Nhơn, dù lệch nhịp so với ở nhà vì chuyến bay “lửng” giữa buổi sáng, nên khi đi ăn đã là đầu giờ chiều nhưng không ai thấy oải. Có một chút lạ ở đây. Nhân viên ở đây không “săn đón”, đon đả như ngoài Bắc nhưng vẫn khiến chúng tôi vô cùng thú vị. Cũng phải thành thực rằng, chúng tôi là dân biển nên không quá hào hứng với các món hải sản - vốn là một trong những ẩm thực chính của Bình Ðịnh, thế nhưng, cuối cùng thì ai cũng xuýt xoa bởi hương vị rất riêng của biển miền Trung trong từng món. Ví như mực hấp nước dừa hay gỏi ốc. Rồi khi thanh toán, cả 3 người truyền tay nhau tờ bill (hóa đơn) trong sự ngỡ ngàng. Vì sao vậy? Bữa hải sản thịnh soạn ấy có giá quá “mềm” đến bất ngờ. Thú thật, ở nơi chúng tôi đang sống - TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - một vùng đất du lịch mỗi năm thu hút gần chục triệu du khách nhưng vẫn chưa triệt tiêu được tận gốc việc chặt chém. Bởi vậy, dẫu được tư vấn kỹ từ một người bạn hiện sống ở Quy Nhơn, chúng tôi vẫn mang tâm lý “đề phòng”.
Kể vài điều nho nhỏ trong ấn tượng của ngày đầu tiên tới Bình Ðịnh để chia sẻ với mọi người niềm vui trọn vẹn của chúng tôi trong 4 ngày ở làm du khách tự do tại đây. Chưa một lần chúng tôi “vấp” phải điều gì khiến mình không hài lòng. Tất cả được gói gọn trong một đúc kết riêng, đó là “đẹp nhỉ, ngon nhỉ, rẻ nhỉ”. Thêm một điều thú vị nữa, trong thời gian chúng tôi lưu trú ở khách sạn Mường Thanh (TP Quy Nhơn) các bữa buffet sáng luôn có một góc về ẩm thực đặc trưng của miền đất Võ, với rất nhiều loại bánh. Ðây chính là một sự khác biệt so với các khách sạn chúng tôi từng ở.
Đua thuyền thúng trên biển. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT
Tất nhiên, trong cái sự “3 nhỉ” đã nói ở trên, Bình Ðịnh khiến chúng tôi đắm say quá đỗi bởi sức “hút” từ các điểm tham quan, du lịch trong đó có những điểm nếu bạn đi tour chưa chắc đã có cơ hội trải nghiệm. Chúng tôi cùng chung cảm nhận, du lịch Bình Ðịnh có phần nào giống Hạ Long ở giai đoạn trước, khi còn là “nàng công chúa ngủ trong rừng” chờ được bừng thức. Ví như một Kỳ Co nguyên sơ và trong lành mà chúng tôi đồ rằng nếu được đầu tư đúng hướng, đi đôi với việc làm tốt công tác bảo vệ cảnh quan môi trường, thì nơi đây sẽ thực sự là một thiên đường nghỉ dưỡng. Bởi, khi đặt chân lên đảo nhỏ này chúng tôi - những công dân Hạ Long luôn tràn đầy niềm tự hào kiêu hãnh về vùng đất Di sản với hàng nghìn đảo núi điệp trùng đẹp mộng mơ - cuối cùng cũng bị Kỳ Co “hớp hồn” dù thời điểm đến là cuối năm nên không thực hiện được chuyến lặn biển. Cũng như vậy, một Eo Gió lồng lộng hẳn níu chân du khách lâu hơn nếu có thêm điểm nhấn về dịch vụ đi kèm. Ðó là một Hầm Hô mang đến cho ta sự thư thái hòa mình vào thiên nhiên cùng nhiều cảm xúc bất ngờ đan xen khi nhẹ nhàng lướt thuyền trên kênh Lộc Giang mà cảm giác như đang khám phá kênh rạch miền Tây Nam Bộ, để rồi bất ngờ mở ra trước tầm mắt là bãi đá khổng lồ với không gian mênh mông khoáng đạt. Ðó là, một chủng viện với tên gọi Làng Sông (huyện Tuy Phước) mà nhờ có “tay trong” chỉ dẫn chúng tôi được biết đây chính là một trong những nơi ghi dấu buổi đầu của chữ quốc ngữ. Người lái tắc-xi chở nhóm chúng tôi đi cho biết, điểm này chưa có trong tour, tuyến đến Bình Ðịnh. Chính vì vậy, khi chúng tôi yêu cầu tới đây, anh có chút thắc mắc. Rồi khi tiếp tục kết nối từ nhà thờ Làng Sông tới quán Huệ Loan (ở xã Phước Sơn), để thưởng thức món lẩu cua thì anh lái tắc-xi đã thốt lên rằng, chưa gặp nhóm nào đi du lịch có sự khám phá đặc biệt như chúng tôi. Còn chúng tôi chỉ đơn giản cho rằng, du lịch Bình Ðịnh đang đón đợi những ông chủ lớn như kiểu FLC để tránh cách làm manh mún. Phải chăng vì thế, những “địa chỉ đỏ” và cũng là những nơi đầu tiên góp công để làm nên sức hút của du lịch Bình Ðịnh như Ghềnh Ráng, đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt cùng Bảo tàng Quang Trung, tháp Bánh Ít... dường như sự đầu tư vẫn rất khiêm tốn so với giá trị đích thực của nó. Song, dẫu vậy, chúng tôi tin rằng, cũng như mình vậy, muôn du khách khi về với miền đất Võ chẳng thể nào bỏ qua được những điểm dừng chân này và những điều hiện thấy chỉ là trong một giai đoạn đón đợi.
Không rõ những du khách khác khi rời Bình Ðịnh ra sao, còn chúng tôi, nơi này đã thực sự trở thành “miền biển nhớ” với lời hẹn ngầm sẽ sớm quay lại. Và, người viết bài này cũng mong sẽ có cơ hội tái ngộ bạn đọc miền đất Võ, để kể về những người con quê hương Bình Ðịnh đang sinh sống, làm việc tại Hạ Long - Quảng Ninh.
NGỌC HÂN