Về đây nghe sóng
Quy Nhơn là nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Nhưng không phải bởi nơi này là quê hương mà cái gì mình cũng nói hay, nói tốt; nhưng rõ ràng, so với những dải đất miền Trung khác, cũng biển xanh, cát trắng, nắng vàng, Quy Nhơn có những nét hấp dẫn riêng mà nhiều du khách một khi đến đây đều cảm nhận.
Thành phố Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
1.
Và thích đến độ, ông Yannik Cartailler- một sếp kinh doanh người Pháp thường sang Quy Nhơn đặt hàng đồ gỗ xuất khẩu - đã không dưới vài lần đề nghị cô nhân viên người bản địa của mình cho mượn tên để mua căn hộ chung cư Hoàng Anh Gia Lai hướng ra Hồ sinh thái Ðống Ða và xa xa kia là phía biển.
“Quê mày thực đẹp. Tao thích cảnh bình yên, tĩnh lặng của nó quá. Chỉ thích mỗi năm về đây nghỉ ngơi vài tháng thư giãn tinh thần, tích đủ năng lượng, rồi về nước cày tiếp”- ông Yannik nói với nhân viên. Nhưng thời đó, Nhà nước chưa có chính sách mở cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam như bây giờ, mà nhờ đứng tên thì cô nhân viên không chịu, vậy nên dự định đó bất thành.
Còn đây là chuyện tôi trực tiếp chứng kiến. Cách đây khoảng 2 tháng, khi đến gội đầu ở một tiệm quen, tôi tình cờ nghe câu chuyện chị khách đến gội đầu nói giọng Sài Gòn nhờ cô chủ mai mối, kiếm giúp để chị mua căn nhà nhỏ tầm trên dưới một tỉ đồng để gia đình chị có thể về đây nghỉ dưỡng. “Hôm rồi, tôi dẫn ba tôi ra Quy Nhơn. Ông cụ kết nơi này quá, bảo kiếm cho ba cái nhà nho nhỏ để an dưỡng tuổi già cho yên tĩnh chứ Sài Gòn ngột ngạt quá. Thiệt lạ, ổng dân Sài Gòn chính tông, du lịch biển rất nhiều nơi, từ Huế, Nha Trang, Ðà Nẵng... vậy mà sao chỉ một lần đến Quy Nhơn đã thích ngay”- chị Nguyễn Thị Như (ở quận 4, TP Hồ Chí Minh) kể lại khi tôi tò mò hỏi chuyện.
Một góc hồ sinh thái Đống Đa - Quy Nhơn. Ảnh: HOÀNG SA
2.
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc kinh doanh của FLC Quy Nhơn cho biết, một trong những lý do khách chọn mua căn hộ nghỉ dưỡng tại đây là bởi Quy Nhơn có cảnh quan đẹp, tiềm năng phát triển du lịch không thua gì Nha Trang, Ðà Nẵng. Người Hà Nội, Sài Gòn ra Quy Nhơn tham quan, xem xét cơ hội đầu tư vào căn hộ nghỉ dưỡng không ít. Với cá nhân mình, chị Nguyệt tâm sự, trước khi về làm việc tại FLC Quy Nhơn, gia đình chị đi xuyên Việt và lần đầu tiên dừng ở Quy Nhơn. Giờ thì, chị “kết” Quy Nhơn đến mức đã bàn với ông xã tính chuyện mua đất, định cư lâu dài ở đây...
Tôi hỏi nhiều người, tại sao họ lại chọn và thích Quy Nhơn mà không phải là những thành phố biển đã “nên danh” khác, thì được trả lời: Thứ nhất, Quy Nhơn còn giữ được nét nguyên thủy của thiên nhiên vốn có, chưa bị “biến dạng”, “lai tạp” bởi sự can thiệp thô bạo của con người. Thứ hai, người Bình Ðịnh rất giản dị, mộc mạc, thậm chí hơi thô phác, khiến người đối diện có thể bị “sốc” trong buổi sơ giao nhưng càng tiếp xúc, càng sống lâu với người Bình Ðịnh mới thấy kết vẻ thân thiện, chân thành của họ - như nhận xét của bà Nguyễn Thị Mai Phương, 65 tuổi, một luật sư Việt kiều Ðức, đã mua nhà và sống tại số nhà 118/8 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, vài năm nay.
Bãi biển TP Quy Nhơn. Ảnh: HỨA THIỆN
3.
Chuyện bà Phương tìm mua đất, xây nhà ở Quy Nhơn xuất phát từ việc bà tình nguyện đồng ý làm người tiên phong “thử nghiệm” chính sách chính phủ Việt Nam khuyến khích Việt kiều và người nước ngoài vào đầu tư theo đề nghị của nhóm Việt kiều tại Ðức và của văn phòng luật sư bên Ðức nơi bà đang làm việc, trước khi họ quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Vậy là từ năm 2011, bà Phương dành ra mấy tháng đi dọc các tỉnh có biển ở Việt Nam từ Nam ra Bắc để tìm đất. Rồi một lần ở Kon Tum, bà tình cờ nghe nhân viên phục vụ nói về quê mình - Quy Nhơn - một vùng biển đẹp nhưng vẫn ít người biết đến, nên tò mò hỏi. “Trưa hôm sau tôi có mặt tại Quy Nhơn. Chiều, lững thững dạo bộ trên đường Ðô Ðốc Bảo, ngồi quán cà phê vỉa hè ngó nghiêng xung quanh và chợt thấy, Quy Nhơn sao bình yên đến lạ!” - bà Phương kể lại cảm giác đầu tiên “chạm” đất Quy Nhơn. Chuyến đi dự định vài ngày kéo thành một tuần lễ, sau đó dẫn đến quyết định mua miếng đất để xây nhà nằm trong hẻm trên đường Nguyễn Huệ vào tháng 5.2012. Trong quá trình này, bà cũng gặp một số rắc rối về thủ tục, giấy tờ nhưng rồi cũng xong. Căn nhà được chính con gái của bà - một nghiên cứu sinh ngành Xây dựng - thiết kế và xây dựng theo công nghệ và tiêu chuẩn Ðức.
Bà Phương cởi mở: “Vợ chồng tôi dân Sài Gòn, sống ở châu Âu trên 30 năm. Cái gì níu chân tôi ở Quy Nhơn ư? Chính là sự yên tĩnh, nét nguyên sơ của thiên nhiên ở đây. Còn nữa, người Bình Ðịnh ban đầu tiếp xúc thấy hơi thô mộc, thậm chí có phần cộc tính, nhưng càng sống càng thấy đáng yêu, chân tình”. Và nữ luật sư kết thúc câu chuyện của mình bằng sự ví von rất hóm hỉnh: “Từ ý định ban đầu tình nguyện làm “chuột bạch”, giờ tôi thấy mua đất xây nhà ở Quy Nhơn là một trong những quyết định sáng suốt nhất của mình. Hiện tôi đang khuyến khích bạn bè du lịch dài ngày đến thành phố này".
4.
Ông Nguyễn Túc, 71 tuổi, Việt kiều Pháp quê gốc Phù Mỹ xa quê 40 năm, nay trở về sống tại đường Nguyễn Hoàng, khu Bắc sông Hà Thanh, Quy Nhơn, xúc động nói: “Bao năm xa quê, về vẫn thấy bản tính hồn hậu của người quê mình. Quý lắm thay! Cô em vợ tôi người Sài Gòn vậy mà mỗi năm cũng đòi về Quy Nhơn ba, bốn bận”.
“Cũng bởi tình yêu với Quy Nhơn mà trong buổi gặp mặt kiều bào dịp Tết Nguyên đán năm 2016, tôi tha thiết đề nghị với lãnh đạo tỉnh rằng, chính vẻ yên bình, nét nguyên sơ của Quy Nhơn là ấn tượng mạnh mẽ nhất với du khách trong và ngoài nước khi đến đây. Vì vậy, hãy bảo vệ và giữ cho được bản sắc đó của phố biển Quy Nhơn”- nữ luật sư Mai Phương trải lòng.
Còn tôi, tôi yêu Quy Nhơn bằng một tình yêu không biết diễn đạt như thế nào. Chỉ biết, tôi chưa từng muốn đi đến nơi nào khác “ngoài cái phố biển tĩnh lặng và đôi lúc buồn đến mức không biết làm gì để đốt thời gian”- như đám bạn thân giờ đã quen nhịp sống hối hả ở TP Hồ Chí Minh nhận xét.
Và đến giờ, tôi vẫn chưa bỏ thói quen hay dạo xe lượn một vòng Quy Nhơn. Ðể thưởng, hương vị ấm nồng của biển hay đắm mình trong phố giữa khi “thành phố mắt đêm đèn vàng”. Và xa kia, sóng vẫn miệt mài đập vào ghềnh đá.
THU HÀ