Vầng trăng khuyết trên biển
“Nơi sông về biển” - mỗi khi nói về Quy Nhơn, tôi lại cứ nhớ đến cái định danh ấy, vốn là tên đồ án quy hoạch của một nhóm kiến trúc sư trẻ, cho một vùng cửa ngõ ra biển của Quy Nhơn. Ðể rồi hình dung, trên chặng đường miệt mài về biển ấy, phù sa đã lắng nơi này làm trầm tích. Và những bước chân người cũng tìm về, trên một chốn gọi - Quy Nhơn.
1.
Chỉ cần làm một vòng xe quanh thành phố, ta thu vào tầm mắt đủ dáng hình núi, non, sông, biển. Phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu nằm trên thung lũng hẹp kẹp giữa núi Vũng Chua và Hòn Chà; phía Nam có tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu lượn quanh những dãy núi đang vươn mình về phía biển. Có những ngày, lang thang qua vùng Bãi Xép, khi trở về đã tối, Quy Nhơn nổi lên trên nền sao trời của những ngọn đèn tàu cá, một vầng trăng khuyết dịu dàng nép mình bên sóng. Và không ít lần khác, men theo những con đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, tận hưởng cái gió quất lạnh từ phía đầm Thị Nại yên ả sóng và thấm đượm cảm thức sông nước. Chính trong không khí ấy, ta cảm nhận thấy sự tần tảo khôn nguôi, của những hạt phù sa để vun đắp lên mảnh đất quy tụ nhân - nghĩa này. Ở đó, dấu trầm tích của thành phố có lịch sử hơn 400 tuổi. Hội tụ những con người, để rồi từ một chốn phiên trấn, thành hình nên những làng mạc, xã thôn, để có phủ Hoài Nhơn thế kỷ XV. Rồi từ một vùng cát ven biển, một thôn Vĩnh Khánh được tạo lập từ thế kỷ XVIII về trước và nhanh chóng lan tỏa thành làng Chánh Thành và Cẩm Thượng từ thế kỷ XIX về sau. Từ những đình Cẩm Thượng đến các hội quán Triều Châu, Phước Kiến… đã là những di tích ít ỏi còn lại ghi dấu chặng đường của thành phố thân yêu này.
Quy Nhơn sẽ là một thành phố đẹp, có dấu ấn riêng, nếu biết trân trọng, gìn giữ đi liền với việc tiếp tục tìm tòi để tạo thêm hồn cho phố.
Nhưng dẫu cho đa dạng cảnh trí và sắc màu đến thế nào, Quy Nhơn - xưa cũng như nay - đều là nơi sông về biển. Biển đã thành cảm thức sống cùng thành phố suốt 400 năm. Từ những ngôi làng Chánh Thành hay Cẩm Thượng, đến một thương cảng Quy Nhơn; một đô thị đang trăn trở tìm thêm những vóc dáng mới cho thêm phần hiện đại, thì tựu trung, biển vẫn là điểm hội tụ, trục trung tâm của cảnh trí đất này. Bởi thế, một thời đoạn dài, khi thành phố quay lưng về biển. Biển khép lại bằng những khu nhà rầm, quy hoạch thành phố cũng chưa chú trọng hướng biển, thì Quy Nhơn cũng chỉ còn như một “thành phố giữa đường” theo cái nghĩa thiếu cá tính, thiếu bản sắc. Nhưng nay thì khác, thành phố đã mở toang cánh cửa ra biển, với những cung đường tụ về biển, trục trung tâm thành phố cũng là trục nối liền những cảnh quan, từ biển tới đầm và vọng ra biển. Thành phố trải như một cánh buồm xa khơi. Một Quy Nhơn yên bình.
2.
Với hai sự hội tụ thiên nhiên và lịch sử vào trong phố, cùng với vóc dáng mới đã và sẽ triển khai từ quy hoạch tổng thể đến năm 2035 tầm nhìn 2050, Quy Nhơn sẽ là một thành phố đẹp, có dấu ấn riêng, nếu biết trân trọng, gìn giữ đi liền với việc tiếp tục tìm tòi để tạo thêm hồn cho phố.
Bên cạnh việc chỉnh trang khu trung tâm hiện có, việc những khu quy hoạch dân cư mới, những trục đường mới đã và sẽ mở ra như Ðiện Biên Phủ, Long Vân - Long Mỹ… vừa giãn áp lực dân cư khu trung tâm, vừa kết nối liền lạc các khu vực với hạt nhân đô thị hiện tại. Ðiểm đáng chú ý nữa, quốc lộ 1D được mở rộng, cung đường du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu được kết nhịp với khu trung tâm; việc phát triển Quy Nhơn và vùng phụ cận thành đô thị khoa học và giáo dục, mà hạt nhân là khu đô thị khoa học - giáo dục tại Quy Hòa, du lịch Quy Nhơn sẽ từng bước phát triển theo hướng du lịch khoa học - giáo dục. Ðây là hướng đi đúng nhằm định vị thương hiệu đô thị Quy Nhơn vượt khỏi hình dung chung về đô thị biển vốn sẽ trùng lắp với nhiều đô thị biển khác trong nước. Khu dân cư phía Ðông đường Ðiện Biên Phủ cũng sẽ được kết nối với khu Bắc Hà Thanh bằng những nhịp cầu, góp phần cải tạo cảnh quan và góp cho thành phố sắc diện mới từ cảnh quan ven sông.
Bên kia bờ Thị Nại, nay thành phố đã soãi thêm đôi cánh mới, với những khu dân cư, khu công nghiệp mới, cả những khu du lịch ấp ôm cát trắng nắng vàng. Một mai khi tuyến đường trục Cát Tiến - Nhơn Hội hoàn thành, kéo theo hy vọng về sự đổi thay trong diện mạo đô thị với cả vòng cung ôm trọn đôi bờ thành phố.
Giữa hai hạt nhân của đô thị bên đôi bờ Thị Nại, đường Nguyễn Tất Thành kết nối với tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội rồi đường trục Khu Kinh tế đang thành trục trung tâm tự nhiên. TP Quy Nhơn và vùng phụ cận như vậy đang phát triển theo mô hình đô thị với 2 trung tâm chính là TP Quy Nhơn và Khu Kinh tế Nhơn Hội. Các khu vực đô thị đang phát triển theo cấu trúc mở, liên kết bằng hệ thống giao thông vùng. Các lưu vực sông Hà Thanh, sông Côn, đầm Thị Nại, vịnh Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai, núi Vũng Chua và vùng nông nghiệp huyện Tuy Phước trở thành bộ khung tự nhiên, được kết nối, phát huy và tạo hài hòa trong phát triển đô thị.
Công tác chỉnh trang ở khu trung tâm hiện tại, do vậy, phải đặt trong một tổng thể chung hòa hợp, từ cái cột đèn, bảng chỉ đường, đến những ánh đèn trang trí đô thị… phải làm sao để tránh cái cảm giác của sự hoa hòe - một chỉ dấu rằng đã có nhận thức cần thay đổi, nhưng lại đổi theo hướng vay mượn và đắp thêm bằng sự diêm dúa. Nó chỉ chứng tỏ một đô thị không có đời sống văn hóa nội sinh. Muốn vậy, các di tích văn hóa, kiến trúc hiện tồn trong không gian thành phố cũng cần được chăm chút để thành điểm nhấn thật sự, tạo chiều sâu trầm tích lịch sử cho thành phố.
3.
Thành phố đang chuyển mình. Ðứng bên bờ đầm Thị Nại khi trời chớm sáng. Ðâu đó, nghe như có những tiếng lanh canh đã trỗi từ một vùng dân cư ven bờ đầm. Người dân quê tôi lại trở dậy và chiếc xuồng nhỏ của họ lại bình thản nối vào nhịp sống một ngày mới bằng những chuyến đi câu, đánh lưới. Một mai, ai trong những cư dân của sóng nước này sẽ có mặt trên những con thuyền xa khơi thông thương, và vùng bờ đầm này rồi sẽ biến đổi như thế nào trong cái ngày mai không xa ấy?…
Quy Nhơn - thành phố vầng trăng khuyết ấy - nay đã sẵn sàng cho những chuyến xa khơi.
LÊ VIẾT THỌ