Vươn khơi, bám biển làm giàu
Không chỉ đóng tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại vươn khơi bám biển khai thác thủy sản hiệu quả, nhiều ngư dân tỉnh ta còn tổ chức kinh doanh các dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Nhà nước còn dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển làm giàu và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Ái, ở xã Mỹ An (Phù Mỹ) đang khai thác thủy sản trên biển.
NHỮNG NGƯ DÂN TỈ PHÚ
Trở về sau chuyến biển, lão ngư Bùi Thanh Ninh, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) lại tiếp tục lao vào công việc thường ngày. Ông liên lạc và chỉ đạo tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển; đôn đốc cơ sở đóng tàu của gia đình khẩn trương hoàn thành tàu cá vỏ gỗ để bàn giao cho khách hàng; cùng với các thành viên trong gia đình mua thủy sản... Gạt mồ hôi trên trán, ông bộc bạch: nhiều người bảo tôi ham công tiếc việc, nhưng cuộc sống của tôi gắn với biển cả, công việc cũng vậy, còn sức khỏe còn làm”.
Hiện đội tàu do ông Ninh làm “chủ công” có 16 chiếc, tổng công suất gần 8.000 CV với 180 thuyền viên, sản lượng đội tàu khai thác được ông bao trọn khâu tiêu thụ. Ông còn mở thêm dịch vụ cung ứng xăng dầu, lương thực, thực phẩm và bao tiêu luôn cả sản phẩm cho một số tàu cá khác. Cơ sở đóng tàu của ông cũng làm ăn khấm khá. “Năm 2016, tổng thu nhập từ khai thác thủy sản, từ cơ sở đóng tàu và các dịch vụ hậu cần nghề cá của gia đình tôi trên 5 tỉ đồng. Tôi đang đầu tư đóng thêm 1 con tàu công suất 800 CV”, ông Ninh cho biết.
Ngư dân Phan Thanh Tỉnh, ở KV 8, phường Ðống Ða (TP Quy Nhơn) có 3 tàu cá công suất lớn, trực tiếp làm thuyền trưởng một chiếc. Vợ chồng anh còn tổ chức mua sản phẩm của các tàu cá khác. Năm 2012, anh Tỉnh cùng với người chị đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước đá công suất 800 cây đá/ngày, mua 2 ô tô 16 chỗ và 1 ô tô 7 chỗ làm dịch vụ vận chuyển du lịch. “Năm 2016, công việc làm ăn khá thuận lợi, sau khi trừ chi phí gia đình tôi có lãi trên 1,5 tỉ đồng”, anh Tỉnh thổ lộ.
Ông Bùi Thanh Ninh ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) bên chiếc tàu vỏ gỗ mới đóng.
Ở xã Mỹ An (Phù Mỹ), ngư dân Nguyễn Văn Ái cũng ăn nên làm ra nhờ có đội tàu khai thác và mua bán thủy sản. Hiện gia đình ông sở hữu 4 chiếc tàu cá lớn trị giá hàng chục tỉ đồng. Năm 2016, gia đình ông thu nhập trên 2 tỉ đồng, các thuyền viên thu nhập từ 80-100 triệu đồng/người/năm. Ông Ái cho biết: Hiện tôi đã bàn giao các tàu cá cho 6 người con trai, mình ở nhà làm “tổng chỉ huy” đội tàu. Tôi luôn theo dõi và hướng dẫn các con trên mỗi chuyến hải trình thông qua hệ thống liên lạc đã được cài đặt sẵn ở nhà. Vợ chồng tôi cùng con dâu phụ trách hậu cần nghề cá trên bờ.
Còn ngư dân La Văn Bộ ở xã Cát Khánh (Phù Cát) có 3 tàu cá với tổng công suất gần 2.000 CV, vừa trực tiếp khai thác thủy sản trên biển, vừa có cơ sở sản xuất nước đá ở Cảng cá Ðề Gi, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 2 tỉ đồng.
ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯ DÂN
Ðể giúp ngư dân vươn khơi bám biển, sản xuất có hiệu quả, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần Quyết định (QÐ) 48/2010 và Nghị định (NÐ) 67/2014 của Chính phủ. Trong đó, tập trung giải quyết nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư đóng tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ và tàu bằng vật liệu mới công suất lớn. Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân mua nhiên liệu, máy thông tin liên lạc. Hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân thành lập thêm nhiều tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển. Qua đó, giúp ngư dân sản xuất hiệu quả gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và hạn chế rủi ro trên biển.
Ngư dân Phan Thanh Tỉnh, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn)- người ngồi bên phải - mỗi năm có lãi trên 1,5 tỉ đồng nhờ tổ chức khai thác thủy sản và kinh doanh dịch vụ hiệu quả.
Thực hiện QÐ 48 của Chính phủ, đến nay tỉnh ta đã hỗ trợ xăng dầu và kinh phí cho ngư dân trong tỉnh lắp đặt 2.470 máy tầm xa HF trên tàu cá. Ngoài ra, có 305 bộ thiết bị kết nối vệ tinh Movimar do Bộ NN&PTNT hỗ trợ cũng đã được tỉnh phân bổ, lắp đặt cho tàu cá của ngư dân. Tỉnh cũng đã phê duyệt danh sách 239 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đầu tư đóng mới tàu cá theo tinh thần NÐ 67/CP, trong đó có 51 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng đóng 44 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 3 tàu bằng vật liệu composite được các ngân hàng thương mại giải ngân với tổng số tiền trên 500 tỉ đồng. Hiện có 34 tàu cá (29 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ và 3 tàu vỏ composite) đã được các doanh nghiệp bàn giao cho ngư dân, trong đó có 21 tàu cá đã đi vào khai thác”.
Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo tinh thần QÐ 48 và NÐ 67/CP, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân mở các loại dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng cá, bến cá; thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi; mời các chuyên gia thủy sản Nhật hướng dẫn ngư dân áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm cá ngừ, đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng cá, bến cá; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân..., giúp bà con yên tâm vươn khơi bám biển dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài và ảnh: PHẠM TIẾN SỸ