Người Bình Ðịnh với Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch cổ
Thư tịch cổ Việt Nam trong các thế kỷ XVII - XIX có nhiều văn bản ghi nhận vai trò của người dân Bình Ðịnh trong quá trình khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền của nước ta trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mộc bản triều Nguyễn khắc in sách Đại Nam thực lục (Chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 154, tờ 4a-b), về việc vua Minh Mạng sai Cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ, Giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, lập bia ở Hoàng Sa vào năm 1835.
Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Ðôn soạn năm 1776 cho biết vào thời chúa Nguyễn cai trị ở Ðàng Trong (1558 - 1775), chúa đã lập đội Hoàng Sa, lấy người dân ở xã An Vĩnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) sung vào. Hàng năm sai đội này ra đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản quý hiếm, thu nhặt hàng hóa, của cải từ các con tàu đắm trong vùng biển này, mang về Phú Xuân nộp cho chúa Nguyễn. Tuy nhiên do hoạt động của đội Hoàng Sa là thường xuyên và lâu dài, trong khi vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa vốn là ngư trường quen thuộc của ngư dân từ Quảng Nam cho đến Bình Thuận, nên chúa Nguyễn đã cho lập thêm các đội: Hoàng Sa Nhị, Ðại Mạo Hải Ba, Quế Hương Hàm, Bắc Hải, Thanh Châu, Hải Môn... và huy động ngư dân ở các địa phương này tham gia khai thác nguồn lợi hải sản, tìm kiếm hóa vật trên các con tàu đắm, góp phần xác lập và thực thi chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phạm vi hoạt động của các đội được chúa Nguyễn phân bố rõ ràng: đội Hoàng Sa chuyên khai thác ở vùng biển đảo Hoàng Sa; đội Bắc Hải trực thuộc đội Hoàng Sa nhưng phụ trách các đảo xa hơn về phía nam, gồm quần đảo Trường Sa, đảo Côn Lôn và các đảo trong vịnh Thái Lan; đội Thanh Châu phụ trách các đảo ngoài khơi vùng biển Bình Ðịnh; đội Hải Môn hoạt động ở Cù Lao Thu và các đảo phụ cận ở ngoài khơi vùng biển Bình Thuận. Trong đó thành phần tham gia đội Thanh Châu chủ yếu là ngư dân Bình Ðịnh.
Mộc bản triều Nguyễn khắc in sách Đại Nam thực lục (Chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165, tờ 24b, 25a-b), về việc vua Minh Mạng sai Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật cùng binh lính và phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định ra Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc vào năm 1836.
Kế tục các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn (1771 - 1801) dù ở trong tình trạng chiến tranh với họ Nguyễn và đối phó với ngoại xâm như Xiêm La (1785), Mãn Thanh (1788 - 1789) nhưng vẫn quan tâm và duy trì hoạt động của đội Hoàng Sa nhằm khai thác các lợi ích kinh tế và kiểm soát chủ quyền biển đảo nước ta đương thời. Một thư tịch cổ tìm thấy ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đề ngày 14 tháng 2 năm Thái Ðức thứ 9 (1786) do quan Thái phó Tổng lý quân binh dân chư vụ thượng tướng công của triều Tây Sơn gửi cho Cai đội Hoàng Sa thời đó có chép: “Sai Hội Ðức hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa và các xứ cù lao ngoài biển, thu lượm vàng bạc, đồ đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, hải ba, cá quý... mang về kinh đô dâng nộp theo lệ”. Thái Ðức là niên hiệu của Nguyễn Nhạc, thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, bấy giờ đang cầm quyền ở Quy Nhơn. Vậy nên lực lượng tham gia đội Hoàng Sa dưới triều Thái Ðức là người dân Bình Ðịnh và các địa phương lân cận.
Sang thời Nguyễn (1802 - 1945), có rất nhiều thư tịch cổ ghi nhận việc người dân Bình Ðịnh đã tham gia vào quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là dưới các triều Gia Long và Minh Mạng. Sách Ðại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn chép: “Năm Minh Mạng thứ 16 (1835)... sai Cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ, Giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh chuyên chở vật liệu đến dựng miếu... Làm trong 10 ngày thì xong rồi trở về” (Chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 154, tờ 4a-b).
Châu bản triều Nguyễn đề ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837), do bộ Công trình tấu, về việc phạt các viên Thủy sư và thưởng cho dân phu 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định vì có công lao trong việc đi thực thi nhiệm vụ ở Hoàng Sa vào năm 1837.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), bộ Công tấu trình vua Minh Mạng sai người ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và dò xét mặt biển. Vua chuẩn y, sai Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi khảo sát và cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa. Ngư dân 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh được triều đình điều động tham gia nhiệm vụ này. Sách Ðại Nam thực lục chép: “Bộ Công tâu: Cương giới vùng biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước đây, hàng năm, thường phái người đi thăm dò khắp nơi để thông thuộc đường biển. Xin cho phép từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái Biền binh thủy quân và Giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng 2 thì đến Quảng Ngãi, giao cho [2 tỉnh] Quảng Ngãi, Bình Ðịnh thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ…”. (Chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165, tờ 24b, 25a-b).
Sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn cũng ghi nhận sự việc này: “Năm [Minh Mạng] thứ 17 (1836), chuẩn y lời tâu rằng: xứ Hoàng Sa là cương giới biển vô cùng hiểm yếu... Nay tư cho [2 tỉnh] Quảng Ngãi, Bình Ðịnh chiếu lệ năm trước, thuê mướn thuyền của dân và sai người dẫn đường..., cùng sai phái Biền binh thủy quân và Giám thành đi chiếc thuyền sơn đen thẳng đến Hoàng Sa. Không cứ đảo nào, cửa biển nào thuyền chạy đến sẽ đo chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi nơi ấy bao nhiêu và bốn bề nước biển nông hay sâu, có cát ngầm, đá mỏm hay không, hình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành bản đồ...”. (Chính biên, quyển 221, tờ 26a-b).
Châu bản triều Nguyễn đề ngày 2 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), do bộ Công trình tấu, về việc phạt các viên Thủy sư và thưởng cho dân phu 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định vì có công lao trong việc đi thực thi nhiệm vụ ở Hoàng Sa vào năm 1837.
Việc nhà Nguyễn hàng năm điều động ngư dân Bình Ðịnh và thuê thuyền của họ để chở quan quân ra thăm dò, khảo sát và thực thi các nhiệm vụ tại Hoàng Sa và Trường Sa còn được phản ánh trong châu bản triều Nguyễn.
Châu bản đề ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) do bộ Công trình tấu về việc thưởng phạt các viên Thủy sư và dân phu dẫn đường được phái đi công cán Hoàng Sa. Bản tấu có đoạn viết: “... Tất cả binh, dân thuyền được sai phái đi, Quảng Ngãi 2 thuyền, Bình Ðịnh 2 thuyền, đều cho về đơn vị cũ, nơi chốn cũ. Duy có việc bộ thần đã xem xét công việc năm ngoái, các viên quản suất, dẫn đường được sai phái đi Hoàng Sa thực hiện công vụ, khi trở về không mang theo bản đồ bị trách phạt, còn binh, đinh được thưởng 1 tháng lương tiền, dân phu được thưởng tiền 2 quan...”. (Châu bản triều Nguyễn, tập 57, tờ 244).
Châu bản đề ngày 2 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), cũng do bộ Công trình tấu việc cử người ra khảo sát và vẽ bản đồ toàn bộ xứ Hoàng Sa, dự kiến đi vào hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 sẽ trở về. Bộ Công đã truyền dụ đến 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh, điều động nhân sự và thuyền bè đầy đủ, chờ ngày lên đường. Tuy nhiên do thời tiết bất lợi không thể ra khơi, nên sang tháng 4 mà vẫn chưa khởi hành được. Bộ Công liền trình tấu lên nhà vua xin hoãn đợi có gió Nam sẽ ra khơi ngay.
Ngoài việc tham gia vào các hoạt động khai thác, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo lệnh của triều đình, ngư dân Bình Ðịnh dưới sự điều động của quan phủ địa phương còn tham gia vào hoạt động cứu hộ, cứu nạn cho tàu bè và thủy thủ đoàn bị nạn trong vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa và được sử sách triều Nguyễn ghi nhận.
Theo Ðại Nam nhất thống chí, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), thuyền buôn nước Anh đi qua Hoàng Sa bị đắm. Những người sống sót bám ván thuyền trôi dạt trên biển, được ngư dân Bình Ðịnh cứu giúp. Vua Minh Mạng sai quan phủ Bình Ðịnh ban cấp tiền gạo, áo quần và sai người đưa đến Hạ Châu (Singapore) để họ về nước.
Từ những ghi chép trong các nguồn thư tịch cổ Việt Nam dưới thời các chúa Nguyễn, Tây Sơn và vương triều Nguyễn, có thể khẳng định người Bình Ðịnh đã đóng góp nhiều công lao vào quá trình khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền của nước ta trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Truyền thống tốt đẹp đó hiện vẫn đang được tiếp nối, duy trì bằng các hoạt động “vươn khơi bám biển” của ngư dân Bình Ðịnh, đặc biệt là trong các vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, vừa khai thác các nguồn lợi từ biển cả để mưu sinh và đóng góp cho nền kinh tế tỉnh nhà, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay.
TS. TRẦN ÐỨC ANH SƠN