Có một làng Bình Ðịnh ở Pleiku
Xã An Phú thuộc TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, được mệnh danh là “làng Bình Ðịnh” bởi hơn 80% dân địa phương đều là dân Nẫu lên đây lập nghiệp.
Đình An Mỹ ghi dấu những ngày đầu người Bình Định lên đây lập làng.
Người xưa kể, đất An Phú xưa vốn hoang hóa, là nơi trú ngụ của nhiều loài thú dữ. Nhưng nay lại là vùng đất trù phú, bình yên. Ði đến đâu ta cũng bắt gặp màu xanh ngút ngàn của những vườn rau, những rẫy cà phê, hồ tiêu sum suê, xanh ngắt và trĩu quả.
ÐẤT LÀNH CHIM ĐẬU
Biết chúng tôi là đồng hương xứ Nẫu, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch UBND xã An Phú - nguyên quán ở thôn Ðông Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn - tay bắt mặt mừng, hào sảng đúng chất Bình Ðịnh; rồi say sưa kể chuyện ông cha lên khai sơn, lập nghiệp.
Năm 1901, ông Nguyễn Miên (quê gốc Bình Ðịnh) chiêu dân lên đây lập làng. Ban đầu có 30 gia đình, chủ yếu dân ở 2 huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn, đặt tên làng Phú Thọ. Cùng thời gian này, ông Nguyễn Mai Luật (quê huyện Phù Mỹ) và ông Trần Cư (quê huyện An Nhơn, nay là TX An Nhơn) cũng rời quê lên đây định cư, chọn vùng đất màu mỡ xứ Trà Dom (nay là thôn 2, xã An Phú) làm điểm dừng chân, đặt lại tên thành làng An Mỹ. Khi ấy, làng chỉ có khoảng mươi gia đình. Những năm sau, dân Nẫu đưa nhau lên ngày càng đông, hình thành nên một cộng đồng dân cư. Ðể tạ ơn thành hoàng và ghi nhớ các bậc tiền hiền, bà con chung tay xây nên đình làng An Mỹ. Năm 1976, làng An Mỹ và làng Phú Thọ sáp nhập thành xã An Phú ngày nay.
Bia chứng tích lịch sử cho nguồn gốc lập làng của người Bình Định được đặt ở thôn 2, xã An Phú, TP Pleiku.
Bà Nguyễn Thị Chua, 86 tuổi, vốn quê ở thôn Mỹ Thuận, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, nay sống ở thôn 2, xã An Phú, nhớ lại: “Năm 1954, lúc cùng cha mẹ lên định cư ở làng An Mỹ, tôi theo mẹ lên núi chặt cây, trỉa lúa, bắp, mì, khoai. Thời đó, vùng này cây cối rậm rạp, thú dữ cũng rất nhiều. Ða số người ở dưới quê lên đều sinh sống cùng với bà con dân tộc thiểu số. Lúc đó, đồng bào ở đây chỉ biết làm lúa rẫy thôi. Sau thấy dân mình khai hoang, cải tạo lại đất, canh tác cây lúa nước, trồng rau màu, họ bắt chước làm theo”.
Những năm 30 của thế kỷ XX, xã An Phú chỉ có hơn 10 hộ dân Bình Ðịnh, đến những năm 70 đã có hàng trăm hộ. Và ngày nay, hơn 80% trong số 2.693 hộ dân An Phú là người Bình Ðịnh. “Không thể kể hết bao mồ hôi, xương máu dân Bình Ðịnh đổ xuống đất này. Vượt bao khó nhọc, mọi người đã thu về quả ngọt” - Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Hữu Tài nói.
An Phú nay là vùng chuyên canh rau quả có tiếng của tỉnh Gia Lai và Tây Nguyên với 1.100 ha đất chuyên canh tác hoa màu, chưa kể đến 100 ha trồng cà phê và hồ tiêu. Sự giàu có không xa vời mà hiện diện ở không ít gia đình, khi 75% số hộ trong xã đều làm ăn khá giả. Mỗi năm, chỉ riêng canh tác cà phê, hồ tiêu, nhiều hộ thu lãi bình quân 300 - 400 triệu đồng.
Một góc xã An Phú hôm nay.
THẮM TÌNH ĐỒNG HƯƠNG
Cùng một gốc Nẫu ra đi nên nghĩa tình đồng hương cũng được người Bình Ðịnh đề cao, trân trọng. “Người đi trước hướng người đi sau, ai ốm đau đều thăm hỏi, khó khăn thì giúp đỡ, cưu mang. Ðiều này đã thành luật bất thành văn rồi” - ông Mai Liêm, quê gốc ở thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, nay ở thôn 2, xã An Phú, khẳng định. Rồi ông chứng minh: “Như ông Ðoàn Tiến Quyết, quê gốc xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn, mới bỏ ra 2 tỉ đồng để xây tường rào, cổng ngõ, chỉnh trang lại nghĩa trang xã An Phú. Ông Quyết cũng rất sẵn lòng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương tại các cơ sở, nông trại, nhà hàng, khách sạn… thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai”.
Ngoài tỉ phú Ðoàn Nguyên Ðức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đất An Phú này còn những tỉ phú, triệu phú người Bình Ðịnh khác làm giàu từ sự cần cù, chịu khó và nay, khi đã khá giả, họ xem việc giúp người cũng là giúp mình. Như ông Nguyễn Ngọc Hoàng (quê gốc xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, nay ở thôn 5, xã An Phú) là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Ðất An Phú. Ông Hoàng là người đầu tiên ở tỉnh Gia Lai dám bỏ ra 2 tỉ đồng đầu tư mô hình trồng rau rộng 3 ha theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, hợp đồng bao tiêu 5 ha rau cho 14 hộ dân người gốc Bình Ðịnh ở xã An Phú. Mỗi năm, ông Hoàng thu trên 3 tỉ đồng.
Cà phê, hồ tiêu là những mặt hàng nông sản giúp cho người con Bình Định có của ăn của để.
Cộng đồng dân cư người Bình Ðịnh hưởng ứng rất tích cực các phong trào thi đua do địa phương phát động. Bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, nhận xét: “Năm 2013, xã An Phú là một trong 3 xã của TP Pleiku về đích nông thôn mới. Trong các phong trào phát động người dân đóng góp kinh phí, lúc nào người Bình Ðịnh luôn đi đầu. Góp tiền, góp luôn cả ngày công”.
Bình yên chảy giữa nhịp đời phố thị, An Phú nay vẫn giữ được dấu tích làng xưa, với đình An Mỹ - được dựng nên hồi mới lập làng - nay được tôn tạo, tu bổ, cúng tế Xuân Thu nhị kỳ hàng năm, như lời nhắc nhở, lưu truyền cho con cháu nhớ thời cha ông rời xứ Nẫu lên đây lập làng, lập nghiệp. Không những vậy, “đó cũng là dịp để bà con trao đổi kinh nghiệm, động viên nhau trong làm ăn và nhắc nhớ truyền thống xưa. Tình đồng hương nơi đất khách của người dân xứ Nẫu nhờ vậy thêm đoàn kết, bền chặt” - như bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã nhận xét.
TRỌNG LỢI