Bốn anh em cùng thượng thọ
Xưa đến nay, trường thọ luôn là ước vọng của con người. Gia đình có người sống thọ được xem là phúc phận trời ban. Chuyện cả bốn anh em trong một gia đình cùng thượng thọ là điều xưa nay hiếm.
Cụ Trần Minh Châu cho biết, cụ và các em không thích hút thuốc lá, uống rượu bia, cà phê.
Các cụ ông Trần Minh Châu (106 tuổi, ở thôn 2, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh), Trần Văn Khương (99 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), Trần Quay (96 tuổi, ở số nhà 326 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Quy Nhơn) và cụ bà Trần Thị Hường (89 tuổi, ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) là anh em ruột. Ðặc biệt, dù đều đã vào ngưỡng thượng thọ nhưng các cụ còn rất minh mẫn.
TINH THẦN MINH MẪN
Tiếp chúng tôi trong gian nhà nhỏ, cụ Châu rành rọt kể về thời cụ rời quê nhà Tam Quan vào Quy Nhơn rồi ngược lên đất Vân Canh sinh sống. Thấy chúng tôi tò mò về những Giấy khen tuổi cao gương sáng, đóng góp cho công tác vệ sinh môi trường được treo trên tường, cụ Châu lý giải: Những năm 1998, thấy đường sá nhiều rác bẩn, cụ tự nguyện làm vệ sinh, thu gom nhiều năm liền. Biết chuyện đó, UBND xã Canh Thuận đã tặng Giấy khen tuyên dương cụ.
Ông Trần Văn Ðức (54 tuổi, con trai út của cụ Châu) kể: “Phải đến năm 92 tuổi trở đi, cha tôi mới cần đến gậy để hỗ trợ việc đi lại. Mỗi bữa, cụ tự ăn được một chén cháo. Cho đến giờ, chưa có một ngày nào con cháu thấy cụ lẫn hoặc lẩm bẩm một mình. Cụ có thể suy nghĩ chậm, nhưng đã nói ra thì đều chuẩn, chính xác”.
Cụ Trần Văn Khương viết thư cho con cái ở xa mỗi ngày.
Qua Tết Ðinh Dậu năm 2017 này là tròn 100 tuổi, cụ Khương vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu bằng sự minh mẫn, khỏe mạnh của mình. Theo lời kể của ông Trần Văn Quang (60 tuổi) - con trai cụ - cụ vẫn quán xuyến và sắp xếp nhiều việc trong nhà. Tối hôm trước, cụ còn nhắc các con phải dặn đứa cháu từ Bình Ðịnh vào TP Hồ Chí Minh học Ðại học ghé nhà trước khi về quê ăn Tết để cụ gửi tiền, quà cho ngày giỗ họ, cho các anh em. 3 năm nay, do sức khỏe yếu hơn trước, cụ không thể về quê mỗi dịp giỗ họ. Mỗi ngày, cụ còn dành thời gian để viết thư gửi cho con cái đang ở xa để dặn dò, kể chuyện hàng ngày.
Với con cháu, sự khỏe mạnh, minh mẫn của cha, ông mỗi ngày là động lực, hạnh phúc. Ông Trần Văn Khảm (62 tuổi, con trai của cụ Trần Quay) tâm sự: “Quan niệm của chúng tôi là còn cha mẹ, còn được chăm chút cho cha mẹ lúc già yếu là hạnh phúc. Các cụ còn sống, vui vầy với con cháu được ngày nào là mừng ngày đó. Ở tuổi này, các cụ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh là phúc phần của gia đình”.
Ở tuổi 96, cụ Trần Quay vẫn minh mẫn, khỏe mạnh.
SỐNG GIẢN DỊ, ÔN HÒA
Sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đất nước còn nhiều gian khó, các cụ đều lao động vất vả để chăm lo, nuôi dạy các con nên người. Cụ Châu là nông dân gắn bó với trồng trọt. Vợ chồng cụ có một vườn rau lớn; đó vừa là nguồn thu nhập, cũng là nguồn thực phẩm chính của gia đình. Trong khi đó, cụ Khương làm thợ may để mưu sinh ở đất Sài Gòn. Ðến tận giờ, cụ vẫn thỉnh thoảng nhận quần áo của cháu, chắt để chỉnh sửa hoặc đạp vài đường cho đỡ nhớ nghề. Còn cụ Quay thì gắn bó với nghề thợ mộc.
Cụ Trần Thị Hường (90 tuổi), đang sống cùng con trai ở quê nhà khối 2, thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn. Cụ Hường không được cứng cáp, khỏe mạnh như các anh trai của mình. Dẫu vậy, trong ấn tượng của con cháu, cụ là người hết sức nồng hậu, ấm áp. Ông Trần Văn Khảm nhớ lại: “Cô tôi là người chăm chỉ lao động. Thời tuổi trẻ, cô vừa làm vườn, vừa buôn bán để chắt chiu từng đồng chăm lo cho gia đình”.
Cụ Trần Thị Hường trong căn nhà nhỏ. Ảnh: DIỆP BẢO SƯƠNG
Ðiểm đáng quý ở các cụ chính là ý thức giữ gìn sức khỏe. Cả ba cụ ông đều không bao giờ hút thuốc lá, uống rượu bia hay cà phê. Cụ Châu kể: “Tui ghét mùi thuốc lá từ hồi nhỏ. Ði xem hát bội mà ngồi gần mấy người hút thuốc là tui tránh ra xa. Về rượu bia, hồi trẻ, tui có một trận uống say dữ lắm với bạn đồng lứa; sau lần ấy, tui quyết không say xỉn, chỉ thỉnh thoảng mới uống một, hai ly rượu thuốc”.
Biết tính các cụ không thích mùi thuốc lá, con cháu mỗi khi hút thuốc đều phải ý tứ. Ông Trần Văn Ðức kể: “Khi có khách đến nhà, nếu có cụ, tôi tránh mời thuốc lá. Cụ không ép con cháu phải sống giống mình nhưng tuổi cụ đã cao, tôi không muốn cụ buồn, ảnh hưởng sức khỏe”.
Ngoài lối sống chăm chỉ lao động, tránh xa các chất kích thích có hại cho sức khỏe, các cụ còn là những người rất điềm tĩnh, ôn hòa. Con của các cụ rất ít khi thấy các cụ nổi nóng. “Cuộc sống gia đình từng có những thời điểm khó khăn, nhưng chưa bao giờ thấy cha lớn tiếng với mẹ, đánh đập con. Có lẽ vì luôn điềm tĩnh, sống nhẹ nhàng nên cụ có sức khỏe và dẻo dai hơn người khác chăng?” - ông Quang gợi mở.
NGUYỄN MUỘI